Bắt đầu từ ngày 15/7/2019, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước sẽ ra quân tổng kiểm soát đối với ô tô chở khách, xe vận tải, xe container và cả xe máy.
Đứng trước tình hình trật tự an toàn giao thông trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp và thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch tổng kiểm soát đối với tất cả các phương tiện tham gia lưu thông trên đường bộ. Được biết kế hoạch này được chia thành 2 đợt, bao gồm đợt 1 từ hôm nay 15/7/2019 đến hết ngày 29/7/2019 và đợt 2 sẽ từ ngày 30/7/2019 đến hết 14/8/2019.
Trong quá trình tổng kiểm soát, lực lượng CSGT sẽ tập trung phát hiện và xử lý nghiệm các lỗi vi phạm sau đây
1. Sử dụng rượu bia khi lái xe
– Đối với ô tô: Chỉ cần có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi lái xe là đã bị phạt, mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 18 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 06 tháng. Tùy theo lượng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà mức xử phạt khác nhau.
– Đối với xe máy: Khác với xe ô tô, khi lái xe máy, phải có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở mới bị phạt, mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 4 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 05 tháng. Tùy theo lượng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà mức xử phạt khác nhau.
Được biết, Luật phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 vừa mới được thông qua, theo đó, nghiêm cấm tất cả người lái xe sử dụng rượu bia, vì thế mà trong thời gian tới, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ phải sửa đổi, theo đó, sẽ xử phạt tất cả các trường hợp có sử dụng rượu bia thay vì loại trừ như với phương tiện xe máy hiện nay.
2. Sử dụng chất cấm trái phép khi lái xe
Đối với cả ô tô, xe máy: bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
3. Chạy quá tốc độ cho phép
Lưu ý, đây là mức xử phạt trong trường hợp chạy vượt quá tốc độ cho phép, tùy theo tốc độ vượt quá mà mức xử phạt khác nhau. Ví dụ: tốc độ cho phép trong đoạn đường đó là 40 km/h, bạn lái xe với tốc độ 60 km/h thì chắc chắn bị phạt.
– Đối với ô tô: mức phạt thấp nhất là 600.000 đồng và cao nhất là 8 triệu đồng khi vượt quá tốc độ cho phép từ 05 km/h trở lên.
– Đối với xe máy: mức phạt thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 4 triệu đồng khi vượt quá tốc độ cho phép từ 05 km/h trở lên.
4. Chạy xe không đúng phần đường, làn đường dành cho xe mình
– Đối với ô tô: mức phạt thấp nhất là 800.000 đồng và cao nhất là 1,2 triệu đồng
– Đối với xe máy: mức phạt thấp nhất là 300.000 đồng và cao nhất là 400.000 đồng
5. Vượt xe, dừng hoặc đậu xe không đúng quy định
– Đối với ô tô: mức phạt thấp nhất là 800.000 đồng và cao nhất là 1,2 triệu đồng
– Đối với xe máy: mức phạt thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là 1 triệu đồng
6. Chở quá số người được phép chở
– Đối với ô tô: mức phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng
– Đối với xe máy: mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng
7. Không đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy
Không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội nhưng đội không đúng quy định” hoặc chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm đều có thể bị phạt, mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu chở người đi bệnh viện cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi hoặc áp giải người phạm tội sẽ không áp dụng xử phạt theo quy định này.
Trong trường hợp vi phạm các lỗi nêu trên mà gây tai nạn giao thông sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 260 về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ, với mức án cao nhất lên đến 15 năm tù.
Các lỗi nghiêm trọng đối như sử dụng chất ma túy trái phép, vận chuyển chất cháy nổ và hàng nguy hiểm lẫn hàng gian, hàng giả… thì tùy từng vụ việc cụ thể mà CSGT sẽ tiến hành đình chỉ lưu hành hoặc tạm giữ xe và phối hợp với Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Công an phường, xã… để xử lý theo đúng thẩm quyền.
Việc tổng soát này được tiến hành tại các khu vực trọng điểm như khu vực sân bay, bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn và các khu vực phức tạp về trật tự xã hội.
Nên nhớ, việc CSGT tuýt còi kiểm tra không có nghĩa là bạn vi phạm
Đừng vội sợ hãi khi đang lái xe trong khoảng thời gian này (từ hôm nay 15/7/2019 đến hết 14/8/2019) mà bị CSGT tuýt còi. Họ chỉ thực hiệm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bạn mà thôi. Điều này cũng là phù hợp với các trường hợp được phép dừng xe theo quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BCA. Việc tổng kiểm tra các loại xe sẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các phương tiện khác khi tham gia giao thông.
Sau khi dừng xe, CSGT sẽ kiểm soát các loại giấy tờ xe, bao gồm giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3 (bạn hay gọi là bảo hiểm xe máy hoặc ô tô đấy) – là 3 loại giấy tờ bắt buộc phải mang theo khi lái xe để phát hiện các trường hợp giấy tờ giả, bị tẩy xóa hay không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp. Nếu không có lỗi vi phạm, CSGT sẽ trả lại giấy tờ đang kiểm soát và nói lời cám ơn về sự hợp tác trong kế hoạch tổng soát này của người lái xe.
Dùng camera để ghi hình những trường hợp chống đối
Các hành vi chống đối, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT sẽ được ghi hình thông qua camera để ghi nhận lại sự việc và chuyển giao cho cơ quan chức năng giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc chống đối, không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của CSGT có thể xem là một trong những tình tiết tăng nặng khi xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp nghiêm trọng, có thể sẽ bị xử lý hình sự với mức án cao nhất là 07 năm tù theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.