Mọi người đang hỏi chuyện gì đang xảy ra ở Phú Quốc, vì sao, nguyên nhân nào và thời gian tới còn diễn ra những gì mà người Phú Quốc và du khách đang hứng chịu? Dù nguyên nhân là thiên tai, "nhân tai", chuyện cứu đảo ngọc là phải làm ngay.
Không chỉ dọn dẹp sau khi nước rút mà chính quyền Kiên Giang phải ngồi lại tìm cho ra được giải pháp căn cơ cứu Phú Quốc.
Thật ra, những câu hỏi chuyện gì xảy ra với Phú Quốc đã được nêu ra từ nhiều năm trước, khi mà cơn sốt đất ập đến với Phú Quốc, rồi bốc lên sốt hầm hập khi đảo được đưa vào "diện quy hoạch đặc khu kinh tế".
Từ lâu, nhiều người nhìn thấy ở Phú Quốc là núi tiền và tất cả đã lao vào khai thác một cách thô bạo.
Rất nhiều người đã trúng lớn nhờ đất ở Phú Quốc. Hàng loạt dự án mọc lên. Nhiều cán bộ thời đó chịu kỷ luật. Phú Quốc bắt đầu tả tơi. Nhưng chẳng ai dừng lại.
Chúng ta mong muốn xây dựng đảo ngọc Phú Quốc thành thiên đường trù phú và an toàn. Nhưng vừa vinh danh, con người đã nhanh chóng "làm thịt" con trai và lấy ngọc của Phú Quốc quá sớm.
Phú Quốc có điện lưới quốc gia nhờ đường dây dưới biển, nhưng ngày nào đó sẽ không đủ dùng.
Phú Quốc có sân bay mới, nhưng cũng sớm phải tính toán mở rộng. Còn trên đảo, nước cho Phú Quốc vẫn thiếu. Rác ở Phú Quốc quá thừa. Rừng ở Phú Quốc đang mất đi. Đường sá ở Phú Quốc còn ngổn ngang, chưa thể kết nối hoàn chỉnh.
Vậy mà ngày càng có thêm nhiều ông chủ đất đang quyết tâm băm nát Phú Quốc khi chia lô bất chấp quy hoạch, không ít người ngang nhiên chiếm đất rừng làm của riêng, còn doanh nghiệp tranh nhau xí phần dự án và đua nhau xây dựng.
Rơi vào cảnh mịt mù trong nước chưa đủ cảnh tỉnh, ngăn các nhà đầu tư nhẹ tay với Phú Quốc bởi những phi vụ làm giàu từ vắt kiệt Phú Quốc còn dang dở.
Nhiều nhà đầu tư đã xuống tiền. Những khoảnh đất lớn đã được băm thành lô, nền chờ giá lên để bán. Cái thế đầu tư và đầu cơ vào Phú Quốc như tên lửa đã khai hỏa, không thể dừng lại nữa rồi.
Vì thế chưa rõ Kiên Giang làm gì để thực hiện được lời căn dặn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuối tháng 7 vừa rồi là không đầu tư quá lớn cho du lịch, bất động sản, phải giữ môi trường tự nhiên, phải thực hiện tốt quy hoạch, không được bêtông hóa Phú Quốc.
Ai cũng ca ngợi Phú Quốc đầy tiềm năng. Nhưng chúng ta đã đẩy, nhốt tiềm năng của Phú Quốc vào thế khốn khó. Tuần này là ngập lụt toàn đảo. Sau này là gì nữa, chẳng ai biết được.
Cứu Phú Quốc, chỉ có thể bắt đầu bằng việc hạ nhiệt cơn sốt kiếm tiền từ đảo ngọc bằng mọi giá, phải uốn nắn lại đầu tư, phải định lại đường hướng phát triển, dù ở mô hình khu kinh tế hay đặc khu kinh tế Phú Quốc.