Mặc dù lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định tình hình được kiểm soát tốt và kêu gọi người dân bình tĩnh, nhiều người vẫn chen chân đi mua đồ ăn tích trữ từ nửa đêm qua.
Sau khi thông tin chính thức về một ca nhiễm Covid-19 tại Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) được xác nhận, các lãnh đạo của thành phố đã sớm bác bỏ các tin đồn thất thiệt và kêu gọi người dân bình tĩnh. Nhưng tâm lí nôn nóng đã khiến một số người tìm đến các cửa hàng tiện ích nhỏ để tìm mua mì tôm, nước uống, xúc xích, sữa, giấy vệ sinh hay thậm chí là trái cây sấy, snack để tích trữ.
Theo ghi nhận tại một số cửa hàng, đặc biệt là hệ thống Circle K xung quanh khu vực bị cách li (phố Ngũ Xã, đường Thanh Niên, phố Nguyễn Trường Tộ), nhu cầu mua các mặt hàng này tăng cao hơn đáng kể.
Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất là mì tôm, bánh mì, còn có đồ ăn vặt, sữa, nước đóng chai, nước ngọt,.... Ngoài ra, sản phẩm nước rửa tay cũng được tiêu thụ nhiều dù hệ thống cửa hàng tiện lợi này chỉ cung cấp với số lượng nhỏ.
Việc nóng vội đi mua vơ vét thực phẩm của một số người đã gây khó chịu cho khách hàng khác đang mua đồ ăn đêm theo thói quen tại các cửa hàng này. "Thực phẩm thiếu gì mà mua lắm thế. Chẳng hiểu những người này nghĩ gì", một cô gái đứng xếp hàng thanh toán tiền mua bánh bao tại Circle K Nguyễn Trãi nói.
Cũng theo thông tin từ các nhân viên tại hệ thống cửa hàng tiện lợi này, dù sức mua của người dân tăng đột biến, nhưng họ vẫn có đủ lượng hàng để cung cấp cho người dân trong những ngày tới.
Tại các cửa hàng Circle K được khảo sát, các kệ mì tôm đều được mua gần hết (Ảnh chụp lúc 1 giờ sáng 7/3).
Một số người chậm chân đành mua cả trái cây sấy, khô gà... (Ảnh chụp lúc 1 giờ sáng 7/3).
Các loại mì giá bình dân được lựa chọn nhiều nhất, có người mua vài ba thùng.
Lúc 2 giờ sáng, cửa hàng Circle K vẫn đông khách. Nhu cầu mua hàng và thanh toán tăng cao, số nhân viên ít ỏi trong cửa hàng phải làm việc luôn tay.
Các kệ hàng mì tôm chứng khiến sức mua tăng mạnh, trong khi các loại hàng hóa khác vẫn đầy ắp.
Dù quá nửa đêm, nhưng trong cửa hàng này vẫn đang đông đúc, náo nhiệt.
Đây là hình ảnh ghi được tại một cửa hàng Dalat Mart mở cửa muộn trong khu đô thị nơi bệnh nhân từng ghé.
Thời điểm ghi nhận những hình ảnh này là 01h00 ngày 7/3, nhưng không khí trong cửa hàng vẫn rất khẩn trương.
Người dân tranh thủ mua tích trữ lương thực, thực phẩm.
Phần lớn các mặt hàng tươi như rau củ, thịt, đồ sống đã không còn.
Những giỏ rau đầy ắp giờ đã trống trơn.
Tủ thịt này chỉ còn lại vài khay.
Các mặt hàng đồ khô như mỳ tôm, sữa, bánh ngọt có hạn sử dụng dài được lựa chọn nhiều.
Ghi nhận trong sáng 7/3 tại nhiều siêu thị và không ít chợ trên địa bàn, người dân Thủ đô đến khá sớm và mua hàng số lượng nhiều, chủ yếu là các nhu yếu phẩm: gạo, thịt, cá, mỳ tôm, giấy vệ sinh, giấy đa năng...
Vincom Plaza Skylake (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) rất đông người khách tới mua hàng với số lượng lớn nhằm tích trữ.
Một khách mua đồ tích trữ đầy 2 xe hàng ở Vincom Plaza Skylake do lo dịch covid-19
Người tiêu dùng chủ yếu lựa chọn mì gói, mì hộp, giấy vệ sinh...
Các loại rau, củ... cũng được chất đầy xe đẩy trong siêu thị.
Không chỉ những mặt hàng thực phẩm, đồ dùng cá nhân, quần áo cũng được tìm mua với tâm lý phòng dịch.
8h30 sáng 7/3 tại cửa hàng TH Truemart trên đường Hoàng Quốc Việt, rất đông khách xếp hàng chờ thanh toán
Tại các chợ dân sinh như chợ Linh Lang (Ba Đình), người dân cũng chen nhau mua thực phẩm, chủ yếu là các loại rau xanh...
Tại đường Trần Đăng Ninh, cũng là cảnh tượng người xếp hàng dài chờ mua đồ.
Lượng người mua đồ thực phẩm tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội vẫn tăng.
Hệ thống cung cấp nhu yếu phẩm như BigC không còn một chỗ trống để chen chân.
Hồi đầu tháng 2, ngay thời điểm Việt Nam ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, cũng đã có những lúc người Hà Nội và TP HCM mua tích trữ thực phẩm ở các siêu thị. Nhưng tình trạng đó sớm chấm dứt khi các siêu thị đều đảm bảo nguồn cung dồi dào các loại lương thực, thực phẩm, rau xanh, nhu yếu phẩm... Ngay ở thời điểm nhiều địa phương ghi nhận có bệnh nhân dương tính, tình trạng thiếu thực phẩm chưa bao giờ diễn ra.