Nếu có người hỏi: "Bạn muốn sống trong một gia đình giàu có, đầy đủ tiện nghi nhưng buồn tẻ, nặng trĩu lo âu hay trong một gia đình chỉ gọi là tạm đủ nhưng tràn ngập niềm vui, đầy ắp tiếng cười?". Tôi tin là đa số chúng ta sẽ chọn hoàn cảnh thứ hai, nơi luôn có tiếng cười.
Bởi vì con người có hai nhu cầu song song tồn tại là tinh thần và vật chất. Cho dù vật chất đầy đủ, thậm chí dư thừa cũng chỉ là điều kiện sống. Còn bản thân cuộc sống có hạnh phúc hay không do yếu tố tinh thần quyết định.
Nhưng muốn có cuộc sống tinh thần thoải mái, yêu đời phải vượt lên trên những lo toan đời thường, phát hiện ra khía cạnh hài hước của cuộc sống, làm bùng nổ tiếng cười, đem lại bầu không khí gia đình đầm ấm.
Hàng ngày chúng ta phải vật lộn để mưu sinh nhưng khi bước chân trở về ngưỡng cửa gia đình ai cũng muốn được nghe tiếng cười, nhìn gương mặt rạng rỡ của người thân, khác nào được tiếp thêm sức mạnh để vui sống, tái tạo sức lao động và ngày mai lại lao vào cuộc chiến đấu mới.
Không những thế, các chuyên gia y tế cũng cho rằng vui cười rất có lợi cho sức khoẻ và nhan sắc của bạn. Nụ cười làm giãn các cơ mặt và làm cho nước da đẹp hơn. Nó giúp tâm hồn chúng ta thanh thản, hiệu suất công việc cao hơn.
Có thể nói nó chẳng khác gì chất men của cuộc sống. Nó phủ lên những hoạt động lặp đi lặp lại hàng ngày một cách quá quen thuộc một thứ ánh sáng màu hồng, làm cho cuộc sống bình lặng của chúng ta khởi sắc hơn, lý thú hơn và vì thế chúng ta yêu đời hơn.
Trong bữa cơm gia đình, có người nói một câu hài hước làm cho vợ chồng con cái cười vui rôm rả, chắc chắn bữa ăn sẽ ngon hơn, tiêu hoá sẽ tốt hơn, mọi người ăn khoẻ hơn. Chẳng hạn con thật thà khen: "Lâu lắm mới được ăn món cà, ngon quá mẹ ạ".
Câu đó chưa có gì đáng cười. Nhưng nếu người mẹ vui tính nói thêm: "Thế à, từ nay trở đi mẹ cứ cho con ăn cơm toàn với cà thôi nhá" thì yếu tố cười đã xuất hiện. Nếu ông bố lại thêm vào: "Mai bố mua một tạ cà về muối ăn dần, mẹ khỏi phải đi chợ" thì chắc chắn chẳng ai làm thế cả nên không khí càng vui vẻ hơn.
Bữa cơm mà cả nhà đều mặt khó đăm đăm thì làm sao tiêu hóa được (Ảnh minh họa)
Nếu cả nhà đi tham quan du lịch mà có người phát hiện ra một điều hài hước khiến tất cả cười nghiêng ngả thì còn gì bằng. Đó chính là hình ảnh một gia đình hạnh phúc.
Để gây tiếng cười có nhiều cách. Phổ biến nhất là kể một chuyện vui. Chuyện này có thể do mình sáng tác hoặc cũng có thể là chuyện "nghe lỏm" được ở đâu rồi đem kể lại. Hầu như tờ báo nào cũng có mục thư giãn mà bạn có thể đọc thấy rất nhiều chuyện cười.
Muốn kể được hay, bạn cần nắm được kỹ năng cơ bản của nghệ thuật kể chuyện cười. Biết giấu những tình tiết gây cười để đến câu cuối cùng mới bất ngờ "cởi nút" làm người nghe phải bật cười, thế là thành công. Chuyện cười phải ngắn gọn, có thể nói là cực ngắn. Nếu kéo dài quá 2 phút là nhạt. Có người chỉ kể hết một phút mà làm cho người nghe phải cười một hồi đến giàn giụa cả nước mắt, nước mũi.
Cách thứ hai là nói về những chuyện thường gặp trong cuộc sống nhưng nhìn nó dưới góc độ hài hước hoặc chen vào những câu nhận xét, bình phẩm dí dỏm, khôi hài. Điều này cần một chút năng khiếu.
Có người ngồi bất cứ đâu, nói bất cứ chuyện gì, cứ mở miệng ra là đã thấy buồn cười, miễn là đừng thái quá, còn nói chung những người như thế thường được mọi người yêu mến, ai cũng muốn gần. Họ đem đến cho cuộc sống bình lặng một niềm vui, làm con người trẻ trung và vui sống hơn.
Có lẽ đa số chúng ta đều muốn được chung sống với người bạn đời vui tính như thế.
Tạp chí "Elle" của Pháp nêu câu hỏi về những tiêu chuẩn của người chồng lý tưởng. Hơn 80% phụ nữ mong muốn chồng có chút hài hước. Chả hơn sống với người suốt ngày lầm lì, cau có, tức giận hết chuyện nọ đến chuyện kia.
Cuộc sống như thế dẫu có ăn ngon, mặc đẹp, ở lầu son gác tía cũng chẳng vui thú gì. Nhưng trong thực tế, không phải nhà ai cũng có được bầu không khí vui tươi như vậy. Điều ngạc nhiên là cả những người có tiếng là "cây hài hước" ở cơ quan, có khi trong gia đình, họ lại sống khác hẳn, nghiêm nghị, buồn tẻ, không hề thấy họ nói những câu buồn cười bao giờ. Tại sao lại như vậy?
Cơ quan tôi có một anh rất vui tính, rất hay kể chuyện tiếu lâm. Một hôm có người hỏi vợ anh ta: "Chắc ở nhà, anh ấy hay làm chị buồn cười lắm nhỉ?". Nào ngờ nét mặt người vợ bỗng sa sầm: "Ông ấy chỉ làm vui cho thiên hạ thôi. Còn ở nhà đối với vợ con cứ im như thóc".
Lẽ nào người đàn ông đó có hai bộ mặt, một sống trầm lặng, buồn bã trong gia đình và một bộ mặt khác vui tươi hồ hởi với thiên hạ? Thực ra chẳng ai muốn sống "phân thân" như vậy mà có lẽ do sự khác nhau giữa bầu không khí ở cơ quan và ở gia đình anh ta.
Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy để có một trận cười vui vẻ trong gia đình, phải hội đủ 3 yếu tố sau đây:
Một là, có bầu không khí thoải mái, mọi người tạm thời quên đi những buồn phiền lo âu trong cuộc sống. Mỗi thành viên trong gia đình đều vui vẻ mới tạo ra được bầu không khí sẵn sàng đón nhận tiếng cười. Trái lại sự hài hước sẽ trở thành vô duyên, lạc lõng trong bầu không khí buồn thiu.
Hai là, phải có người biết thưởng thức tiếng cười. Những người hài hước nói chung đều thông minh. Họ phát hiện những khía cạnh buồn cười và phải được người nghe đồng tình, tán thưởng. Cũng như người gẩy đàn phải có người biết nghe. Nếu kể chuyện tiếu lâm mà không ai cười thì người kể cũng bẽ mặt chứ chưa nói còn đủ hào hứng mà kể tiếp.
Muốn cười được thì vợ chồng phải biết... tung hứng. (Ảnh minh họa)
Ba là, người nghe phải biết bình luận, khen chê câu chuyện. Người nghe không chỉ biết nghe mà họ như không thể ngồi yên, cũng muốn góp vào một vài ý hoặc đẩy lên một mức nữa khác thường hơn khiến cho câu chuyện càng buồn cười.
Rõ ràng tiếng cười không thể do một cá nhân nào tạo ra được. Nói khác đi không ai hài hước được một mình. Bởi thế, nếu trong cuộc sống gia đình thiếu vắng tiếng cười đâu phải là trách nhiệm của riêng ai mà mọi người đều phải tự hỏi mình đã đóng góp gì vào bầu không khí vui tươi đó chưa?
Đặc điểm của cuộc sống gia đình là sự đi lặp lại những hoạt động giống nhau hết ngày này sang tháng khác, cho nên nó dễ nhàm chán và buồn tẻ. Những người trong gia đình lại quá quen nhau, có những chuyện cười đã kể đi kể lại hàng chục lần, thậm chí mới kể câu đầu mọi người đã biết câu cuối. Chính vì thế pha trò trong gia đình khó hơn với những môi trường khác.
Nói chung đa số những người hài hước là nam giới. Người khởi xướng chuyện cười thường là đàn ông. Nhưng người quyết định bầu không khí gia đình có vui tươi hay không lại là người vợ chứ không phải người chồng.
Một người vợ biết thưởng thức tiếng cười của chồng, biết phụ hoạ, khen ngợi một cách thích thú tài hài hước của người khác thì đó mới là vườn ươm những tài năng. Con cái cũng ảnh hưởng tính vui nhộn của cha mẹ.
Trái lại nếu người vợ quá trang nghiêm hoặc lúc nào cũng không hài lòng với thực tại thì dẫu chồng có là vua hề Sac-lô có lẽ cũng đành phải đi tìm chỗ khác mà... hành nghề.