29 tuổi, tôi chia tay mối tình 8 năm trong tiếc nuối và đau khổ. Chúng tôi bị hai bên gia đình phản đối dữ dội, bố mẹ tôi cấm con gái lấy chồng xa, còn bố mẹ anh ấy nói, gia đình tôi không môn đăng hộ đối. Hai nhà đã có buổi gặp gỡ đầu tiên nhưng mâu thuẫn sau đó càng gay gắt hơn vì vài lời mai mỉa. Anh là người buông tay trước, anh bảo không chịu nổi áp lực nữa rồi.
Tối 30 Tết của năm đó, sau vỏn vẹn 5 tháng chia tay người cũ, chồng tôi bây giờ và cô ruột anh ấy đến nhà tôi chơi. Tôi vài lần nghe bố mẹ nhắc đến anh và biết hai bên gia đình vẫn ngầm mai mối cho hai đứa nhưng đó là lần đầu tiên tôi gặp anh.
Anh hơn tôi 3 tuổi, là kiến trúc sư. Bố mẹ anh là bộ đội về hưu, gia đình nổi tiếng gia giáo và cũng có điều kiện. Nhà tôi và nhà anh chỉ cách nhau vỏn vẹn 10 phút đi bộ nên anh là chàng rể mà bố mẹ tôi ao ước.
Tối đó, tôi chỉ liếc nhìn anh một lần rồi ngồi im nghe người lớn nói chuyện. Cô anh bảo: “Nếu cháu và gia đình đồng ý, mồng 4 Tết bố mẹ Thắng đem trầu cau sang hỏi chuyện rồi ra giêng chọn ngày đẹp cưới luôn”. Tôi kinh ngạc nhưng không thể hiện ra mặt, chỉ thấy bố mẹ cười không khép miệng. Anh cũng chẳng nói một lời, cho đến tận lúc ra về mới xin số điện thoại của tôi. Tin nhắn đầu tiên anh gửi cho tôi vỏn vẹn 2 dòng: “Chào em! Anh cũng rất bất ngờ trước đề xuất của gia đình nhưng nếu được, anh cũng muốn tìm hiểu em”. Tôi chỉ “Vâng”.
Một đứa con gái 29 tuổi chia tay mối tình đầu kéo dài suốt 8 năm thì chẳng còn tơ tưởng điều gì nữa. Tôi đã nghĩ, phần đời còn lại tôi sẽ sống theo sự sắp đặt của gia đình, kể cả là hôn nhân. Bố mẹ muốn tôi lấy ai, tôi sẽ lấy người đó.
Tôi và anh có 3 tháng tìm hiểu trước khi về chung một nhà. Đó được xem là khoảng thời gian để tôi và anh khỏi bỡ ngỡ về nhau. Tôi từng bảo với bố mẹ: “Bố mẹ nghĩ sao về một người đàn ông 32 tuổi mà để gia đình sắp đặt chuyện cưới xin. Đến tận hôm đi hỏi vợ vẫn nói là bất ngờ về sự sắp đặt đó?”. Bố mẹ vẫn vậy, bảo tôi non nớt, không hiểu sự đời.
Trong 3 tháng ấy, tôi và anh gặp nhau 3 lần, toàn là những thất vọng. Lần đầu tiên tôi dẫn một cô bạn đi cùng, nói vài câu xã giao, cô bạn nói thích ăn kem. Anh liền giục: “Vậy em đi mua nhé?”. Tôi sốc lần 1. Lúc bạn đem kem về, anh mè nheo: “Đây không phải loại kem anh thích. Anh thích kem ốc, không phải kem cốc”. Tôi sốc lần 2. Tôi đứng dậy thanh toán và đi về, anh thậm chí còn không giành trả tiền. Một người đàn ông keo kiệt.
Lần thứ 2, chúng tôi gặp nhau ở nhà anh. Cổng nhà anh có cái dốc cao, tôi thì mặc váy đi guốc, phải chật vật lắm mới dắt được cái xe vào trong, anh cũng chẳng ngỏ ý giúp. Hôm đó, anh thậm chí còn thẳng thắn hỏi lương của tôi và chia sẻ mức lương thật của anh. Anh nói, anh muốn vợ sau này đi làm để cùng chồng gồng gánh kinh tế gia đình. Tôi nghĩ, làm thế nào để sống cùng người đàn ông này suốt cuộc đời.
Chồng khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác (ảnh minh họa)
Lần thứ 3, chúng tôi gặp riêng nhau ở một quán cà phê. Tôi kể cho anh nghe mọi thứ về cuộc tình cũ của mình. Anh chỉ nghe, không một lời chia sẻ, không một lời an ủi. Tôi nghĩ, người đàn ông này quá khô khan.
Suốt 3 tháng ấy, anh không hề tặng tôi một bông hoa hay món quà nào cả. Hai ngày một lần nhắn tin, khi anh nói “Anh phải đi ngủ rồi” thì sẽ không dây dưa thêm một tin nào khác. Mà tôi thì là cô gái mơ mộng, ưa lãng mạn, thích sự quan tâm tỉ mỉ, ngọt ngào. Tôi với anh như hai mảng đối lập nhưng lại được sắp đặt để sống chung một nhà.
Cưới nhau đến nay là 2 năm, 9 tháng, 18 ngày, có một bé trai 10 tháng tuổi, tôi lại thầm cảm ơn bố mẹ đã chọn cho mình người chồng tuyệt vời. Anh khiến tôi kinh ngạc với con người thật sau khi cưới.
Anh là người đàn ông khô khan, tính toán nhưng lại cực chu toàn và có trách nhiệm với vợ con. Đám cưới kết thúc, anh đưa toàn bộ số tiền mừng cưới và của hồi môn cho tôi giữ, nói rằng, từ giờ mọi thứ của anh sẽ là của tôi. Anh nói rất rõ ràng, mỗi tháng, anh đưa 2/3 số lương cho tôi giữ, số còn lại anh dùng chi tiêu cá nhân. Anh muốn tôi đi làm là để không buồn chán và giữ được sự tự tôn, không bị mọi người nói là ăn bám chồng.
Anh vạch ra kế hoạch rõ ràng cho cuộc hôn nhân này, trong 5 năm rồi 10 năm. Anh đặt ra những quy tắc chung cho vợ chồng và nói rõ, hôn nhân trong 5 năm đầu tiên cực kỳ khó khăn, nhất là đối với trường hợp chưa kịp yêu đã cưới như chúng tôi. Anh khiến tôi cảm thấy, mình đang ngồi trên con thuyền mà người lèo lái rất chuyên nghiệp, tôi chỉ việc ngồi đó, hướng theo họ.
Mọi thứ diễn ra tốt đẹp hơn tôi tưởng. Mỗi sáng, tôi được anh giúp dắt xe ra cổng, trong cốp luôn đầy đủ áo chống nắng, áo mưa… Anh giúp tôi làm việc nhà, không nề hà chuyện nấu cơm, phơi quần áo, dọn dẹp nhà cửa… Đôi khi, anh cũng có can thiệp vào chuyện chi tiêu của tôi nhưng không hiểu sao, tôi không còn nghĩ anh chi li, keo kiệt nữa mà chỉ thấy kế hoạch chi tiêu của anh đáng để tôi học hỏi.
Suốt cả thai kỳ, ngoại trừ những ngày anh đi công tác, tôi đều được anh chở đi làm. Điện thoại tôi vẫn lưu đầy tin nhắn: “Anh chuẩn bị qua”, “Hôm nay anh bận nên qua muộn một chút. Em nhớ đợi”, “Giờ anh qua, hôm nay chúng mình đi ăn ngoài!”… Vẫn phong cách nhắn tin khô khan, cụt lủn như vậy nhưng khiến tôi ấm lòng.
Ngày đưa vợ đi đẻ, có lẽ là lần đầu tiên tôi thấy anh luống cuống. Tôi đau như chết đi sống lại mà còn phải bật cười khi thấy tay anh run run xoa bụng, bảo tôi “Cố gắng lên”. Gặp lại anh sau 6 tiếng nằm chờ ở phòng hậu phẫu, câu đầu tiên anh nói là: “Em mệt lắm không?”, chứ không phải hỏi thăm cậu con trai bé bỏng. Suốt mấy ngày sau đó, anh kề cạnh chăm sóc, lau rửa cho tôi, làm cả những việc bẩn thỉu nhất. Tôi thực sự trân trọng anh.
Anh bảo, thật ra anh đã biết tôi từ lâu, cũng biết luôn chuyện tôi yêu một người suốt 8 năm trời. Tối 30 Tết hôm đó, anh không nói gì vì bận quan sát tôi, anh thấy rõ sự chán nản và bất cần của tôi nhưng vẫn muốn cưới. Khoảnh khắc khiến anh phân vân nhất về cuộc hôn nhân này là khi nghe tôi kể về mối tình 8 năm bởi anh không chắc, có thể thay thế người đàn ông đó. Nhưng anh vẫn can đảm tiến tới.
Hôn nhân thật khó nói, đôi khi, không phải cứ yêu và tìm hiểu lâu dài thì sẽ chọn đúng người. Người ta nói “Lấy vợ/ lấy chồng giống như canh bạc, may thì đỏ, không may thì đen”. Nhưng tôi lại đồng ý với quan điểm của chồng rằng, hôn nhân muốn bền vững thì phải có vun đắp và sẻ chia. Tình yêu là màu hồng, còn hôn nhân là thực tế, vợ chồng học cách chấp nhận những điều thực tế ở đối phương thì mới có thể đi cùng nhau dài lâu.