Một trong 9 điều Luật Giáo dục đại học mới thi hành chính là các loại bằng đại học đều có giá trị như nhau, đồng nghĩa với việc không ghi hình thức đào tạo khi cấp bằng cử nhân.
Kể từ ngày 1/7/2019, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 ngày 19/11/2018 chính thức được thi hành với 9 điều khoản mới. Một trong số các điều mới mà các sinh viên quan tâm nhất chính là các loại hình đào tạo đại học sẽ có giá trị như nhau, tức là bằng đại học chính quy, tại chức hay liên thông đều có giá trị tương đương.
Cụ thể, khoản 23 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 có nội dung như sau: "Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương". Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không ghi hình thức đào tạo khi cấp bằng cử nhân.
Trước đây, hình thức đào tạo đại học ở Việt Nam có 2 loại hình chính là hệ chính quy và không chính quy (từ xa, tại chức, liên thông). Nhiều trường đại học vẫn ghi hình thức đào tạo lên bằng tốt nghiệp đại học.
(Ảnh minh họa)
Mục đích chính của quy định mới này là tạo điều kiện cho các sinh viên theo học các hình thức đào tạo khác nhau khi tốt nghiệp đại học có cơ hội ngang nhau trong việc công nhận văn bằng, tuyển dụng lao động.
Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy, quy định mới cũng khuyến khích cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên, phát triển và ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo thay vì việc ưu tiên tuyển dụng người có trình độ từ thạc sĩ trở lên làm giảng viên theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục đại học 2012.
Theo Helino.vn
Bộ GD&ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, cắt giảm 315 giờ học