Cô gái 22 tuổi này kể rằng cô đã ăn xong cái bánh mỳ của mình, nhưng rồi lại cắn thêm một miếng ở bánh của bạn trai cho nên mới làm rơi một mẩu xuống đường. Chỉ vì thế mà cảnh sát đã phạt cô vì tội xả rác.
Leonie Ormsby, cô gái trong câu chuyện, nói rằng mức phạt quá cao khiến cô “sốc và xuống tinh thần”.
Theo Leonie thì miếng bánh mà cô làm rơi ở công viên Piccadilly (Manchester, Anh) “chỉ nhỏ bằng cỡ một đồng xu, và chỉ là bánh mỳ không, không có nhân gì cả”. Bởi vậy nên cô cũng không nhặt lên, vì sau đó có vài con chim bồ câu sà xuống mổ hết.
Vậy mà có hai cảnh sát lại gần cô và nói rằng, họ đã nhìn thấy cô “cho bồ câu ăn”, rằng “hình ảnh của cô đã được ghi lại trên camera”, và cô “sẽ phải ra tòa” nếu không khai báo thông tin cá nhân.
Leonie sắp vào trường Đại học nên cô không muốn hồ sơ của mình bị xấu đi, vì vậy cô đành chấp nhận nộp phạt 150 bảng (hơn 4,5 triệu đồng). Cô kể lại: “150 bảng là rất nhiều tiền. Bị phạt chừng đó tiền không phải là chuyện đùa. Tôi gần như phát khóc. Tôi chưa bao giờ làm gì để bị phạt cả”.
Làm rơi thức ăn vừa là xả rác, vừa là cho bồ câu ăn - kiểu gì cũng bị phạt. Ảnh: Joel Goodman.
Thật tình cờ, đây là lần thứ hai trong tuần mà có người bị phạt vì làm rơi bánh mỳ. Vài hôm trước, Kerris Fenne, cũng 22 tuổi, cũng làm rơi bánh mỳ ở Manchester, rồi mẩu bánh bị bồ câu ăn, và cũng bị phạt y như Leonie.
Tuy nhiều người cho rằng mức phạt này là quá cao, nhưng một nhà chức trách của thành phố Manchester đã khẳng định: “Cho bồ câu ăn chính là xả rác, đơn giản thế thôi. Đã có bảng ghi rõ rồi. Chúng tôi chẳng thích thú gì với việc đi phạt người vi phạm cả. Nhưng mọi người cần phải hiểu rằng mình không nên cho bồ câu ăn”.
Kerris Fenne, cũng 22 tuổi, cũng bị phạt vì làm rơi bánh mỳ, y như Leonie. Ảnh: MEN MEDIA.
Ông cũng giải thích rằng, việc vô tình hay cố ý làm rơi thức ăn rồi bồ câu ăn thì đều có hại cho môi trường. Thứ nhất là làm bẩn vỉa hè, thứ hai là có thể gây nguy hiểm cho những chú chim, vì không phải cái gì con người ăn được thì chim cũng ăn được.