Liên tiếp VĐV gặp nạn trên đường chạy: Lo tái hiện thảm kịch rúng động thế giới

Những tai nạn thương tâm trên đường chạy gần đây là tín hiệu báo động về tình trạng giải thể thao phong trào nở rộ mất kiểm soát tại Việt Nam.

Trong vòng chưa đầy một tháng, 2 vận động viên nghiệp dư qua đời sau khi gặp sự cố về sức khỏe trên đường chạy thi đấu cự ly dài (Tay Ho Half Marathon tại Hà Nội và Vietnam Ultra Marathon tại Hòa Bình). Trong 5 năm qua, có ít nhất 4 trường hợp tử vong vì sự cố sức khỏe khi tham gia các giải chạy phong trào được nhắc đến trên báo chí (một tại VnExpress Marathon Quy Nhơn năm 2022 và một ở Marathon HCMC năm 2019).

Tuần trước, dân mạng hoảng hồn khi xem những hình ảnh đoàn vận động viên luồn lách, len lỏi chạy giữa dòng xe cộ giờ tan tầm ở Cần Thơ. Không thấy bóng dáng tình nguyện viên hay bất kỳ rào chắn, cột mốc nào. Ban tổ chức sự kiện là một đơn vị đã có kinh nghiệm.

Tháng trước, đoạn video ghi lại cảnh một vận động viên chuyên nghiệp bị chó đuổi trên đường chạy gây sốt mạng xã hội. Hình ảnh này thú vị và hài hước cho người xem. Nhưng trên góc độ tổ chức, đó là sự cố.

Năm 2020 một vận động viên bị lũ cuốn trôi khi băng qua suối trên cung đường của một giải chạy địa hình băng qua rừng.

Những sự cố này gợi lại bi kịch của thể thao Trung Quốc cách đây 3 năm, gây xôn xao dư luận thế giới và được nhắc đến với tên gọi "Thảm họa ultramarathon Cam Túc". Có 21 vận động viên thiệt mạng giữa đường ở độ cao trên 2 nghìn mét do thời tiết xấu.

Liên tiếp VĐV gặp nạn trên đường chạy: Lo tái hiện thảm kịch rúng động thế giới - Ảnh 1.

10 người trong số 21 nạn nhân của thảm kịch tại giải marathon Cam Túc (Trung Quốc) năm 2021.

Ban tổ chức bị chỉ trích vì không theo dõi biến động thời tiết để chuẩn bị phương án phù hợp cũng như cảnh báo các vận động viên. Ngoài ra, theo thời báo Hoàn Cầu, nhiều vận động viên đã phàn nàn về lỗ hổng trong quy trình tổ chức từ trước khi thảm kịch xảy ra.

Ngay lập tức, toàn bộ các giải chạy địa hình, marathon và thể thao mạo hiểm tại Trung Quốc bị hoãn lại. Đó là dấu mốc chặn làn sóng phát triển nóng của các giải thể thao phong trào quy mô lớn ở quốc gia tỷ dân.

Thời điểm đó, theo thống kê của Hiệp hội điền kinh Trung Quốc, số lượng các giải chạy nghiệp dư tại đất nước này tăng lên với tốc độ chóng mặt. Năm 2019, thống kê sơ bộ của hiệp hội là gần 1.900 cuộc thi chạy được tổ chức.

Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đăng một cảnh báo có đoạn: " Một số cuộc đua chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế mà không sẵn sàng đầu tư vào chất lượng phục vụ và an toàn. Một số công ty không đủ trình độ và khả năng tổ chức sự kiện thể thao có tính rủi ro cao mà chỉ tìm kiếm thành công và lợi nhuận nhanh chóng. Chính quyền ở một số địa phương cũng không biết cách giám sát".

Liên tiếp VĐV gặp nạn trên đường chạy: Lo tái hiện thảm kịch rúng động thế giới - Ảnh 2.

Các vận động viên may mắn thoát nạn do đến kịp trạm nghỉ hoặc trang bị mang theo có sẵn khăn, áo mưa có thể dùng chống rét tạm thời.

Người ta lật lại câu chuyện cũ rằng theo thống kê của Hiệp hội điền kinh Trung Quốc, có tới 16 người thiệt mạng trong các giải thi chạy nghiệp dư tại Trung Quốc trong vòng 3 năm từ 2015-2017. Cũng theo thống kê, khoảng 10% các công ty tổ chức sự kiện kiểu như vậy biến mất mỗi năm, nhưng nhanh chóng có đơn vị khác mọc lên thay thế.

Phong trào chạy giải ở Việt Nam cũng đang xuất hiện những dấu hiệu tương tự. Trước hết là xu hướng nở rộ về số lượng.

Tính riêng trên cổng bán vé iRace - một địa chỉ phổ biến của cộng đồng chạy bộ phong trào, có tới 40 cuộc thi chạy phong trào diễn ra trong vòng 6 tháng qua trên khắp cả nước. Lịch trình từ nay đến cuối năm còn 28 giải nữa đã mở bán vé.

Tạm cho là mỗi năm có khoảng 50 giải chạy nghiệp dư được tổ chức tại Việt Nam. Con số này dĩ nhiên thua xa mốc 1.900 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu so tỷ lệ số lượng giải chạy trên quy mô dân số thì phong trào ở Việt Nam lại lớn hơn.

Những vấn đề xảy ra khi phong trào chạy giải nở rộ ở Việt Nam cũng giống với Trung Quốc. Những giải chạy này được tổ chức ngoài tạo sân chơi thể thao phong trào còn kết hợp với nhiều mục đích như thương mại, quảng bá du lịch, quảng cáo thương hiệu...

Mỗi giải chạy phong trào có đến hàng nghìn người tham gia. Phạm vi tổ chức cũng không gói gọn trong một khu vực mà trải dài. Các vận động viên cũng không tập trung mà di chuyển rải rác liên tục. Sự cố vì thế cũng muôn hình vạn trạng.

Trước mỗi giải đấu, đơn vị tổ chức luôn phải họp với các đơn vị chức năng của địa phương để thông qua các phương án tổ chức, trong đó có đảm bảo an ninh, an toàn. Tuy nhiên, dường như các phương án này chỉ là những kịch bản ứng phó với tình huống thường thấy, dựa trên kinh nghiệm.

Một vận động viên phong trào cho biết đội ngũ y tế chỉ có trang thiết bị sơ cứu. Trường hợp cấp cứu, vẫn phải gọi xe cứu thương và bác sỹ từ bệnh viện.

Về chuyện an toàn giao thông, từng có một số giải chạy khi lên phương án một đằng, đến lúc thực hiện lại một nẻo. Nhìn chung, những biến số vẫn luôn ở đó và những phương án dự phòng chỉ là giải quyết, không phải ngăn chặn.

Các biện pháp "sàng lọc" đầu vào vận động viên của giải đấu gần như không có. Một số giải lớn có quy định VĐV phải nộp giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát thì lại không có quy chuẩn nào cả.

Bản thân các vận động viên nghiệp dư với tâm thế "chạy cho vui" cũng ít đòi hỏi các quyền lợi khi tham dự giải.

Ví dụ, trong giới chạy phong trào, việc mua bán, trao đổi áo bib dự giải không phải hiếm và không phải lúc nào họ cũng thay đổi thông tin đăng ký với ban tổ chức. Nhiều người vì muốn chạy, sẵn sàng sử dụng bib “không chính chủ”.

Nếu có sự cố xảy ra, hoàn toàn có thể xuất hiện trường hợp một vận động viên gặp nạn nhưng không được mua bảo hiểm, chưa kí miễn trừ trách nhiệm cho ban tổ chức. Khi ấy, ban tổ chức không thể không liên đới vì buông lỏng quản lý.

Đã có những lời cảnh báo về xu hướng mất kiểm soát của các giải chạy. Sau mỗi sự cố, cộng đồng thể thao phong trào và các chuyên gia đều có ý kiến kêu gọi, khuyến cáo về việc tổ chức các giải chạy an toàn. Tuy nhiên, sự cố vẫn cứ xảy ra và chẳng có gì đảm bảo sẽ không tái hiện trong tương lai, nhất là khi phong trào vẫn nở rộ mà chẳng có bất kỳ tiêu chuẩn nào cả.