Đây là kết quả của một nghiên cứu mới do tổ chức Common Sense Media – tổ chức chuyên đánh giá và xếp hạng các phương tiện truyền thông và công nghệ thực hiện.
Theo nghiên cứu của tổ chức Common Sense Media, thiếu niên Mỹ ngày càng tìm đến AI để được tư vấn, hỗ trợ về mặt cảm xúc và ra quyết định.
Anh Ganesh Nair - 18 tuổi, người dùng AI cho biết: "Ví dụ, tôi đã sử dụng nhân vật AI. Tôi thấy hứng thú vì có thể mô phỏng các nhân vật lịch sử, tác giả nổi tiếng, nhân vật trong các chương trình truyền hình, phim ảnh hoặc bất cứ thứ gì. Bạn có thể đưa nhân vật AI vào phòng và xem họ nói chuyện như thế nào, hoặc bạn có thể nói chuyện với họ. Tôi đã chơi với nhân vật AI khá nhiều".
Các chuyên gia cảnh báo, xu hướng chơi với AI này có thể gây hại cho các kỹ năng xã hội và sức khỏe tâm thần, vì thiếu niên sẽ dựa vào AI để được công nhận giá trị của mình và tránh những thách thức trong thế giới thực. Tác giả của nghiên cứu cảnh báo: "Nếu AI luôn chiều theo cảm xúc của giới trẻ, không thử thách trẻ, không phản hồi như con người thật thì trẻ không học được cách ứng xử xã hội".
Đáng lo nữa là các rủi ro về nội dung độc hại, thiếu kiểm soát phù hợp độ tuổi và lời khuyên sai lệch, đặc biệt với những nền tảng AI không được kiểm duyệt chặt chẽ.
Ông Michael Robb - Trưởng nhóm nghiên cứu, tổ chức Common Sense Media chia sẻ: "Việc sử dụng bạn đồng hành AI có thể tạo ra sự gắn bó về mặt cảm xúc dẫn đến sự phụ thuộc. Tôi nghĩ điều đó đang là vấn đề đối với những đứa trẻ vẫn còn đang học cách phân biệt giữa một mối quan hệ đích thực và một mối quan hệ giả tạo".
Tổ chức Common Sense Media cũng nhận thấy, gần 1/3 thiếu niên Mỹ cho rằng các cuộc trò chuyện với AI cũng mang lại sự thỏa mãn như với người thật. Và 1/3 số người dùng bạn đồng hành AI ở độ tuổi thiếu niên thích dùng AI cho những cuộc trò chuyện nghiêm túc hơn là con người.
Ông Michael Robb - Trưởng nhóm nghiên cứu, tổ chức Common Sense Media nêu ý kiến: "Chúng tôi biết rằng rất nhiều trẻ em đang sử dụng AI thay thế cho tương tác xã hội. Chúng tôi thấy rằng một phần ba số người dùng bạn đồng hành AI cho biết đã nói chuyện với AI thay vì với một người thật".

Nghiên cứu định nghĩa bạn đồng hành AI là các nền tảng được thiết kế để hoạt động như những "người bạn kỹ thuật số", chẳng hạn như các nền tàng Character. AI hoặc Replika, có thể được tùy chỉnh để có các đặc điểm hoặc tính cách cụ thể và có thể hỗ trợ người dùng về mặt cảm xúc, thiết lập tình bạn và các cuộc trò chuyện có thể mang lại cảm giác như với con người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết các trang web phổ biến như ChatGPT và Claude, chủ yếu trả lời các câu hỏi, nhưng cũng đang được thiếu niên Mỹ sử dụng như bạn đồng hành.
Khi công nghệ ngày càng trở nên tinh vi, kể cả các thiếu niên và các chuyên gia đều cùng lo ngại về khả năng AI định nghĩa lại các mối quan hệ giữa con người và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng cô đơn và các vấn đề sức khỏe tâm thần của giới trẻ.
Anh Ganesh Nair - 18 tuổi, người dùng AI cho biết: "Khi tương tác với AI, bạn luôn là người thú vị. Bạn luôn đúng. Bạn luôn có lý và có giá trị về mặt cảm xúc. Bạn không bao giờ phải lo lắng về việc mình sai hay thậm chí những gì bạn nói có đúng hay không, bởi vì các nền tảng AI gần như tấm gương phản chiếu. Chúng lặp lại chính xác những gì bạn muốn nghe, điều này khiến chúng khá hấp dẫn nhưng cũng có thể khá nguy hiểm nếu bị lạm dụng".
Các nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục lo ngại về những tổn thất đối với nhận thức của những người trẻ tuổi phụ thuộc nhiều vào AI, đặc biệt là trong khả năng sáng tạo và tư duy phản biện. Những nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ em hình thành mối quan hệ với chatbot đã thu hút sự chú ý vào năm ngoái, khi một cậu bé 14 tuổi ở bang Florida tự tử sau khi nảy sinh tình cảm gắn bó với một chatbot AI.