''Mẹ như thành một đứa trẻ'', Poh nói về người mẹ 74 tuổi, mắc chứng Alzheimer. Là con trai duy nhất, anh tự chăm sóc mẹ và trải qua mọi khó khăn khi người cha đau yếu.
"Cái gì cần phải làm thì phải làm. Vì tôi được nuôi dạy như thế này", anh nói.
Ở Singapore, trong tình trạng dân số già hóa, rất nhiều người con một giống như Poh thấy áp lực khi phải gánh vai trò chăm sóc cha mẹ.
Trong 5,9 triệu người Singapore, gần 1,4 triệu người có mẹ trên 50 tuổi, gấp ba lần so với năm 2003. Những người con một chiếm phần nhỏ, nhưng các nhà nghiên cứu và nhân viên xã hội cho biết, họ phải đối mặt với căng thẳng rất lớn. Vì trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, nhiều người có thể kiệt sức.
Năm 2011, Singapore giới thiệu chương trình lập kế hoạch chăm sóc trước (ACP) quốc gia để mọi người có thể đặt ra mong muốn chăm sóc sức khỏe của mình, trước khi họ mất khả năng.
Anh Poh năm nay 44 tuổi, thường kể về hoạt động trong ngày của mình một cách trình tự, như thể đọc một danh sách. Việc xây dựng lịch trình chuẩn giúp anh phát hiện những bất thường, thay đổi liên tục trong tình trạng bệnh của mẹ.
Nhưng anh thừa nhận có những lúc không thể kiểm soát mọi thứ. Tuần trước, thay vì tắm đúng giờ, mẹ anh loay hoay vứt rác và thắp đèn dầu ở bàn thờ gia đình.
Khi mẹ tắm xong, Poh xin lỗi vì trước đó đã hơi to tiếng với bà. Nhưng mẹ anh không nhớ chuyện vừa xảy ra. ''Tôi hối hận vì mất bình tĩnh với mẹ, khi bà đã lẫn. Cảm giác rất tồi tệ khi làm sai mà không thể chuộc lỗi'', anh khóc, nói.
Poh khó kiểm soát cảm xúc trong giai đoạn đầu mẹ bệnh. Anh kỳ vọng không thực tế, rồi thất vọng vì không thể làm gì giúp bà.
Poh chăm sóc mẹ trước khi đến tham gia các hoạt động tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Ảnh: Straitstimes
Giống như Poh, Gail Lim, 33 tuổi, một giám đốc nhân sự thấy khó chấp nhận tình trạng của mẹ mình. Sau cơn đau tim tháng 12/2023, bà không thể đi lại hoặc tự tắm.
Dù có giúp việc, Lim vẫn sợ mẹ lâu hồi phục sẽ làm gián đoạn công việc của mình. Cô liên tục ép mẹ tập luyện nhiều hơn. Chỉ đến khi mẹ nói hãy để bà hồi phục theo tốc độ của riêng mình, cô mới nhận ra đang áp đặt suy nghĩ và thời gian biểu của riêng mình lên bà.
Chứng kiến mẹ đột ngột không thể đi lại khiến Lim sốc nặng. ''Tôi khóc suốt và không gặp bạn bè trong gần 5 tháng'', Lim kể. Cô thậm chí căng thẳng với bạn đời vì việc này.
Dù công ty cho Lim làm việc linh hoạt, cô vẫn không thể đạt hiệu quả như mong đợi. ''Tôi khó tập trung vì cứ lo mẹ ở nhà không biết thế nào'', cô kể.
Bà Mary Lim, 73 tuổi, con gái bà là Yvonne Chan, 46 tuổi, và các cháu gái. Ảnh: Straitstimes
Kỳ vọng của người châu Á về việc chăm sóc cha mẹ đã tồn tại từ lâu. Những người đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có thể bị coi là bất hiếu, dù quan niệm này cũng đang dần thay đổi.
Tiến sĩ Jeremy Lim-Soh, trung tâm Nghiên cứu và giáo dục lão khoa của Trường Y Duke, thuộc ĐH Quốc gia Singapore, cho biết mặc dù áp lực chăm sóc có thể nghiêm trọng hơn đối với con một, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu chính thức.
Trong một cuộc khảo sát năm 2023 về những người lớn tuổi đang được chăm sóc và người chăm sóc họ, những người là con một có mức độ căng thẳng và các triệu chứng trầm cảm cao hơn những người có anh chị em ruột.
Tuy nhiên, Lim-Soh cũng cho rằng có anh chị em ruột không quan trọng bằng việc họ có hỗ trợ nhau trong chăm sóc cha mẹ không. "Một người không phải con một nhưng vẫn có thể là người duy nhất chăm cha mẹ, nếu anh chị em không thể hoặc không muốn chia sẻ", chuyên gia nói.
Tiến sĩ Lim-Soh cho rằng phải một mình chăm cha mẹ tốn nhiều công sức, gây gánh nặng tài chính. Đáng lo là những đứa con dành phần lớn thời gian trong đời chăm cha mẹ già sẽ không đủ tiền tiết kiệm cho tuổi già của chính họ. Người con cũng có thể gián đoạn sự nghiệp khi cha mẹ đau yếu.
Michelle Tan, 44 tuổi, giám đốc sản phẩm một công ty thiết bị y tế, đã phải hủy hai chuyến công tác trong năm nay vì mẹ cô nhập viện. Bà Mary Tong, 78 tuổi, bị cholesterol cao, huyết áp cao, viêm xương khớp, tiểu đường...
"Nó không dữ dội như ung thư nhưng nó gây tổn thương về mặt cảm xúc", cô Tan nói. "Nếu bạn nói rằng điều này không gây căng thẳng cho tôi, thì tôi đang nói dối".
Các nghiên cứu chỉ ra gánh nặng cảm xúc khi chăm sóc người già, đặc biệt là cha mẹ, là rất lớn. Theo báo cáo tóm tắt nghiên cứu về việc chăm sóc người già của ĐH Quốc gia Singapore công bố năm 2023, gần 1/3 người chăm sóc trong cuộc khảo sát có biểu hiện triệu chứng trầm cảm.
Poh nhớ chính xác khoảnh khắc anh biết cuộc đời mình sẽ thay đổi mãi mãi: 15h 30, ngày 25/10/2021. Anh không thể đưa mẹ đến phòng khám đa khoa sau một loạt các xét nghiệm về chứng mất trí. Anh nhận kết luận không mong đợi qua điện thoại.
"Bác sĩ vẫn tiếp tục nói nhưng tôi không thể hiểu hết. Cả ngày hôm đó, tôi cố gắng hành động bình thường nhất có thể. Tối hôm đó, tôi tìm kiếm rất nhiều trên Google, rồi tôi biết khả năng khỏi bệnh là vô vọng'', anh kể.
Bây giờ, anh không nghĩ mình vượt qua được chấn thương tâm lý, nhưng đã học cách chấp nhận sống chung.
"Tôi biết đây là cuộc chiến mà cuối cùng tôi sẽ thua. Nhưng những chiến thắng nhỏ như khiến mẹ tôi thoải mái hơn, giải quyết tình huống tốt hơn đã an ủi tôi'', anh nói.