Nếu bạn từng xem phim về hàng không, chắc hẳn đã không ít lần nghe câu "Mayday! Mayday! Mayday!" vang lên qua radio mỗi khi máy bay gặp sự cố nghiêm trọng. Đây là tín hiệu cấp cứu quốc tế trong ngành hàng không, báo hiệu rằng một chiếc máy bay đang trong tình trạng nguy hiểm và cần hỗ trợ khẩn cấp ngay lập tức. Nhưng vì sao phi công lại phải nói "Mayday" ba lần? Và tại sao lại là "Mayday" chứ không phải một tín hiệu khác?
Vì sao phi công luôn lặp lại "Mayday" ba lần?
Thuật ngữ "Mayday" có nguồn gốc từ tiếng Pháp, xuất phát từ cụm từ "m'aider", có nghĩa là "giúp tôi". Nó được chọn làm tín hiệu cấp cứu hàng không từ những năm 1920 khi lưu lượng máy bay tăng mạnh, đòi hỏi một hệ thống liên lạc khẩn cấp chuẩn hóa trên toàn thế giới.
Frederick Stanley Mockford, một nhân viên điều hành radio tại sân bay Croydon (London), là người nghĩ ra cụm từ này. Do Croydon thường xuyên tiếp nhận các chuyến bay từ Pháp, ông quyết định sử dụng một từ có thể dễ nhận diện đối với cả phi công nói tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.
Nhiều người có thể thắc mắc: Tại sao không dùng SOS, tín hiệu đã rất quen thuộc trên biển? Câu trả lời là: SOS hoạt động hiệu quả với Morse code, nhưng khi giao tiếp bằng giọng nói, các ký tự trong từ SOS có thể dễ bị nhầm lẫn do tín hiệu radio bị nhiễu. Trong khi đó, "Mayday" có âm thanh rõ ràng, dễ nhận diện, giúp giảm thiểu rủi ro trong tình huống khẩn cấp.
Phi công không chỉ nói "Mayday" một lần, mà phải lặp lại ba lần liên tiếp. Điều này nhằm đảm bảo tín hiệu được nghe rõ ràng, tránh nhầm lẫn với các cuộc trò chuyện thông thường trên radio.
Trên thực tế, tần số khẩn cấp hàng không là 121.5 MHz và 243 MHz thường có nhiều tín hiệu cùng lúc. Việc lặp lại "Mayday" giúp kiểm soát không lưu (ATC) xác định ngay rằng đây là một trường hợp khẩn cấp thực sự, tránh bị chìm trong luồng liên lạc dày đặc.
Không phải lúc nào cũng là tình huống máy bay rơi tự do hay mất động cơ giữa trời. Nếu sự cố không đe dọa tính mạng ngay lập tức, phi công sẽ sử dụng tín hiệu "Pan-Pan" thay vì "Mayday".
Theo đó, Mayday sẽ được dùng trong tình huống nguy hiểm đe dọa tính mạng, cần cứu hộ ngay lập tức. Còn với Pan-Pan, nó sẽ được dùng trong trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, như hỏng động cơ nhưng vẫn còn một động cơ khác hoạt động, hoặc một hành khách bị vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Ngoài ra, kiểm soát không lưu cũng có thể gửi tín hiệu "Securité" để cảnh báo phi công về các nguy hiểm xung quanh, như bão lớn, gió mạnh hoặc chướng ngại vật trên đường bay.
Khi nào "Mayday" đã cứu sống hàng trăm người?
Hệ thống liên lạc khẩn cấp này không chỉ mang tính biểu tượng mà thực sự đã cứu sống nhiều mạng người.
Một trong những vụ việc nổi tiếng nhất là chuyến bay United Airlines 232 năm 1989. Máy bay gặp sự cố mất toàn bộ hệ thống điều khiển thủy lực do động cơ đuôi phát nổ, buộc phi công phải phát tín hiệu "Mayday" để xin hạ cánh khẩn cấp tại Sioux Falls, Iowa. Nhờ sự chuẩn bị kịp thời của đội cứu hộ, chỉ có 111 trong số 296 người thiệt mạng, còn lại đều sống sót.
Tương tự, vụ hạ cánh khẩn cấp của chuyến bay US Airways 1549 năm 2009 cũng là một ví dụ kinh điển. Sau khi bị một đàn ngỗng trời đâm vào cả hai động cơ, cơ trưởng Chesley "Sully" Sullenberger đã phát tín hiệu "Mayday" ngay lập tức, giúp lực lượng cứu hộ sẵn sàng triển khai khi máy bay đáp xuống sông Hudson. Kết quả: Toàn bộ 155 hành khách và phi hành đoàn đều sống sót.