Giấc mơ “làm mẹ” tan vỡ
Tại tòa nhà chính quyền bang Anambra, Nigeria, Chioma ôm chặt bé trai tên Hope, nước mắt lấp lánh, khẳng định: “Đây là con ruột tôi! Nhìn xem, nó giống chồng tôi!”.
Ngồi bên chồng Ike trên ghế sofa, cô đối diện bà Ify Obinabo, Ủy viên phụ trách phụ nữ và phúc lợi xã hội. Nhưng năm người thân của Ike đồng thanh phản đối: “Đứa trẻ này không phải con ruột cô!”.
Mọi chuyện bắt đầu từ tám năm trước, khi Chioma và Ike kết hôn nhưng mãi không thể có con, khiến gia đình chồng dần mất kiên nhẫn.
“Mẹ chồng chửi tôi là “người đàn bà không biết đẻ” trước mặt cả làng, em chồng thậm chí còn giới thiệu người mới cho Ike”, Chioma nói, tay run run siết lấy tã quấn đứa bé.

Chioma kiên quyết rằng em bé Hope là con trai của cô. Ảnh: BBC
Mùa đông năm ngoái, Chioma thấy quảng cáo “thần y chữa vô sinh” trên cột điện ở chợ. Như vớ được cọng rơm, cô tìm đến một phòng khám trong khu ổ chuột. Tại đó, cô được tiêm thuốc lạ, ba tháng sau được thông báo “thụ thai thành công”, dù bụng vẫn phẳng. Phòng khám gửi ảnh siêu âm giả, khiến cô tin mình mang thai.
“Nhìn bàn tay, bàn chân bé con lớn lên qua ảnh, tôi hạnh phúc đến mất ngủ,” Chioma kể, giọng kích động. “Tôi mang thai 15 tháng! Dù lâu hơn bình thường, nhưng con rất khỏe!”.
“Vô lý! Người ta cùng lắm mang thai 12 tháng thôi!” người em họ của Ike đập bàn bật dậy. Bà Obinabo ra hiệu mọi người giữ trật tự, rồi mở hồ sơ trong máy tính — trên màn hình là ảnh cảnh sát đột kích phòng khám: trong căn phòng bệnh sơ sài chất đầy sữa bột trẻ em, tường dán hơn chục bảng theo dõi thai kỳ, nhưng tên trên đó đều là giả.
Thì ra đây là một đường dây tội phạm. Những kẻ lừa đảo dùng “bài thuốc gia truyền” dụ dỗ phụ nữ hiếm muộn, tạo ra kết quả kiểm tra giả để khiến họ tin rằng đã mang thai.
Gần “ngày sinh”, chúng mua trẻ từ bọn buôn người, chủ yếu từ trại trẻ mồ côi ở vùng chiến sự, giá 5000 USD (129 triệu đồng) mỗi bé. Chioma cãi: “Giấy khai sinh của Hope ghi sinh ở bệnh viện công”.
Bà ủy viên thở dài, chỉ vào con dấu trên giấy tờ: “Bệnh viện này đã bị dỡ bỏ từ ba năm trước”. Người chồng vẫn im lặng từ nãy giờ đột nhiên ôm lấy vợ: “Đừng sợ, dù đứa bé không phải con ruột, chúng ta vẫn có thể làm thủ tục nhận nuôi hợp pháp.”
Vạch trần sự thật gây sốc
Ở Nigeria, nơi mỗi phụ nữ trung bình sinh 4,6 con, hiếm muộn bị coi là “lời nguyền”. Các phòng khám chui lợi dụng niềm tin này. Phóng viên BBC điều tra một phòng khám ở Lagos, nơi “thần y” khoe ảnh siêu âm giả tải từ Internet.
Phụ nữ trả 300 USD (7,7 triệu đồng), tương đương nửa năm thu nhập, để tiêm chất lỏng lạ. Fiyinfoluwa, một nạn nhân ở Abuja, kể: “Thuốc làm bụng tôi sưng, kinh nguyệt biến mất, khiến tôi tin thật”. Phòng khám cấm họ đến bệnh viện chính thống, dọa rằng “máy móc sẽ giết thai nhi”.
Gần “ngày sinh”, nạn nhân bị tiêm thuốc mê. Chira, 26 tuổi, kể: “Họ tiêm một mũi, tôi mê man. Tỉnh dậy, bụng dưới có vết khâu, trong tay là một bé trai.” Pháp y phát hiện thuốc an thần trong cơ thể cô đủ gây mê một con ngựa. Những đứa trẻ này thường được mua từ trại trẻ mồ côi với giá 200 USD (5,1 triệu đồng), rồi bán lại giá gấp 10, gọi là “con do Chúa ban”.

Hàng chục phụ nữ Nigeria đang xếp hàng để gặp "Bác sĩ Ruth". Ảnh: BBC
Cuộc điều tra phát hiện 12 đường dây buôn bán trẻ xuyên quốc gia, vươn tới chợ đen nhận con nuôi ở châu Âu. Tại Ihiala, “bác sĩ Ruth” ở một nhà trọ cũ kỹ bán “thánh dược” giá 350.000 Naira (7 triệu đồng).
Phóng viên BBC cải trang, phát hiện thiết bị siêu âm giả phát âm thanh nhịp tim. Ruth tuyên bố: “Song thai, một trai một gái!” trên màn hình hiển thị video ghi sẵn. “Liệu trình cao cấp” được hét giá 2 triệu Naira (40 triệu đồng). Thuốc “tăng cường gen” chỉ là vitamin B12, “bột thụ thai” là thuốc chống trầm cảm nghiền nhỏ.
Định kiến tạo nên bi kịch
Hiện tượng “thai kỳ ẩn” bị bóp méo trên mạng xã hội. Các nhóm Facebook lan truyền thông tin giả, khiến phụ nữ dễ bị lừa. Một phụ nữ ở Mỹ điều hành trang về “thai kỳ ẩn”, tuyên bố “mang thai nhiều năm”.
Trong nhóm kín, kẻ lừa đảo trà trộn, kéo nạn nhân vào nhóm WhatsApp bí mật, giới thiệu “phòng khám ngầm”. Tháng 2/2024, cảnh sát đột kích phòng khám nơi Chioma “sinh con”, phát hiện một cô gái 17 tuổi bị giam để bán con giá 470.000 Naira (9,4 triệu đồng).
Uju, 19 tuổi, tin con mình được gửi đến gia đình giàu có, nhưng ảnh “gia đình nhận nuôi” chỉ lấy từ internet.
Sau 4 tiếng thẩm vấn, bà Obinabo đưa ra phán quyết, đẩy báo cáo xét nghiệm ADN về phía Chioma: “Cô không phải mẹ ruột.”
Chioma quỳ sụp, Hope bật khóc. Ike run rẩy cho xem video Chioma hát ru cho “thai nhi”, tiết lộ cô đọc sách cho con mỗi ngày, đan hơn ba mươi bộ quần áo trẻ sơ sinh, thậm chí mắc trầm cảm trước sinh.
Bà Obinabo thở dài: “Hai người có thể tạm nuôi Hope, nhưng sau ba năm, nếu không tìm thấy cha mẹ ruột, phải làm thủ tục nhận nuôi hợp pháp.”

Nạn nhân không chỉ người Nigeria mà còn có phụ nữ từ Nam Phi, vùng Caribe và cả Hoa Kỳ. Ảnh: BBC.
Khi rời tòa nhà, Chioma ôm chặt Hope. Góc phố, tờ rơi “bảo đảm sinh con trai” bay trong gió. Tiến sĩ Ngozi, chuyên gia tâm lý, nhận định: “Tha cho một ‘người mẹ giả’ hôm nay, ngày mai sẽ có mười kẻ lừa đảo thật.
Trừ khi xã hội ngừng đánh giá phụ nữ qua khả năng sinh sản, bi kịch này sẽ tiếp diễn.” Mỗi năm, Nigeria ghi nhận 1.200 vụ lừa đảo tương tự, nhưng chỉ 3% bị phanh phui. Ở Benin, có làng chuyên buôn bán trẻ sơ sinh. Tình nguyện viên Abdullah nói: “Khi sinh sản là bài thi của phụ nữ, gian lận là lựa chọn tất yếu.”
(Theo BBC)