Nhận diện khuynh hướng gây trầm trọng
Nhận định về tình trạng gia tăng các ca mắc bệnh trầm cảm ở người trẻ, Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCK.II) Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Điều trị Nghiện chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, mạng ảo đã khiến bệnh trầm cảm của thanh thiếu niên hiện nay trở nên trầm trọng hơn, hay những người bình thường cũng dễ rơi vào trầm cảm.
Bởi việc sử dụng mạng xã hội nhiều giờ mỗi ngày không có chủ đích, trôi dạt vào những vùng thông tin tiêu cực khiến cho thanh thiếu niên bị mất tương tác trực tiếp, ảnh hưởng đến quan hệ trong gia đình, học tập… nặng hơn dẫn đến tình trạng “nghiện”, rối loạn cảm xúc, tự hủy hoại cơ thể. Trong khi, việc tương tác trực tiếp sẽ giúp kích thích về chiều sâu, chiều rộng nhiều hơn, những câu nói dễ dàng được bỏ qua thay vì ngôn từ xuất hiện phơi bày trên mạng, dễ bị để ý, bình phẩm.
“Khi cuốn vào những vùng thông tin toxic hàng giờ, hàng ngày hay những suy nghĩ kiểu như “lướt mạng để cho buồn ngủ”, người dùng sẽ càng bị rối loạn giấc ngủ, dẫn đến các rối loạn khác của chức năng tâm thần, gây ra suy yếu, sụt giảm các chức năng xã hội như học tập, công việc, giao lưu, tương tác bên ngoài”, BSCK.II Bảo Ngọc cảnh báo.
BSCK.II Bảo Ngọc nhấn mạnh, đối với trẻ em vị thành niên, hậu quả có thể còn nghiêm trọng hơn bởi các em chưa có nhận thức hoàn chỉnh, chưa trưởng thành, chưa có kiến thức sâu rộng để đánh giá đâu là mặt tốt, hại và kiểm soát hành vi. Đó là điểm yếu khiến các em dễ bị tác động tâm lý từ mạng xã hội.
Cũng theo BSCK.II Bảo Ngọc, với nhóm trẻ đã mắc bệnh trầm cảm trước đó, não bộ đã bị tổn thương sẽ có xu hướng lên mạng tìm kiếm những hội nhóm giống mình, thông tin liên quan đến bệnh lý với những định hướng hành vi nguy hiểm rồi bắt chước theo, học cách giải quyết cảm xúc chưa đúng đắn. Điều đó sẽ khiến bệnh trầm cảm trở nặng, như loạn thần, nghĩ bản thân vô dụng, không xứng đáng, có tội, xuất hiện ảo thanh trong đầu, tự nhận xét bình phẩm bản thân.
BSCK.II Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám 1 bệnh nhân trẻ đang điều trị trầm cảm do mạng xã hội gây nên Ảnh: Châu Linh
“Khi đó, việc trị liệu tâm thần sẽ phải kết hợp giữa hóa dược (sử dụng thuốc để ổn định cảm xúc) và điều biến não (kích hoạt hóa cảm xúc) cho bệnh nhân để nhận thức và cải thiện hành vi”, BS. Ngọc cho biết.
Không “trị nghiện” theo kiểu cực đoan
Dịp nghỉ hè đang đến gần cũng là lúc học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội nhiều hơn thay vì các hoạt động thể chất, cộng đồng. Ông Cao Xuân Liễu (Tiến sĩ tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục) nhận thấy, thuật ngữ “nghỉ hè” của học sinh, sinh viên hiện không còn mang nguyên nghĩa như ngày xưa khi các em không phải đến trường đi học nhưng vẫn phải tham gia nhiều khóa học khác nhau liên quan đến chương trình học và bị chi phối bởi các tác động từ trò chơi công nghệ.
“Tôi có cảm giác tuổi thơ các em bị “đánh cắp” bởi các tác động đó. Đặc biệt là những tác động từ thế giới ảo. Tất nhiên, sự phát triển của công nghệ chắc chắn sẽ kéo theo những hệ lụy, ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực tới những đứa trẻ. Nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nó ảnh hưởng tiêu cực rất nhiều, tác hại tới các em là không nhỏ”, TS. Liễu nhận định.
TS. Liễu cho rằng, người lớn (thế hệ trước) không thể bắt trẻ hiện nay cứ phải chơi lại các trò chơi dân gian như ngày xưa của mình, dẫu biết chơi các trò đó thực sự rất tốt cho sự phát triển cơ thể và tâm trí của trẻ. Các em cũng phải sống trong thế giới của các em, với thực tiễn của các em, trong đó có sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Vấn đề là người lớn làm thế nào để cân bằng cho con, trong khi (ngay cả chính người lớn), cũng “vật lộn” để tự kéo mình ra khỏi những cám dỗ của mạng ảo.
“Cũng đã nhiều người cho rằng nên cấm tuyệt đối các em sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội. Như vậy là cực đoan, các em ấy sẽ không thích ứng với hơi thở của cuộc sống. Với sinh viên thì dễ dàng hơn vì họ đã trưởng thành, ý chí tương đối cao trong việc tiếp tục hay từ bỏ một cách có lộ trình chứng nghiện mạng xã hội. Nhưng với các em học sinh thì khó hơn vì lúc này, các thông tin trên mạng xã hội hấp dẫn họ rất lớn. Họ đang trong tuổi tìm hiểu, khám phá thế giới nên tôi cho rằng chúng ta cần phân loại mức độ nghiện mạng xã hội của các em để có liệu pháp trị liệu hoặc can thiệp phù hợp”, chuyên gia tâm lý giáo dục nói.
TS. Liễu cho rằng, với những em nghiện mạng xã hội nặng cần có sự can thiệp của các nhà chuyên môn, còn những em ở giai đoạn mới chớm thì cần có sự can thiệp, kỷ luật, giám sát nhất định của cha mẹ, nhưng tuyệt đối không được cực đoan khi bắt con cái ngay lập tức phải đoạn tuyệt ngay. Phụ huynh nên tích cực trao đổi, nói chuyện với các con để tạo môi trường gia đình lành mạnh, tích cực đưa trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng. Có như vậy, môi trường độc hại mà mạng xã hội mang lại kia sẽ dần biến mất trong quá trình lớn lên của trẻ.
Để nâng cao sức khỏe tâm thần và tạo sức đề kháng không dễ “gãy vỡ” trước biến động, áp lực tâm lý từ những hệ lụy của mạng xã hội gây nên, BSCK.II Bảo Ngọc cho rằng, cần có sự liên kết chủ động giữa gia đình, phụ huynh với nhà trường trong hoạt động tư vấn học đường, phổ biến sức khỏe tâm thần, kỹ năng sử dụng mạng xã hội như một trong những kiến thức, môn học quan trọng. Phụ huynh cũng không nên có định kiến hay mặc cảm khi tìm đến bệnh viện, bác sĩ tâm thần để thăm khám, điều trị cho con.
“Phụ huynh cần đưa mạng xã hội vào quyền kiểm soát và đặt ra giới hạn, thời gian sử dụng, phạm vi thông tin được tiếp cận. Mặc dù mạng xã hội mở ra một luồng thông tin “xuyên biên giới” nhưng vai trò của cha mẹ là khoanh vùng được những nội dung an toàn và phù hợp với độ tuổi, tác động vào nhận thức để con biết cách phân biệt và nhận diện thông tin tiêu cực”, BS. Ngọc khuyến cáo thêm.
Theo Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), trung bình mỗi tháng Viện Sức khỏe tâm thần tiếp nhận 3 đến 4 học sinh là nạn nhân của tình trạng bắt nạt, bạo lực bằng ngôn từ trên không gian mạng. Đây là những nạn nhân có diễn biến bệnh trầm trọng phải vào Viện điều trị. Số lượng ca bệnh thường xuất hiện đông vào dịp hè hoặc đầu năm học. |