Các nhà nghiên cứu Trung Quốc mới đây đã ghi nhận những cơn sóng cao hơn 1 mét gần Trạm Trung Sơn - một trong những trạm nghiên cứu của Trung Quốc tại Nam Cực. Theo các chuyên gia tại Trung tâm Khảo sát và Lập bản đồ Nam Cực của Đại học Vũ Hán, hiện tượng này xuất phát từ việc các tảng băng trôi tách ra và lật úp, gây dao động bất thường trên mặt nước.
Hệ thống giám sát thủy triều tại Trạm Trung Sơn đã ghi nhận sự gia tăng rõ rệt của hiện tượng này. Nếu như vào tháng 1, hiện tượng dao động nước biển chỉ diễn ra trong 8 ngày, thì đến tháng 2, nó xảy ra gần như hàng ngày. Dữ liệu dài hạn tại trạm cũng cho thấy tốc độ tan rã của các tảng băng ở Nam Cực ngày càng nhanh hơn.
Trong đó, sông băng Dalk tại Vịnh Prydz - một khu vực nghiên cứu quan trọng - đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hiện tượng tách băng.

Hiện tượng sóng thần do băng tan tại Nam Cực đang diễn ra với tần suất ngày một dày hơn. (Ảnh: India Today)

Nam cực đang chịu tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu. (Ảnh: NASA)
Ông Ke Hao - Trung tâm Khảo sát và Lập bản đồ Nam Cực nhận định: "Khoảng cách giữa lần tách băng đầu tiên và lần tách thứ hai là 7 năm, trong khi lần tách băng thứ ba chỉ xảy ra 2 năm sau lần thứ hai. Điều này cho thấy sự tan rã của phần cuối sông băng Dalk đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn"
Các nhà khoa học cũng bày tỏ quan ngại về sự dịch chuyển của tảng băng trôi lớn nhất thế giới - A23a. Với diện tích khoảng 4.000 km² và khối lượng gần 1.000 tỷ tấn, tảng băng này đã tách khỏi Nam Cực và đang di chuyển lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ.
Sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của những trận "sóng thần băng" là một dấu hiệu cảnh báo về tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu lên hệ sinh thái Nam Cực. Các nhà khoa học cho rằng cần tiếp tục theo dõi và nghiên cứu để đánh giá rõ hơn về những ảnh hưởng lâu dài của hiện tượng này đối với mực nước biển toàn cầu.