Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người dân Hàn Quốc đặc biệt quan tâm lớn đến việc giải quyết căng thẳng y tế hiện tại. Nhiều cử tri Hàn Quốc khi được hỏi đều trả lời rằng, họ mong muốn cuộc khủng hoảng y tế ở nước này sớm kết thúc trong bối cảnh nhiều bệnh nhân đang rất cần bác sĩ.
Gần 100% bác sĩ nội trú Hàn Quốc xin thôi việc. Ảnh: Reuters
Cuộc khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc đến nay đã bước sang ngày thứ 47 và chưa có dấu hiệu lắng dịu. Cách đây 2 ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã lần đầu tiên có cuộc gặp với đại diện của Hiệp hội bác sĩ nội trú trong nỗ lực tìm tiếng nói chung để tháo gỡ căng thẳng y tế. Tuy nhiên, cuộc gặp dường như chưa mang lại kết quả mà hai bên mong muốn. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp, cộng đồng y khoa Hàn Quốc nhận định cuộc đối thoại lịch sử mà họ mong đợi đã đi vào ngõ cụt. Trong khi trong thông điệp trên mạng xã hội, Tổng thống Hàn Quốc ngụ ý rằng cuộc gặp trên không đạt được kết quả mà như mong đợi của bác sĩ thực tập, do đó căng thẳng sẽ có thể kéo dài.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh: “Nếu các bác sĩ đưa ra giải pháp đúng đắn và hợp lý hơn, chúng ta có thể thảo luận bao nhiêu tùy ý. Chính sách của chính phủ luôn cởi mở. Nếu họ đưa ra những quan điểm tốt hơn và những căn cứ hợp lý, chính sách của chính phủ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”.
Kể từ ngày 19/2 vừa qua, hàng nghìn bác sĩ nội trú, bác sĩ thực tập, giáo sư y khoa ở Hàn Quốc đồng loạt đình công, nghỉ việc để phản đối đề xuất tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh các trường y khoa của Chính phủ Hàn Quốc. Theo lộ trình, chính phủ nước này dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 2.000 sinh viên trong năm học 2025 và thêm 10.000 vào năm 2035. Cho đến nay, giới chức Hàn Quốc vẫn tuyên bố họ vẫn kiên quyết sẽ thực hiện tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Bởi theo lý giải của chính quyền, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ ở khu vực nông thôn và tình trạng thiếu bác sĩ ở các lĩnh vực y tế thiết yếu như nhi khoa và phẫu thuật thần kinh, cũng như giải quyết tình trạng dân số già.
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử để bầu ra quốc hội khóa 22 ở Hàn Quốc vào ngày 10/4 tới. Việc giải quyết xung đột có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là vấn đề dân sinh thiết yếu, chi phối cuộc sống của nhiều người dân, từ đó có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử.