- Vợ chồng chị tính toán thế nào khi đưa gia đình vào Đà Nẵng sống?
- Khi ông xã quyết định vào Đà Nẵng nhận trọng trách mới, chúng tôi đều biết rằng gia đình không thể xa nhau quá lâu. Vì vậy, vợ chồng tôi lên kế hoạch cho bé lớn 6 tuổi bắt đầu tiểu học tại thành phố mới để anh có thời gian bên con nhiều hơn còn tôi sẽ đi lại giữa các thành phố, cho bé Mia đi cùng để vừa làm việc vừa chăm sóc con.
Từ nhỏ tôi đã quen với cuộc sống xê dịch và có khả năng thích nghi rất tốt nên không ngại việc di chuyển liên tục. Tôi nghĩ chuyện này chỉ đơn giản là mình xách vali vào Đà Nẵng, khi có việc lại ra Hà Nội hay về TP HCM mà thôi. Nhà cửa, công việc vẫn ở Hà Nội và TP HCM nên chúng tôi có thể quay lại bất kỳ khi nào thích hợp.
- Vì sao chị không thuyết phục chồng ở lại Hà Nội làm việc thay vì đưa con nhỏ di chuyển liên tục?
- Thực lòng mà nói tôi không thích chồng chuyển công tác nhưng khi anh ấy quyết tâm muốn đi và cho rằng việc thay đổi này giúp phát triển bản thân thì tôi tôn trọng. Anh ấy từng nhiều lần từ chối những lời mời làm việc ở các nước khác vì hiểu diễn xuất quan trọng với tôi như thế nào và tôi sẽ không thể hạnh phúc nếu không được làm việc. Anh ấy ở Việt Nam 8 năm qua cũng vì tôi và gia đình mà thôi. Tôi không thể ích kỷ đòi hỏi anh lúc nào cũng phải hy sinh cho mình.
Ông xã tôi làm ngành dịch vụ nên rất bận, nhiều ngày trong tuần phải làm từ sáng đến tối. Vị trí mới với nhiều trách nhiệm và áp lực khiến anh càng bận. Trong khi đó, công việc của tôi có thể linh hoạt về thời gian. Hiện tại, tôi chưa nhận dự án phim mới, chỉ đi sự kiện hoặc làm quảng cáo nên dễ sắp xếp hơn anh. Khi nào có dự án dài hơi, tôi sẽ đưa Mia về Hà Nội làm việc và trở lại Đà Nẵng đoàn tụ cả nhà khi được nghỉ.
- Đâu là quãng thời gian khó khăn nhất với chị từ khi bắt đầu hôn nhân?
- Đó có lẽ là quãng thời gian khi hai vợ chồng không được ở cạnh nhau. Đêm trước ngày anh đi, tôi khóc hết nước mắt. Với một người phụ nữ bụng mang dạ chửa ở những tháng cuối, đó là cảm giác tủi thân khủng khiếp.
Những ngày không có chồng bên cạnh, tôi rất hay khóc, trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương. Xa chồng, sự mệt mỏi khi một mình chăm con, chịu đựng những cơn đau hậu sinh mổ, cùng áp lực nuôi con không tăng cân khiến tôi thấy kiệt sức và tủi thân vô cùng. Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, chỉ cần thấy anh không hiểu vấn đề mình đang trải qua, tôi lại òa khóc. Có những ngày tôi cảm thấy mất hết động lực, không muốn làm gì.
- Chị và ông xã làm thế nào để tìm tiếng nói chung trong thời gian đó?
- Sau thời gian căng thẳng, chúng tôi nhận ra người kia vẫn quan tâm đến mình, chỉ là cách trao đổi lệch pha khi ở xa nên tạo ra hiểu lầm. Chúng tôi đều hiểu mỗi người có những khó khăn riêng và nếu muốn duy trì gia đình, cả hai phải tìm cách dung hòa. Vợ chồng phải gần nhau, nói chuyện và chia sẻ thật nhiều mới có thể thấu hiểu, cảm thông từ đó cùng vượt qua thử thách. Đó cũng là lý do tôi vào Đà Nẵng.
Lan Phương đưa hai con vào Đà Nẵng thăm chồng khi mới sinh bé thứ hai được 17 ngày.
- Chị làm gì để vượt qua trầm cảm sau sinh?
- Tôi nhận ra mình bị trầm cảm sau sinh khi trở nên dễ khóc, cơ thể không có năng lượng, động lực làm gì ngoài chăm con. Có những hôm tôi ở nhà, chồng về và hỏi "em ổn không" là tôi òa khóc, không nói được gì. Sau một thời gian, tôi nhận ra mình phải cắt đứt cảm xúc tiêu cực bằng cách tìm việc để làm. Nếu thấy mệt mỏi quá, tôi sẽ mở laptop ra làm việc, tập gym, dọn dẹp nhà và sau một lúc là quên hết mọi sự tiêu cực.
- Sao chị không tạm gác công việc, tranh thủ nghỉ ngơi trong thời kỳ thai sản?
- Vào Đà Nẵng nhưng tôi vẫn quản lý quán cafe ở Hà Nội thông qua các kênh online đồng thời giải quyết công việc khác liên quan đến quảng cáo, sự kiện... Tôi từ nhỏ đã thích làm nhiều thứ cùng lúc vì luôn cảm thấy thừa năng lượng. Đó là lý do tôi vừa học văn hóa vừa học múa, xây dựng quỹ từ thiện khi còn học cấp ba và học cùng lúc hai trường đại học song song với học khiêu vũ. Đến khi có gia đình, tôi thấy nếu mình chỉ ở nhà chăm con thì không có giá trị, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Tôi chỉ cảm thấy được cân bằng khi làm việc.
Ngoài nghệ thuật, Lan Phương còn kinh doanh quán cafe kid mang tên con gái mình.
- Khát vọng kiếm tiền liên quan gì đến việc chị nỗ lực làm nhiều việc cùng lúc?
- Tiền tất nhiên cũng quan trọng nhưng chỉ là một phần trong động lực làm việc của tôi. Đã có lúc tự nhủ hay mình chỉ ở nhà chăm con thôi, đừng nghĩ quá nhiều về công việc nhưng khi không làm việc, tôi cảm thấy mất cân bằng. Từ đó, tôi nhận ra mình yêu công việc thế nào và làm việc giúp ích cho đời sống tinh thần ra sao.
- Chồng nói gì khi chị làm quá nhiều việc?
- Anh ấy khuyên tôi đừng làm nhiều quá, phải biết chăm sóc bản thân vì mình ốm thì chỉ mình thiệt thôi. Tuy nhiên, khi tôi đã quyết định, anh ấy sẽ tôn trọng. Anh ấy biết tôi không thể từ bỏ công việc nên sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ lúc nào có thể. Những lúc không phải đi làm, anh ấy lái xe chở tôi đi quay, túc trực bên cạnh để nhắc tôi không quên ăn uống.
Lan Phương sinh năm 1983, được biết đến từ vai Mai Lan trong phim Cô gái xấu xí phát sóng năm 2004. Từ đó, cô có hàng chục bộ phim cả truyền hình lẫn điện ảnh. Vài năm gần đây, cô tham gia các phim: Cả một đời ân oán, Thương ngày nắng về, Gia đình mình vui bất thình lình... Lan Phương sinh con gái thứ hai hồi tháng Ba tại Hà Nội. |