Lần tỉnh ngộ thay đổi cuộc đời nữ streamer

Hà Nội - Làm việc 20 tiếng mỗi ngày vì muốn nhanh giàu để báo đáp bố mẹ, nhưng Đàm Thanh Huyền nhận ra "khỏe mạnh là cách trả ơn tốt nhất", khi phát hiện mắc ung thư.

"Ai cưới được Nắng chắc có phúc lắm", một người bình luận trong phiên livestream với 916.000 người theo dõi, cuối tháng 11 của Nắng (biệt danh trên mạng của Đàm Thanh Huyền).

"Bạn chưa tưởng tượng việc lấy một người bị ốm đau bệnh tật sẽ ra sao đâu", cô gái 26 tuổi trả lời và tiết lộ mình đã phải cắt bỏ 2/3 chân trái do ung thư xương năm 11 tuổi và đang điều trị ung thư phổi di căn.

Đoạn video dài hai phút chia sẻ về hai lần phát hiện ung thư của Huyền thu hút 2,2 triệu lượt xem cùng hàng nghìn bình luận. Đa số bất ngờ bởi mỗi lần xuất hiện, nữ streamer này luôn thể hiện sự tích cực và hài hước.

"Tôi muốn khuyến cáo người trẻ nên cân bằng giữa công việc, cuộc sống từ trải nghiệm của mình", cô nói.

Năm 2009, Huyền khi đó là học sinh lớp 6 ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh bị đau nhức đầu gối. Bác sĩ phát hiện cô bị ung thư xương (sarcoma xương) - căn bệnh có độ ác tính cao. Trái với lo lắng của bố mẹ, cô bé 11 tuổi háo hức nhập viện bởi nghĩ "ốm sẽ được mọi người quan tâm".

"Không phải tôi tích cực mà quá nhỏ để hiểu chuyện, chỉ nghĩ có bệnh được nghỉ học, nhận bánh kẹo, đồ chơi là thích", Huyền kể.

Nhưng cô nhận ra cuộc đời mình đã thay đổi khi phải cắt bỏ 2/3 chân trái để ngăn khối u phát triển. Huyền cảm nhận rõ sự mặc cảm khi đi học với một bên chân khiếm khuyết, đầu trọc lốc. Từ đó, cô luôn giấu kín việc từng bị bệnh với mọi người.

Hai năm tiếp theo, Huyền duy trì việc tái khám. Đến năm 2016, bác sĩ thông báo không phát hiện tế bào ung thư trong cơ thể, nếu có dấu hiệu bất thường mới cần kiểm tra.

Suốt 10 năm tiếp theo, Huyền không đến bệnh viện kiểm tra bởi nghĩ "đã loại bỏ hoàn toàn căn bệnh quái ác". Tốt nghiệp cấp 3, cô trúng tuyển vào chuyên ngành thiết kế đồ họa của trường FPT Arena. Nữ sinh vừa học vừa làm với hy vọng trang trải cuộc sống, không trở thành gánh nặng của bố mẹ.

Ra trường, Huyền làm cho một công ty thiết kế ở Hà Nội. Hết 8 tiếng ở văn phòng lại đi làm thêm. Mục tiêu khi đó của cô không chỉ đủ sống mà phải kiếm nhiều tiền, thành đạt bởi "tuổi trẻ cần cố gắng".

Năm 2019, tình cờ thử sức với lĩnh vực streamer và thấy phù hợp, Huyền đầu quân cho công ty game. Công việc khi đó là phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội về game, giao lưu trực tuyến với người hâm mộ. Mức thu nhập mỗi tháng lên đến vài nghìn USD nhờ lương, quảng cáo và tiền donate (người xem tặng quà).

Kiếm được nhiều tiền khiến Huyền thành người nghiện việc, không dám đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Mỗi ngày nữ streamer chỉ ngủ 3-4 tiếng. Nhưng bù lại, sau vài năm cô tự mua được căn nhà bốn tầng đầu tiên ở quận Thanh Xuân với giá 3,5 tỷ đồng.

"Mục tiêu của tôi là nỗ lực hơn nữa để báo đáp công ơn của bố mẹ", Huyền nói.

Đầu năm 2023, Huyền thấy thường xuyên bị đau đầu, mất ngủ kéo dài. Nghĩ bị thiếu máu lên não do làm việc nhiều, cô đi khám sức khỏe tổng quát sau 10 năm bỏ quên. Trên phim chụp X-quang, bác sĩ phát hiện một nốt mờ ở phổi phải, cần sinh tiết để loại trừ u ác. Cô liên tục tự động viên "chỉ là sai số bởi tế bào ung thư đã biến mất 10 năm trước".

Là người đầu tiên nhận kết quả ung thư xương di căn lên phổi, nữ streamer chết lặng. Nhưng suy nghĩ lóe lên đầu của Huyền khi đó là sự lo lắng không thể tiếp tục làm việc và sợ phiền người thân phải chăm sóc.

"Chẳng sao, cả nhà sẽ cùng con vượt qua như 15 năm trước", bà Bùi Thị Dung, 52 tuổi, nói với con gái.

Từ ngày con gái bị bệnh, bố mẹ Huyền từ Bắc Ninh lên Hà Nội ở cùng. Các bữa ăn mỗi người một nơi nay cả gia đình lại tụ họp. Sau giờ cơm ba chị em Huyền lại chí chóe chia lịch rửa bát, thi thoảng bị bố mẹ nhắc nhở như ngày bé.

"Đến lúc này tôi mới nhận ra, chẳng cần giỏi giang, thành đạt mới được yêu thương. Có thế nào, bố mẹ vẫn cùng đồng hành", Huyền kể.

Mỗi lần ra ngoài, Huyền thường đội tóc giả do bị rụng tóc sau khi truyền hóa chất. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Mỗi lần ra ngoài, Huyền thường đội tóc giả do bị rụng tóc sau khi truyền hóa chất. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Tháng 4/2023, cô gái 26 tuổi nhập viện. Những đợt truyền hóa chất khiến cơ thể suy kiệt, đầu móng tay lở loét, "bỏng" da, rụng tóc. Nhiều tháng phải nghỉ làm, không còn thu nhập, lại thấy bố mẹ ngày càng tiều tụy vì chăm sóc mình, khiến Huyền chán nản. Hai tháng sau cô đòi ra viện, dừng truyền thuốc, dù kích thước của khối u đã giảm 30%.

"Tôi muốn những ngày tháng cuối cùng được ở nhà, sống cạnh những người thân yêu thay vì trên giường bệnh", Huyền kể.

Về nhà, cô gái 26 tuổi quay về công việc streamer, ngày làm 14 tiếng "để thấy mình có ích".

Lúc con gái dừng điều trị cũng là từng ấy thời gian bà Dung khóc cạn nước mắt. Người phụ nữ 52 tuổi lặng lẽ dõi theo biểu hiện sức khỏe của con, học cách nấu các món ăn bổ dưỡng, hợp vị. Đợi những lúc tâm trạng của con tốt, bà lại thủ thỉ khuyên trở lại viện.

"'Con không cần cố gắng hay làm việc gì, chỉ cần khỏe mạnh thôi, mẹ sẽ san sẻ cùng con', chính lời động viên tâm lý của mẹ đã khiến tôi bừng tỉnh sau lần ngang ngạnh", Huyền nói.

Đầu năm 2024, Huyền trở lại bệnh viện tiếp tục điều trị. Đến tháng 5, cô tiến hành nội soi cắt bỏ thùy phổi bên phải. Hiện sức khỏe đã phục hồi và điều trị ngoại trú.

Ngoài thời gian điều trị, cô gái 26 tuổi cùng gia đình, người yêu đi du lịch từ Bắc vào Nam. Huyền nói số lần đi du lịch trong vài tháng bằng bốn năm trước cộng lại. Cô học cách tận hưởng cuộc sống và trân trọng những phút giây được ở bên gia đình, người yêu.

Đàm Thanh Huyền livestream những điều tích cực với người xem ở nhà riêng ở quận Thanh Xuân, trung bình mỗi ngày dành 4-5 tiếng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Đàm Thanh Huyền livestream những điều tích cực với người xem ở nhà riêng ở quận Thanh Xuân, trung bình mỗi ngày dành 4-5 tiếng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Giờ mỗi ngày Huyền dành 4-5 tiếng làm video để chia sẻ về hành trình chiến đấu với ung thư. Hy vọng lớn nhất của cô là lan tỏa nghị lực cho những đồng bệnh hoặc người cần truyền năng lượng tích cực.

Nhìn lại 10 năm làm việc điên cuồng, Huyền nói nếu quay lại quá khứ vẫn làm như vậy bởi muốn cống hiến, khẳng định bản thân. Nhưng cô sẽ quan tâm hơn đến sức khỏe.

"Hai lần bước qua cửa tử tôi mới nhận ra 'ngày trước coi khỏe mạnh, được làm việc là điều bình thường nhưng giờ mới hiểu đó là may mắn lớn nhất của mỗi người nên đừng đặt áp lực gì cho chính mình", Huyền nói.