Các quan chức thực thi pháp luật của bang California (Mỹ) đã cáo buộc một gia đình 8 người vì lợi dụng chương trình tái chế của bang để trục lợi. Được biết, gia đình này đã mua lại số lượng lớn vỏ chai lọ từ bang Arizona rồi mang đi tái chế ở bang California. Số tiền mà gia đình này kiếm được lên tới hơn 7 triệu đô (hơn 165 tỷ VNĐ).
Kể từ năm 1987, chính quyền California đã ghi nhận rằng nhờ có chương trình thu gom rác thải tái chế đổi lấy tiền mặt, hơn 300 tỷ vỏ chai nước ngọt đã không bị quẳng một cách bừa bãi ra các khu vực chôn lấp. Hầu hết các chai và lon nước được bày bán ở địa phương sẽ chịu thêm một khoản phụ phí, người tiêu dùng sẽ nhận lại khoản phụ phí này nếu họ tái chế các loại vỏ chai lon.
Cơ quan quản lý chương trình tái chế, CalRecycle cho biết: “Không những có thể tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu phát thải khí CO2, mà việc tái chế chai lọ còn mang đến cho bạn một khoản tiền”. Mặc dù xuất phát với mục đích tốt, nhưng không ít người đã lợi dụng cách này để kiếm tiền nhanh chóng và bất hợp pháp.
Đủ các chiêu trò trục lợi
Chương trình tái chế có một lỗ hổng, đó là không có cách nào truy được nguồn gốc của vỏ chai lon, để xem liệu nó có được sản xuất tại California hay không. Điều này đồng nghĩa với việc một người vẫn có thể kiếm được khoản phí thu hồi mà không phải mua vỏ chai, họ chỉ cần sử dụng vỏ chai từ tiểu bang khác.
Theo cơ quan Consumer Watchdog, người thu mua chai lọ từ tiểu bang khác thường liên kết với một số trung tâm tái chế để xử lý “chui” số lượng lớn vỏ chai lọ bất hợp pháp. Ngoài ra, có kẻ lừa đảo còn buôn bán chai lọ trên đường phố California, hứa hẹn rằng người mua sẽ kiếm được lợi nhuận nếu họ mang chúng đi tái chế.
Theo một báo cáo từ văn phòng kiểm toán California năm 2014, hơn 22 tỷ vỏ lon gắn nhãn mác tái chế của bang được giao dịch trôi nổi trong một năm ở ngoài lãnh thổ California. Chỉ cần 3% trong số đó lọt vào tiểu bang sẽ khiến người nộp thuế mất hơn 33 triệu đô (hơn 781 tỷ VNĐ).
Theo Liza Tucker, một người ủng hộ tổ chức phi lợi nhuận Consumer Watchdog, chương trình thu hồi rác thải có thể là một miếng mồi béo bở cho kẻ gian lận, từ các công ty lớn cho đến những người thu gom rác thải.
Mặc dù có thể xác định được hành vi gian lận, nhưng để bắt tận tay thì lại là vấn đề khác. Nguyên nhân là bởi mọi người có thể nộp nhiều chai lọ mà không cần xác minh danh tính, chỉ cần đơn giản viết tên vào một tờ giấy là xong. Bên cạnh đó, phía trung tâm tái chế có thể khai khống số lượng chai lọ mà họ thu. Những con số đó được viết bằng tay, không được kiểm toán viên của bang kiểm tra thường xuyên. Ngoài ra, phía nhà máy sản xuất - bộ phận bán mặt hàng tái chế cho các công ty cần nguyên liệu thô, cũng có thể trục lợi bằng cách khai gian nguồn nguyên liệu.
Công ty thu gom rác và trung tâm tái chế được tiểu bang hoàn trả tiền mặt tương ứng với số vỏ chai lọ mà họ thu thập được. California trả tiền theo khối lượng, nhưng sẽ trả nhiều hơn đối với chai lọ được thu gom từ trung tâm tái chế, so với chai lọ nhặt được từ thùng rác ven đường. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi giả mạo.
Vào năm 2012, một cựu giám sát viên tại một trung tâm tái chế ở San Francisco cáo buộc người chủ cũ của mình dung túng cho hành vi gian lận. Được biết, bộ phận công nhân thường xuyên khai báo sai lệch, rằng số lượng chai lọ đến từ chính trung tâm tái chế, chứ không phải từ thùng rác.
Chưa thể giải quyết triệt để
Vào năm 2015, một công ty kim loại phế liệu ở California đã phải nộp khoản tiền phạt 1,74 triệu đô (hơn 41 tỷ VNĐ). Được biết, công ty này đã mang một lô vỏ chai đến cơ sở của CalRecycle để nhận tiền giá trị thu hồi. Nhưng sau đó, thay vì chuyển tới các đơn vị tái chế hợp pháp, thì công ty này bán lại lô vỏ chai đó cho một công ty khác, rồi họ lại đem số chai lọ đó tới CalRecycle để nhận tiền lần thứ hai. Kết quả là tiểu bang đã phải trả khoản phí giá trị thu hồi hai lần, gây thất thoát một khoản tiền không nhỏ.
CalRecycle tuyên bố họ đã thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng gian lận tái chế: “Chúng tôi tăng cường điều tra, kiểm toán, kiểm tra, phân tích khối lượng và truy nguyên nguồn gốc đầu vào để ngăn chặn tình trạng gian lận”. Tuy nhiên dường như vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để, có nhiều người vẫn đang tiếp tục trục lợi.