Theo Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc), trên các nền tảng xã hội như Xiaohongshu, WeChat và Douyin của nước này rất dễ bắt gặp những nội dung như: "Tôi muốn xem bộ phim… và cần tìm bạn xem phim cùng", "Tôi muốn đi du lịch tới… và đang tìm bạn đồng hành", "Tôi muốn đi xem ca nhạc và muốn tìm bạn đi cùng"...
"Bạn đồng hành" là gì?
Theo Nhật báo Kinh tế, "bạn đồng hành" để chỉ mối quan hệ xã hội được hình thành vì có lợi ích chung hoặc nhu cầu chung. "Bạn đồng hành" không thân thiết như bạn thân, nhưng nó vượt qua tình cảm của bạn học và đồng nghiệp bình thường, tập trung vào mối quan hệ giữa những người có chung nhu cầu hoặc sở thích cụ thể.
Đó có thể là những người bạn cùng nhau đi ăn vì có sở thích ăn uống giống nhau, những người bạn cùng nhau đi du lịch vì cùng sự tò mò về thế giới, những người bạn cùng nhau đến thư viện vì có cùng sở thích đọc sách, và những người bạn cùng chơi một trò chơi mà tất cả đều yêu thích...
Sự xuất hiện của "bạn đồng hành" có liên quan mật thiết với nhịp sống nhanh trên mạng xã hội hiện nay. Nhiều thanh niên thành thị tại Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực công việc, học tập, áp lực tinh thần quá lớn khiến họ cảm thấy mệt mỏi, cô đơn, cần những người bạn có cùng mối quan tâm để cùng nhau tìm niềm vui trong cuộc sống.
Vậy tại sao không phải là bạn thân? Mặc dù tình bạn sâu sắc giữa những người bạn thân hơn hẳn "bạn đồng hành", nhưng việc duy trì mối quan hệ thân thiết này cũng giống như tình cảm gia đình và tình yêu. Những người trẻ tuổi cảm thấy mệt mỏi với việc duy trì mối quan hệ thân thiết này, vì vậy họ chuyển sang một mối quan hệ xã hội không thân thiết bằng nhưng thoải mái hơn, đó là "bạn đồng hành".
Trong mối quan hệ xã hội này, những người trẻ tuổi không cần phải chịu quá nhiều gánh nặng tình cảm, nhưng họ có thể có được một mối quan hệ đồng hành với sự thỏa mãn cao độ.
Trong quá trình tìm kiếm và phát triển mối quan hệ "bạn đồng hành", không thể phủ nhận vai trò của internet. Những người trẻ dành nhiều thời gian "lướt" internet mỗi ngày không còn giới hạn việc tìm kiếm "bạn đồng hành" trong thế giới thực xung quanh họ. Một số bạn trẻ đang bắt đầu từ quan điểm của chủ nghĩa thực dụng, hi vọng rằng "bạn đồng hành" có thể giúp đỡ họ một số việc.
Ví dụ, trên nền tảng Xiaohongshu và Xianyu có một kiểu "bạn đồng hành" nhằm trao đổi kỹ năng, có thể dạy cho nhau những kỹ năng mà người này có nhưng người kia thì không, để đạt được mục đích cải thiện bản thân.
Một số bạn trẻ đang bắt đầu từ quan điểm của chủ nghĩa thực dụng, hi vọng rằng "bạn đồng hành" có thể giúp đỡ họ một số việc. Ảnh: The Paper
"Xuất hiện khi bạn cần và im lặng khi không cần"
"Xuất hiện khi bạn cần và im lặng khi không cần" là đặc điểm chính của kiểu tương tác xã hội giữa những "bạn đồng hành", tạo thành một tình bạn đầy tính thực dụng và ít chịu ảnh hưởng của các trạng thái cảm xúc.
Theo Nhật báo Kinh tế, khi việc giao tiếp với "bạn đồng hành" dần trở thành trào lưu thì phương thức xã giao này cũng làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng. Đa số cư dân mạng đều có thái độ trái chiều trước mối quan hệ này.
Một số cư dân mạng cho rằng đây là sự hạ cấp của tình bạn trước đây; tình bạn sâu sắc và thân thiết được thay thế bằng "những người quen biết thông thường", điều này không có lợi cho sự phát triển của đời sống xã hội.
Có cư dân mạng khác lại cho rằng, mối quan hệ "bạn đồng hành" này có ranh giới rất rõ ràng, phù hợp với nhịp sống nhanh của giới trẻ đương đại và đáng được ủng hộ.
Nhật báo Kinh tế nhận định, bất chấp việc mối quan hệ xã hội theo kiểu "bạn đồng hành" được coi là quen biết bình thường và không có tình cảm sâu sắc, thì nó vẫn phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng người trẻ, với những gì họ yêu thích và muốn làm. Tuy nhiên, giữa nhịp sống gấp gáp của xã hội hiện đại, giới trẻ vẫn cần cân bằng giữa những mối quan hệ thân thiết nhưng mất nhiều thời gian bồi đắp và những mối quan hệ kiểu "bạn đồng hành" không thân thiết bằng nhưng dễ duy trì.