Trong đó, siêu tiêu cực là từ phông bạt. Ai nghĩ ra cách dùng từ đầu tiên này cũng là ông tổ hài hước. Từ này là ghép giữa "phông" và "bạt", có gốc từ lĩnh vực tổ chức sự kiện. Phông là màn nhung phía hậu sân khấu, bạt là tấm vải dùng để dựng rạp che nắng mưa. Nay phông gọi là backdrop cho sang mồm. Backdrop thường gọi là in bạt hiflex, thế nên nó vừa phông vừa bạt. Ban đầu, "phông bạt" chỉ khái quát nghề sự kiện cờ đèn kèn trống.
Tuy vậy, trong vài chục năm gần đây, "phông bạt" dần được dùng theo nghĩa bóng, mỉa mai người và việc phô trương vỏ hào nhoáng, ruột rỗng tuếch; vỏ cao đạo, ruột ngụy quân tử. Hiện tượng thùng rỗng kêu to, tốt mã rẻ cùi, hữu danh vô thực không hiếm.
Vũ Trọng Phụng đã khái quát một nhân vật điển hình phông bạt, hãnh tiến là Xuân Tóc Đỏ. Bắt đầu chỉ là một kẻ vô lại, bịp bợm với danh xưng đốc tờ Xuân, gã đã trà trộn vào giới “thượng lưu”, trở thành nhà cải cách xã hội, nhà cứu quốc, được mời vào Hội Khai trí…
Thời bao cấp cũng lại có những gã phông bạt luôn bằng cách nào đó tìm cách chụp ảnh kỷ niệm chung với lãnh đạo cao cấp rồi phóng to đóng khung trong nhà hoặc đưa vào album khoe “đẳng cấp”. Câu cửa miệng luôn mồm là: “À tớ vừa ngồi nhà cụ B… Cụ C vừa gọi đến ăn cơm với gia đình… Ảnh này vừa chụp với cụ A tháng trước…”. Kỳ thực các cụ chả nhớ gã là ai. Người tinh ý biết anh ta phông bạt nhưng... Thôi… chả dại dây dưa.
Thời mở cửa, thói phông bạt cũng lên ngôi và kịch tác gia Lưu Quang Vũ đã khái quát trong vở “Bệnh sĩ”. Câu chuyện về xã Cà Hạ quyết đổi tên thành xã Hùng Tâm cho hoành tráng. Họ lên kế hoạch sản xuất pháo nổ. Nổ càng to càng tốt. Theo họ quan trọng là cái tiếng. Họ yêu cầu bác hoạn lợn phải đổi thành nhà khoa học đứng đầu “trung tâm triệt sản gia súc”.
Ngày nay, GenZ cũng phông bạt chả kém. Nếu làm những nghề kém sang chảnh thì khi có ai hỏi đến, phải nói sao cho chảnh. Dễ thôi, nghề thợ nề thì giới thiệu là “Nhà chuyên môn hỗ trợ các xây dựng công trình lớn nhỏ trong tỉnh, thành phố”; nghề đồng nát sẽ là “hộ kinh doanh tự do trong chuỗi cung ứng vật liệu cho dây chuyền sản phẩm tái chế”; chạy bàn tại quán thì là “Đảm nhiệm vị trí mắt xích trong bộ phận chăm sóc khách hàng tại chỗ phát triển văn hóa ẩm thực”; xe ôm là “Người trực tiếp phụ trách công tác vận chuyển khách hàng có nhu cầu lưu thông từ điểm đón đến điểm đích”; bán vé số thì là “Nhà phân phối hệ thống giấy tờ hợp pháp do Nhà nước phát hành nhằm củng cố đời sống nhân dân và kiến thiết quốc gia”…
Ngày 13/9 vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đăng 12.000 trang sao kê các nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn do cơn bão Yagi gây ra. Việc tưởng không có gì lại gây địa chấn khi phát lộ ra một chùm chuyên gia phông bạt. Nhiều cư dân mạng đã “chếch VAR” thâu đêm với tinh thần Friedrich Engels rằng “Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”. Có người đăng lên mạng đã ủng hộ 20 triệu thì sao kê chỉ là 1 triệu. Có cá nhân thể hiện chuyển vài trăm triệu thì trong sao kê lại chỉ là 10.000 đồng. Chưa xét động cơ đã thấy đó là thông tin sai sự thật, dễ gây tiếng oan với đơn vị nhận tiền hỗ trợ. Bức xúc lan tỏa đến nỗi mà người ta cho rằng ngày 13/9 nên trở thành ngày chống phông bạt thường niên.
Dù gây bất bình trong dân nhưng xét kỹ thì đây chỉ là vết bẩn nhỏ trong bức tranh lớn tốt đẹp. Vẫn biết hậu quả cơn bão rất đau thương nhưng tinh thần thương người như thể thương thân của Việt Nam là một điểm sáng lan xa khỏi biên giới. Những video bộ đội, công an, cán bộ và những người dân căng mình vượt bão, nhường cơm sẻ áo khiến thế giới cảm động. Nhiều video cứu hộ, cứu trợ chiếm trọn trái tim bè bạn quốc tế. Trong đó có video ngay lập tức có tới 47 triệu lượt xem là những ô tô đi chậm chắn cuồng phong cho người đi xe máy qua cầu khiến bạn bè Mỹ, Anh, Ý, Nga, Trung Quốc, Nam Phi, Indonesia thán phục và đã bình luận, “làm tốt lắm các tài xế ô tô. Họ giúp người đi xe, không chỉ nghĩ đến bản thân mình”; “Tại sao tôi lại khóc? Cảm ơn Việt Nam đã cho thế giới thấy điều này”; “Tôi thực sự rất vui khi xem video này. Giờ mới có cơ hội biết trên hành tinh mình đang sống có rất nhiều trái tim ấm áp”; “Tại sao tôi cảm thấy tự hào mà tôi thậm chí đâu phải người Việt Nam”; “Người Việt thật ngọt ngào, đây là sức mạnh tạo nên con hổ châu Á của họ”; “Khi bạn đang chứng kiến lòng tốt của con người 2024, bạn sẽ khóc vì điều đó rất hiếm có”; “Châu Á thì vậy. Sẽ không bao giờ thấy điều này ở Phương Tây. Chúng ta là một xã hội tan vỡ đầy kiêu ngạo”; “Vô số sự thật đã chứng minh sự trỗi dậy của một dân tộc không phải nhắm vào ví tiền của những người yếu đuối, mà là bảo vệ nhân phẩm của họ”; “Người Việt Nam là những người đẹp nhất tôi từng biết. Họ đã chiếm trọn trái tim tôi”...
Điều tốt đẹp không cần thêm bớt đã làm rung động lòng người. “Thật thà là cha quỷ quái”, các cụ dạy chưa sai câu nào. Hỡi anh chị em phông bạt chưa bị lộ, hãy để cho từ này được trở về với đúng nghĩa gốc giản dị của nó. Hàng giả, hàng nhái đôi khi vẫn lưu hành nhưng đạo đức giả không bao giờ tồn tại được.