Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nổi tiếng với những tòa nhà cao nhất thế giới và người giàu nhiều không kể xiết. Tuy nhiên, ở quốc gia này còn có một nhân vật thu hút sự chú ý của mọi người chính là những người ăn xin.
Thu nhập của người ăn xin tại Dubai cao ngất ngưởng
Trang Gulf News của UAE từng đưa tin, sau khi cảnh sát Dubai bắt giữ một người ăn xin, họ phát hiện thu nhập hằng tháng của người này lên tới 270.000 dirham (1,6 tỷ đồng).
Theo cảnh sát Dubai, trung bình một người ăn xin tại đây có thể kiếm được 9.000 dirham (54 triệu đồng) mỗi ngày, mỗi giờ họ có thể được người ta cho tới 1.500 dirham (9 triệu đồng).
Trong khi đó, thu nhập hằng tháng của nhân viên bình thường ở đây chỉ dao động trong khoảng 20.000 – 30.000 dirham (128 – 192 triệu đồng). Điều này khiến cho mọi người vô cùng ngạc nhiên, họ không ngờ rằng những người ăn xin ở Dubai lại có thu nhập cao tới vậy.
Thậm chí có người còn nói đùa rằng: “Anh đưa tôi tới Dubai du lịch, anh phụ trách cầm bát ăn xin, tôi thì quỳ gối khóc lóc cho người ta thương hại, chẳng mấy chốc mua được biệt thự”.
Nếu bạn tìm kiếm thông tin về UAE hay Dubai, những gì hiện ra là các tòa nhà cao chọc trời, khách sạn 7 sao duy nhất trên thế giới, hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, siêu xe đầy ngoài đường. Ấn tượng trong mắt mọi người về nơi này không có gì ngoài sự giàu có, xa hoa.
Trước đây tại Trung Quốc còn có một bài báo rất phổ biến trên mạng với tiêu đề: “Nếu một ngày nào đó tôi không còn nơi nào để ở, xin hãy đưa tôi tới Dubai để làm người ăn xin”.
Những phúc lợi chính phủ dành cho người dân rất nhiều nhưng chỉ dành cho những người Dubai – chiếm 20% tổng dân số. 80% số người còn lại có cuộc sống hoàn toàn trái với suy nghĩ của mọi người.
Cuộc sống thực sự của những người tới Dubai làm việc
Trích bài đăng trên Zhihu của một cô gái tới Dubai làm việc, bạn sẽ hình dung được cuộc sống của người nước ngoài làm việc tại đây như thế nào.
“Tôi tới Dubai làm việc với tư cách là nhân viên thực tập trong một khách sạn 5 sao. Tôi làm lễ tân 9 tiếng một ngày, 6 ngày trong tuần. Các nhân viên ở đây đều làm 6 ngày, ngoại trừ các quản lý và ông chủ chỉ làm 5 ngày.
Để có ngày nghỉ phép, tôi từng làm ca đêm 12 ngày liên tục, không nghỉ giữa giờ.
Giá trung bình phòng khách sạn nơi tôi làm việc, loại tiêu chuẩn là 1.000 dirham (6,4 triệu đồng) 1 đêm. Vì thế, chẳng có nhân viên bình thường nào đủ khả năng sống một mình.
Tôi không thích tán gẫu với đồng nghiệp của mình, bởi chủ đề lúc nào cũng là ‘hôm nay làm ca nào’, ‘mấy giờ thì xong việc’, ‘ngày nào nghỉ’.
Công việc đã rút sạch năng lượng của mọi người, tất cả thời gian ngoài lúc làm việc chỉ để ngủ. Mỗi ngày như vậy cứ thế trôi qua.
Những phúc lợi như tặng vàng thường chỉ dành cho người dân địa phương. Nhặt rác làm giàu hay ăn xin ở Dubai không mô tả chính xác những gì ở nước này. Dubai thực sự là một nơi toàn mùi thịt, rượu và những ngày làm việc đến rã rời tay chân”.
Dubai không phải nơi để đổi đời
Vào năm 2016, Emirates News Network thông báo Dubai bắt giữ 59 người ăn xin trong vòng 3 tháng, trong đó có 7 người Ấn Độ và Ai Cập nhập cảnh vào nước này với visa du lịch 3 tháng.
Năm 2018, chính quyền Dubai trục xuất một lúc gần 100 người ăn xin và họ không được phép nhập cảnh vào UAE suốt đời. 1/3 trong số họ đã bị giam giữ từ 7-12 tháng. Nhưng đối với khoản thu nhập mà những người này đã ăn xin, các quan chức thành phố cho biết họ sẽ không thu hồi và sẽ cấp một khoản trợ cấp để bù đắp cho thời gian bị giam giữ.
Trước đây, chính phủ Dubai rất “hào phóng” nên hiện tượng ăn xin ở Dubai trở nên rất lộn xộn. Tuy nhiên, điều này đã tác động xấu tới ngành du lịch của Dubai, vì thế giờ đây họ “làm căng” hơn và rất hiếm thấy hình ảnh người ăn xin trên đường phố Dubai nữa.