Làn sóng đình công của nhân viên Amazon ở Anh: Cuộc chiến dai dẳng không hồi kết

Cuộc chiến phơi bày rất nhiều vấn đề nội bộ tồn đọng cần phải giải quyết triệt để.

Hiếm có trải nghiệm nào trong đời khiến Zee, một người cha 35 tuổi, phải sợ hãi đến vậy: Anh đã từng băng qua 6.400 km từ quê nhà Pakistan để tới Anh hơn 10 năm trước, trải qua ngày tháng gian khổ kiếm sống ở Anh, từng bị đe dọa trục xuất về nước. Nhưng ngày 24/1/2023 lại đánh dấu một cột mốc mạo hiểm khác trong đời anh.

Đó là đêm Zee cùng đồng nghiệp, tại nhà kho BHX4 của công ty Amazon ở thành phố Coventry (Anh) quyết định đình công để yêu cầu tăng lương. Khác với lần trước, lần này họ tổ chức đình công một cách hợp pháp và có kế hoạch tỉ mỉ. Họ phải đối mặt với một dàn quản lý cấp cao, người nắm trong tay quyền sinh sát đối với sự nghiệp của công nhân.

Nếu xét về quy mô, cuộc đình công của Zee không quá lớn: chỉ có anh và khoảng 300 nhân viên ca đêm cùng tụ tập. Bất chấp rủi ro mất việc, họ chính thức bước vào cuộc chiến với một trong những công ty lớn nhất và giàu có nhất hành tinh. Các làn sóng đình công của nhân viên Amazon đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới nhưng ở Anh thì là lần đầu tiên.

Giờ đây, trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt của đất nước, Zee và đồng nghiệp đang mở rộng tham vọng của mình: Lên kế hoạch tổ chức đình công nhiều hơn và bày tỏ sự bất đồng đối với nhiều cơ sở Amazon khác. Cái giá phải trả rất đắt. Nếu thua, họ mất tất cả, nếu thắng, họ sẽ minh chứng cho sức mạnh đoàn kết của tầng lớp lao động.

Làn sóng đình công của nhân viên Amazon ở Anh: Cuộc chiến dai dẳng không hồi kết - Ảnh 1.

Các nhân viên Amazon tại Coventry

Môi trường làm việc khắc nghiệt, lương thấp

BHX4 là một trung tâm cung ứng hiện đại của Amazon khai trương năm 2018, được trang bị băng chuyền có độ dài lên tới 14 km và diện tích sàn 120.000 mét vuông. Zee bắt đầu làm việc ở đây vào đầu năm 2020.

Khi đại dịch Covid-19 ập đến kèm theo hàng loạt các đợt phong toả cách ly, Amazon đã có một đợt tuyển dụng lớn. Tính đến cuối năm 2020, công ty đã tuyển 1.400 nhân viên mỗi ngày, đẩy quy mô lực lượng lao động quốc tế lên 1,2 triệu người. Khối lượng nhân lực dồi dào đã đem lại cho Amazon khoản lợi nhuận kếch xù trong bối cảnh nhu cầu giao hàng tận nhà tăng cao.

Giai đoạn từ năm 2019 đến 2021, lợi nhuận ròng hằng năm từ hoạt động toàn cầu của công ty tăng gần gấp 3, lên đến hơn 25 tỷ bảng (761.364 tỷ VNĐ). Tài sản cá nhân của Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, tăng lên tới 57 tỷ bảng (1,7 triệu tỷ VNĐ). Với khối tài sản kếch xù đó, Bezos đã có thể thưởng thêm 38.000 bảng (1,1 tỷ VNĐ) cho mỗi công nhân mà vẫn nằm trong top người giàu nhất hành tinh. Thay vào đó, ông lại đầu tư vào một tên lửa để đi lên vũ trụ.

Làn sóng đình công của nhân viên Amazon ở Anh: Cuộc chiến dai dẳng không hồi kết - Ảnh 2.

Bên trong nhà kho của Amazon ở Dartford

Mặc dù khối lượng công việc nhiều, mức lương mỗi giờ được tăng thêm 2 bảng (hơn 60.000 VNĐ), song những bất mãn cũng theo đó nảy sinh. Nhân viên phải đạt được các chỉ tiêu khó hiểu được đề ra trong ngày và chịu sự giám sát nghiêm ngặt. Nếu chỉ nghỉ tay một giây thôi thì cũng bị báo cáo lại cho cấp trên. Bất cứ sự thay đổi nào về thời gian làm việc (do ốm đau, chuyện gia đình, hay vấn đề đột xuất) đều bị kiểm soát rất chặt chẽ và cứng nhắc.

Mỗi ngày, phần mềm giám sát năng suất tự động tạo bảng xếp hạng nhân viên theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu trong ngày. Khó khăn nằm ở chỗ mọi chi tiết về chỉ tiêu đều không được tiết lộ cho nhân viên. Đối với những nhân viên nằm gần cuối bảng, họ sẽ bị đánh dấu và có khả năng bị sa thải cao hơn.

Vào năm 2021, Zee đảm nhận thêm công việc khắc phục vấn đề liên quan tới hàng hoá hay đường chuyền cung ứng. Nhờ vậy mà anh có thêm cơ hội chuyện trò với đồng nghiệp ở nhiều bộ phận khác. Ngoài ra, anh cũng được bầu vào “diễn đàn liên kết” (associate forum) của Amazon - một cầu nối giữa nhân viên và quản lý.

Cũng nhờ đảm nhận nhiều vị trí hơn nên Zee nhận ra sự bất công về lương thưởng ngày càng rõ ràng. Sau khi bước vào đại dịch một vài tháng, khoản tiền thưởng 2 bảng mỗi giờ đã bị phía công ty rút lại âm thầm. Công nhân phải quay lại mức lương cũ 10 bảng (khoảng 304.000 VNĐ) mỗi giờ trước thuế. Họ buộc phải làm tăng ca để đảm bảo cuộc sống, mặc dù 60 giờ làm việc một tuần đã là quá nhiều.

"Tức nước vỡ bờ"

Vào mùa hè năm 2022, không chỉ riêng ở Coventry, mà toàn nhân viên của Amazon trên khắp nước Anh đã đứng lên biểu tình. Trong nhiều tháng, phía quản lý đã cố gắng xoa dịu lực lượng lao động bằng lời hứa hẹn tăng lương. Nhưng sau đó, khi biết rằng mức lương chỉ tăng vỏn vẹn lên 35 đến 50 xu (10.600 đến 15.200 VNĐ) một giờ, hàng trăm công nhân phẫn nộ đã tự động rời khỏi chỗ làm và đi xuống nhà ăn nhân viên. Ngày tiếp theo, hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở Dartford, Chesterfield, Avonmouth, Hemel Hempstead và cả Coventry.

Làn sóng đình công của nhân viên Amazon ở Anh: Cuộc chiến dai dẳng không hồi kết - Ảnh 3.

Các công nhân đình công đang nói chuyện với một tài xế xe tải

Trong khoảng thời gian gần đây, cuộc chiến giữa Amazon và công nhân càng trở nên gay gắt hơn. Đồng thời, các nhân viên ở Coventry tiếp tục bỏ phiếu để đình công thêm 6 tháng nữa. Hành động của họ gây ra một hiệu ứng lan tỏa: Thêm nhiều cuộc bỏ phiếu đình công nổ ra ở cơ sở tại Midlands.

Về phía Amazon, họ cho biết tiền lương và phúc lợi cho công nhân mang tính cạnh tranh, đồng thời chỉ ra 2 lần tăng lương toàn quốc gần đây, khoảng từ 20 và 50 xu (khoảng 6.000 tới hơn 15.200 VNĐ) mỗi giờ kể từ khi diễn ra cuộc đình công ở Coventry. Công ty cũng phủ nhận việc giám sát chặt chẽ công nhân hay có thái độ thù địch với công đoàn.

Amazon tuyên bố: “Nhân viên của chúng tôi được quản lý hỗ trợ tận tình, được tham gia cuộc họp trực tiếp hằng ngày và được tiếp cận tới đội ngũ nhân sự. Chúng tôi đánh giá năng suất làm việc dựa trên độ an toàn, các kỳ vọng có thể đạt được, khả năng làm việc và ý thức tuân thủ quy định an toàn. Amazon tôn trọng quyền được tham gia vào công đoàn của nhân viên. Chúng tôi vô cùng tự hào về họ và những việc họ làm mỗi ngày. Chúng tôi đề cao việc tương tác với nhân viên và tôn trọng sự nghiệp của họ”.

Nhưng dường như những lời hứa và sự cam kết của Amazon chỉ để xoa dịu sự phẫn nộ của người dân, mà không thực sự được áp dụng cho nhân viên. Chình vì thế, những cuộc biểu tình không hồi kết là hệ quả tất yếu phải xảy ra. Là một thành viên “chủ chốt” của làn sóng biểu tình, Zee tâm sự: “Tôi không biết hậu quả sẽ ra sao, nhưng tất cả những gì chúng tôi mong muốn là sự an toàn và quy tắc phù hợp trong công việc. Đòi hỏi như vậy đâu có gì quá đáng”.

Nguồn: The Guardian