Chiếc phong bì cưới đã là hình ảnh quá quen thuộc trong mỗi đám hỉ. Căn cứ vào khả năng tài chính, mối quan hệ và quy mô tổ chức đám cưới, mỗi người sẽ bỏ một số tiền nhất định vào phong bì đến chúc mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể. Chiếc phong bì lúc này giúp cho món quà mừng cưới trở nên tế nhị và ý nghĩa hơn.
Thế nhưng, tại một số vùng quê, chiếc phong bì hầu hư không có tác dụng trong đám cưới. Khách đến ngày vui đưa thẳng tiền mừng cho gia đình cô dâu – chú rể, gia chủ cũng cử người đứng ra thu tiền và ghi sổ cẩn thận. Một clip ngắn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Tiktok vào ngày 1/12 mới đây, đã ghi lại màn mừng cưới thú vị này.
Theo đó, tại đám cưới, các khách mời thay vì để tiền mừng cưới vào phong bì, sau đó trao tay cho cô dâu, chú rể, người thân hoặc bỏ vào thùng mừng cưới, thì lại cầm tiền xếp hàng quanh bàn dựng trước rạp, trực tiếp đưa tiền mừng cho một cô gái. Cô gái vừa nhận tiền, vừa nhanh tay ghi chép danh tính khách mời cũng như số tiền họ mừng cưới vào sổ.
Đại diện chủ nhà vừa nhận tiền mừng vừa ghi sổ
Quan khách xếp hàng mừng cưới
Clip thú vị này được quay bởi Nguyễn Linh (sinh năm 2000, quê Hà Nam). Chia sẻ trên mạng xã hội Tiktok, cô gái Hà Nam bất ngờ khi clip thu hút hơn 700.000 lượt xem.
Nguyễn Linh cho hay, clip mừng cưới thú vị được cô quay nhân dịp đến dự đám cưới người thân tại xã Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Khi thấy khách khứa đến đám cưới không ai bỏ phong bì mà trực tiếp đưa tiền cho gia chủ, cô thấy lạ nên quay lại.
“Mình nghe đứa em ở đây kể là, khách khứa quanh làng không ai bỏ tiền vào phong bì mà thường đưa trực tiếp. Chủ nhà cử người ra ghi sổ cẩn thận để sau đám cưới vừa không phải bóc phong bì, vừa không phải ghi sổ nữa. Riêng bạn bè cô dâu, chú rể thì vẫn bỏ phong bì mừng cưới bình thường”, Linh chia sẻ.
Bản thân Nguyễn Linh cho rằng, phong tục mừng cưới này vừa có cái hay vừa có cái bất tiện. “Hay vì chủ nhà đỡ phải bóc phong bì rồi ghi sổ, bất tiện là mừng cưới kiểu này không được tế nhị cho lắm”, Linh nói.
Một số dân mạng sau khi xem clip cũng có nhận xét tương tự Nguyễn Linh. Được biết, phong tục mừng cưới này còn xuất hiện ở nhiều địa phương tại Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, Nam Định…