Ly hôn vì sau khi cưới, chồng "lật mặt" không bao giờ làm việc nhà

Đôi khi chuyện phân chia công việc nhà cũng là nguồn gốc của những trận cãi nhau liên tục, để rồi khi 1 trong 2 không thể chịu đựng nữa thì ly hôn như một lẽ tất yếu.

Ly hôn vì sau khi cưới, chồng "lật mặt" không bao giờ làm việc nhà - 1

Trước khi kết hôn, chồng của Tiểu Lệ từng nói rằng: "Cưới em về anh sẽ không để em phải làm việc nhà đâu". Thế nhưng, thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì anh ta nói, bây giờ mọi thứ từ A tới Z trong nhà đều một tay cô làm cả.

Trong vòng 6 năm, suy nghĩ của chồng Tiểu Lệ đã thay đổi, anh thản nhiên buông ra những lời nói quá đáng với vợ mình: "Tôi đi ra ngoài cả ngày kiếm tiền về nuôi cái gia đình này, còn cô ở nhà suốt ngày mà có mỗi việc nuôi con và dọn dẹp nhà cửa mà cũng làm không xong. Nếu cô không muốn làm việc nhà thì đừng có cưới tôi, hãy đi mà cưới một người đàn ông giàu đó để họ thuê osin về làm cho".

Lúc đầu, cô cảm thấy chồng không còn yêu mình nữa, nhưng sau đó cô nhận ra anh không có ý định ly hôn. Anh vẫn đi làm và về nhà đúng giờ, thỉnh thoảng có tặng hoa cho cô nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ đụng tay đụng chân vào việc dọn dẹp nhà cửa.

Cô không tiểu tại sao chồng mình lại thay đổi như vậy. Trước đây khi yêu nhau, anh sẵn sàng vào bếp nấu nướng, giặt giũ quần áo giúp cô. Thế nhưng khi kết hôn rồi, đến cái quần bẩn anh cũng chẳng thèm vứt vào máy giặt. Mỗi ngày trôi qua, cô cảm thấy chồng xem mình chẳng khác gì một người giữ trẻ và người giúp việc trong nhà. Mỗi khi nói chuyện với chồng về công việc nhà, anh đều nói với cô: "Việc nhà là việc của phụ nữ".

Thật ra, điều cô muốn nhất ở chồng không phải là anh vừa ra ngoài làm việc chăm chỉ, vừa phải phụ giúp cô làm hết việc nhà, mà là sự cảm thông và thấu hiểu việc cô phải ở nhà nội trợ.

Thế nhưng, chồng cô không hiểu điều đó, mỗi khi về đến nhà anh đều cắm mặt vào điện thoại. Dù có rảnh rỗi thì anh cũng không giúp cô làm bất kỳ chuyện gì. Khi cô bận nấu ăn và nhờ anh trông con hộ, lúc con khóc thì anh gọi cô hết lần này tới lần khác. Cuối cùng, cô vừa phải bế con vừa nấu ăn, còn anh thì ngồi đó chơi game.

Cô cảm thấy khó chịu kinh khủng, trong khi mình bận bịu chuẩn bị đồ ăn thì chồng lại rảnh rang ngồi chờ ăn. Thậm chí khi ăn xong, anh tót lên ghế ngồi cũng chẳng giúp cô dọn dẹp chén bát trên bàn.

Vì những điều này mà bao lần cô uất ức cãi nhau với chồng. Lần nào chồng cô cũng đều nói: "Tôi kiếm được tiền, mua thức ăn cho cả nhà, tặng hoa cho vợ, thế mà vợ cứ cãi chem chẻm. Cô đừng có suốt ngày bất mãn với chồng mình như vậy, có bao nhiêu người vợ phải vừa biết kiếm tiền vừa biết làm việc nhà. Thế còn cô thì sao, có mỗi việc nhà thôi mà suốt ngày than vãn".

Nghe chồng nói vậy, cô cảm thấy chẳng còn lý do gì để nói chuyện với anh nữa. Nhiều lần cô tự hỏi bản thân mình tại sao trước đây lại đồng ý cưới một người như vậy. Chỉ vài năm kết hôn, khi nhìn vào trong gương cô cảm thấy mình héo úa, hốc hác đi mỗi ngày. Cô ngày càng lạnh nhạt với chồng, cũng chẳng còn tâm trạng nấu ra những món ăn ngon.

Những vụn vặt trong khi sống chung với nhau, sự khác biệt trong tính cách dần dần giết chết đi tình yêu của 2 người. Hôn nhân khiến cô cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, không cảm nhận được sự chăm sóc, yêu thương từ chồng mình. Suốt 6 năm qua, chồng cô ngày càng trở nên quá đáng, anh cứ ỷ mình làm ra tiền mà thản nhiên không quan tâm đến cảm xúc của vợ mình. Anh mặc định rằng cô không thể nào dám ly hôn với anh.

Vào một ngày, nhìn đôi tất hôi thối chồng vứt chỏng chơ trên giường, cô nhiều lần mất bình tĩnh. Cô nhiều lần cảm thấy chán nản khi tối nào cũng phải giục chồng đi tắm. "Anh không quan tâm tới tôi và con thì ít nhất cũng tự biết chăm sóc bản thân mình chứ. Anh đã không phụ giúp thì thôi, đừng có bày biện tăng gánh nặng cho tôi nữa". Anh thản nhiên đáp lại: "Thế kết hôn để làm gì, có vợ để làm gì mà mấy chuyện này cô cũng đem ra nói thế".

Đến lúc này, cô không thể tiếp tục chịu đựng được nữa, cô bật lại: "Tôi cũng kiếm được tiền. Hãy nhớ rằng anh không phải là người duy nhất có thể kiếm được tiền. Tôi là vợ của anh chứ không phải là con ở trong cái nhà này. Anh tự hào mình có thể kiếm được tiền. Thế anh hãy nhìn những gì mà tôi đã làm suốt bao năm qua. Nếu tôi không ở nhà trông con, không nấu từng bữa ăn cho anh khi đi làm về, anh thử xem nếu thuê một người giúp việc kiêm bảo mẫu thì anh phải trả cho họ bao nhiêu tiền. Lúc nào cũng vậy, anh chẳng bao giờ thừa nhận công sức mà tôi đóng góp cho cái gia đình này. Tôi mệt mỏi quá rồi. Tôi muốn ly hôn".

Ngay khi nói xong những lời này, mặc cho chồng như chết trân tại chỗ, cô trở vào phòng thu dọn đồ đạc đưa con về nhà bố mẹ đẻ. Lúc này chồng cô vẫn còn ráng buông ra những câu nói rất khó chịu: "Một khi cô bước chân ra khỏi cái nhà này thì đừng mong trở về đây nữa. Để rồi tôi xem cô tự mình nuôi con như thế nào nếu không có tôi".

Khi về nhà bố mẹ đẻ, cô đã nói chuyện rõ ràng với gia đình và mong họ có thể giúp cô vượt qua thời điểm này. Không lâu sau đó, cô gửi con đi nhà trẻ, lên kế hoạch tìm việc và khởi kiện giành quyền nuôi con sau khi ly hôn. Cô biết rõ chồng mình sẽ không đồng ý chuyện ly hôn, anh ta sẽ không thể xoay sở được gì nếu không có vợ bên cạnh. Đến giờ phút này, anh ta vẫn có suy nghĩ rằng một người phụ nữ nội trợ suốt nhiều năm chắc chắn không thể tìm được việc nuôi con sau khi ly hôn.

Dù chưa biết tương lai như thế nào, nhưng cô vẫn tin rằng nếu mình thực sự cố gắng thì dù không có chồng bên cạnh vẫn có thể sống tốt. Nếu một cuộc hôn nhân chỉ đem lại nước mắt và sự khổ đau, tốt nhất nên buông tay nhau để sống thoải mái cuộc đời còn lại.