Từ một cử chỉ đáng trân trọng trong văn hoá ứng xử, "xin lỗi" trong showbiz Việt dường như đang rơi vào tình trạng bị lạm dụng đến mức mất đi giá trị thật sự. Hiện tại, lời xin lỗi đang dần trở thành một… phản xạ quen thuộc. Cứ vài tuần, vài ngày – khán giả lại thấy một cái tên nổi tiếng lên tiếng nhận sai vì nhiều lý do như quảng cáo sai công dụng, phát ngôn kém duyên, chiêu trò phản cảm, hay chuyện đời tư gây tranh cãi. Người viết tâm thư dài 3 trang, người livestream gần chục phút... muôn hình vạn trạng kiểu xin lỗi. Nhưng kỳ càng nhiều lời xin lỗi được nói ra, công chúng càng thấy… ngao ngán, sự rộng lượng và cảm thông cũng phải có một giới hạn nhất định.
Hàng loạt lời xin lỗi nối đuôi nhau xuất hiện
Chỉ trong vỏn vẹn hai tháng 3-4/2025, showbiz Việt đã chứng kiến một "làn sóng xin lỗi" chưa từng có. Từ những gương mặt nổi tiếng đến các ê-kíp sản xuất, không ít nghệ sĩ phải lên tiếng nhận sai vì loạt ồn ào trải dài từ "phốt" quảng cáo, vạ miệng đến cả ồn ào tình ái.
Ở lĩnh vực quảng cáo, Hoa hậu Thùy Tiên, Vân Hugo, Doãn Quốc Đam... vướng đến những ào ào liên quan đến việc đồng hành cùng các sản phẩm liên quan đến sức khoẻ. Sau khi bị phát hiện và chỉ trích, đa phần họ đều lên tiếng thừa nhận thiếu sót nhưng làn sóng nghi ngờ từ khán giả không vì thế mà lắng xuống. Cũng từ những sự việc này, hình ảnh các nghệ sĩ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vân Hugo đăng tâm thư xin lỗi vì ồn ào quảng cáo sữa
Đâu chỉ quảng cáo, các hoạt động nghệ thuật cũng xuất hiện những sai xót khiến công chúng bức xúc. Đơn cử trong thời gian gần đây có vụ việc đoàn phim Âm Dương Lộ vấp chỉ trích mạnh mẽ khi sử dụng xe cứu thương thật để chở nghệ sĩ tới thảm đỏ công chiếu. Hành động bị đánh giá là "PR giật gân thiếu đạo đức xã hội", sau đó được ê-kíp công khai xin lỗi và nhận hoàn toàn trách nhiệm. Những nghệ sĩ liên quan như Bạch Công Khai, Đại Nghĩa cũng lên tiếng. Theo đó, MC Đại Nghĩa thừa nhận: "Chiếc xe đó dù đến tận nơi mới bấm còi và đèn tín hiệu, nhưng dù chỉ 1 giây mà chưa được phép thì vẫn là sai. Nghĩa đã chấp nhận bước lên chiếc xe đó, dù cho mình không biết đi chăng nữa thì cũng là sai".

Đoàn phim Âm Dương Lộ cũng xin lỗi vì cách PR khó hiểu, gây bức xúc
Một sự việc khiến công chúng bức xúc gần đây là những phát ngôn của nghệ sĩ liên quan đến dịp đại lễ. Nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước thì một số tuyến đường bị hạn chế di chuyển trong khung giờ nhất định để phục vụ công tác tập luyện diễu binh, diễu hành. Mặc dù đã có thông báo từ trước về sự việc này thế nhưng Á hậu Quỳnh Châu, người mẫu Lê Trung Cương... đồng loạt vướng tranh cãi vì những dòng trạng thái than phiền kẹt xe, thiếu tinh tế giữa thời điểm cả nước hướng về ngày lễ lịch sử. Sau đó, các nhân vật đã nhanh chóng ẩn bài và xin lỗi nhưng công chúng vẫn đặt dấu hỏi về ý thức và trách nhiệm của người nổi tiếng.
Sao Việt xin lỗi vì những câu chuyện đời tư cũng không ít, trong thời gian qua ViruSs trở thành tâm điểm khi vướng vào lùm xùm tình cảm với TikToker Ngọc Kem và rapper Pháo. Giữa bão dư luận, nam streamer đã phải livestream để xin lỗi, giải thích và phủ nhận các cáo buộc. Một trường hợp khác là DJ Ximer đã lên tiếng xin lỗi về đoạn clip camera ghi lại cảnh "tác động vật lý" với vợ vừa sinh con 5 tháng.
Lời xin lỗi trở thành kịch bản mẫu thì liệu có còn giá trị?
Trong văn hoá Á Đông, lời xin lỗi vốn mang ý nghĩa thiêng liêng: thừa nhận lỗi sai, thể hiện trách nhiệm và cầu thị để làm lại từ đầu. Nhưng khi nó trở thành phản xạ "quen miệng" mỗi lần scandal nổ ra, câu hỏi đặt ra là: Liệu lời xin lỗi còn có trọng lượng khi bị lặp lại quá nhiều và quá dễ dàng? Một thực trạng cho thấy rõ trong hai tháng gần đây, showbiz Việt gần như… "quá tải lời xin lỗi". Mỗi vụ việc chưa kịp lắng xuống thì đã có một lời xin lỗi khác nổi lên.
Việc có nhiều nghệ sĩ xin lỗi trong một thời gian ngắn còn là là dấu hiệu cho thấy hệ sinh thái giải trí đang vận hành lệch nhịp. Showbiz Việt thời gian gần đây không chỉ có nhiều lời xin lỗi – mà quan trọng hơn, là có quá nhiều lỗi cần được xin. Lời xin lỗi ngày càng nhiều không phản ánh mức độ tử tế, mà phơi bày một thực tế: nghệ sĩ đang sai nhiều hơn và đôi lúc lỗi sai giống nhau. Điều khiến công chúng ngán ngẩm không phải vì nghệ sĩ nhận lỗi, mà vì họ phải nhận lỗi quá thường xuyên, cho những lỗi đã từng thấy ở người khác. Khi đó, lời xin lỗi dù được viết tròn trịa, lịch sự đến đâu cũng dần mất giá trị cảm xúc và niềm tin.
Đáng nói, không phải tất cả những lời xin lỗi đều đi kèm với hành động sửa sai, hay ít nhất là một sự thay đổi cụ thể trong nhận thức. Rất nhiều trong số đó chỉ dừng lại ở một dòng trạng thái đăng tải trên Facebook hoặc một video dài vài phút mang tính xoa dịu dư luận hơn là thật lòng hối lỗi. Xin lỗi là bước đầu của thay đổi, nhưng nếu chỉ dừng lại ở lời nói – thì đó chỉ là hành động đối phó.
Khi lời xin lỗi trở thành "chiếc phao cứu sinh truyền thông", được dùng như một công cụ để dập lửa tạm thời thay vì là cam kết thay đổi, công chúng bắt đầu… mất kiên nhẫn. Người hâm mộ không cần nghệ sĩ hoàn hảo. Nhưng họ kỳ vọng vào sự chân thành, chỉn chu và chuyên nghiệp từ những người mang danh "người của công chúng". Khi một nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật – xin lỗi. Người khác phát ngôn thiếu tinh tế – xin lỗi. Một cá nhân dính bên bối tình cảm – cũng xin lỗi. Lặp đi lặp lại, lời xin lỗi dần mất đi giá trị đạo đức vốn có, trở thành một thủ tục bắt buộc, giống như một "bản mẫu" khủng hoảng truyền thông hơn là sự tự vấn nội tâm.
Xin lỗi không phải là dấu chấm hết của scandal, nó nên là dấu mốc bắt đầu cho trách nhiệm và hành động
Bản chất của lời xin lỗi chưa bao giờ sai. Nhưng nếu xin lỗi chỉ để làm dịu dư luận, không đi kèm thay đổi và học hỏi thực sự, nó sẽ trở thành lời nói rỗng. Và đến lúc đó, công chúng không còn muốn nghe lời xin lỗi nữa mà họ chỉ muốn thấy một nghệ sĩ biết giữ gìn hình ảnh trước khi để nó sụp đổ.
Showbiz không cần người hoàn hảo. Nhưng công chúng thì cần những người nổi tiếng có ý thức về vị trí và sức ảnh hưởng của mình. Khi bạn trở thành người của công chúng, bạn không còn nói cho riêng mình, hành động cho riêng mình, hay sống chỉ cho riêng mình nữa. Một lời nói, một hành động, một quảng cáo… có thể là "câu chuyện nhỏ" trong mắt nghệ sĩ – nhưng lại có khả năng dẫn hướng suy nghĩ và hành động của hàng triệu người. Trách nhiệm đó càng lớn, thì sự cẩn trọng càng không thể lơ là.
Thay vì chuẩn bị bài viết xin lỗi, nghệ sĩ cần chuẩn bị một cơ chế kiểm soát nội dung – truyền thông – hành vi cá nhân. Biết đặt câu hỏi trước khi nhận quảng cáo, kiểm tra bối cảnh xã hội trước khi phát ngôn, tự hỏi xem mình có đang phản cảm không trước khi lên sóng livestream. Khán giả Việt không vô lý. Họ sẵn sàng bao dung, miễn là thấy nghệ sĩ thật sự cầu thị. Đã đến lúc showbiz Việt cần thoát khỏi "vòng lặp xin lỗi", mỗi nghệ sĩ cần ý thức và hành xử trách nhiệm hơn trước khi nói, trước khi quảng cáo, và trước khi làm một điều tưởng là vô hại.

Đã đến lúc nghệ sĩ Việt dẹp bỏ tư tưởng "cứ sai đi vì cuộc đời cho phép"