Neerja Bhanot đang làm tiếp viên hàng không cấp cao cho Pan American World Airways khi bi kịch xảy ra vào sáng ngày 5 tháng 9 năm 1986.
Như thường lệ, chuyến bay 73 của hãng hàng không Mỹ Pan Am (Pan American World Airways), dừng nghỉ ở Pakistan, đã bị 4 kẻ khủng bố người Palestine có vũ trang tấn công. Mặc dù gần như tất cả mọi người đều rơi vào hoảng loạn vì sợ hãi, nữ tiếp viên trẻ Neerja Bhanot đã không lãng phí thời gian để cố gắng xoa dịu tình hình.
Neerja Bhanot từng là một người mẫu trước khi trở thành tiếp viên anh hùng trên chuyến bay Pan Am 73.
Dù lúc đó cô mới 22 tuổi nhưng sự nhanh trí của Bhanot đã cứu các phi công và hàng trăm người khác thoát khỏi thử thách nguy hiểm kéo dài 17 giờ. Cô đã bị bắn chết khi đang bảo vệ 3 đứa trẻ khỏi làn đạn vô cảm của những tên khủng bố. Giờ đây, và cả mai này, người ta vẫn nhắc đến tên Bhanot như một vị nữ anh hùng thông minh, dũng cảm trên chuyến bay tử thần năm ấy.
Neerja Bhanot là ai?
Sinh ngày 7 tháng 9 năm 1963 tại Chandigarh, Ấn Độ, Bhanot chuyển đến sống ở Mumbai khi bước sang tuổi niên thiếu. Bhanot vừa đăng ký học tại trường Cao đẳng St. Xavier thì một nhiếp ảnh gia nhìn thấy cô trong khuôn viên trường và cuộc gặp gỡ tình cờ ấy giúp cô bén duyên với nghề người mẫu. Cô làm đại diện hình ảnh cho các cửa hàng như Paville và các sản phẩm như Vaporex.
Neerja Bhanot cùng các thành viên phi hành đoàn của hãng Pan American World Airways.
Khi đến tuổi trưởng thành, theo phong tục địa phương, Bhanot đồng ý kết hôn theo một cuộc hôn nhân sắp đặt mà bố mẹ định đoạt. Cô làm đám cưới với một người đàn ông đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào tháng 3 năm 1985. Nhưng cuộc hôn nhân không tình yêu ấy chẳng kéo dài được bao lâu sau khi Bhanot bị chồng bạo hành bằng việc đe dọa, mạt sát, bỏ đói... Vượt lên định kiến, cô ly dị anh ta sau 2 tháng và quyết định trở thành tiếp viên hàng không.
Với tư thế đĩnh đạc được đào tạo và "vốn trời cho" là nhan sắc và thân hình cao ráo, Neerja Bhanot đã được chọn trong số 10.000 ứng viên để trở thành tân tiếp viên hàng không của Pan American World Airways.
Ngày ấy, Bhanot thường có một giấc mơ kỳ lạ, trong đó cô đóng vai là người quyết định. Trong một lần trò chuyện với mẹ, Bhanot hỏi mẹ nên làm thế nào trong trường hợp máy bay gặp không tặc. Câu trả lời cô nhận được lập tức là: "Nếu có chuyện như thế xảy ra, chạy trốn ngay khi có thể".
Nhưng Bhanot lại đáp: "Mẹ, nếu tất cả các bà mẹ đều nghĩ giống mẹ thì chuyện gì sẽ xảy ra với đất nước này? Con thà chết chứ không chạy".
Nào ngờ, tình huống tưởng tượng ấy lại thành sự thật vào ngày 5/9/1986, khi chuyến bay Pan Am Flight 73 bị không tặc tấn công trong lúc dừng nghỉ ở Karachi, Pakistan.
Chuyến bay tử thần
Thời điểm Bhanot mới bước chân vào ngành hàng không, tổ chức khủng bố Abu Nadal của Palestine ngày càng trở nên thù địch với Israel và các đồng minh của họ, đặc biệt là Mỹ vì đã hỗ trợ bỏ tù những người nổi dậy Palestine.
Một chiếc máy bay của Pan Am.
Chỉ một năm sau khi Bhanot được làm tiếp viên hàng không, tổ chức khủng bố này đã thực hiện âm mưu cướp chuyến bay 73 của Pan Am, chuyến bay mà chúng dự định chuyển hướng đến Cộng hòa Síp và sau đó là Israel để giải thoát các tù nhân Palestine.
Vào ngày 5/9 định mệnh ấy, Bhanot được giao nhiệm vụ trên chuyến bay Pan Am Flight 73 từ Mumbai tới New York. Điểm dừng nghỉ tiếp nhiên liệu là Pakistan.
Khi máy bay chuẩn bị khởi hành từ Karachi, Pakistan, khoảng 6h sáng, Bhanot và các hành khách bị giật mình với một âm thanh lớn như tiếng súng nổ.
4 tên khủng bố băng qua đường băng Sân bay Karachi trên một chiếc xe tải có còi hú và ăn mặc như an ninh sân bay. Khi chúng lên máy bay, Bhanot hét mã “không tặc” qua hệ thống liên lạc nội bộ trong khi tiếp viên hàng không Sherene Pavan ngay lập tức bấm mã.
Chân dung những tên khủng bố.
Điều này giúp các quản lý sân bay nhận biết sự việc nhanh chóng và giữ cho máy bay không cất cánh. Phi công ngồi ở buồng lái cũng lập tức nhận được tín hiệu và lén rời đi. Khi một trong những tên không tặc mở cửa buồng lái, hắn ngỡ ngàng nhận ra buồng lái trống rỗng.
Đại diện chi nhánh của Pan American World Airways ở Karachi, ông Viraf Doroga, xuất hiện trên đường băng và đàm phán với những tên khủng bố sẽ dẫn đến phi công khác trong vòng 1 giờ. Khi không thấy có phi công nào đến, bọn không tặc bắt đầu nhắm vào những người Mỹ có mặt trên chuyến bay.
Chúng đưa Rajesh Kumar, 29 tuổi, người Mỹ, đến một trong các cửa của máy bay. Và trước sự chứng kiến của các nhà chức trách, chúng thẳng tay bắn vào đầu anh rồi vứt xác xuống đường băng. 4 giờ sau, chúng yêu cầu các thành viên phi hành đoàn thu gom hộ chiếu của mọi hành khách.
Bhanot hiểu được vấn đề rằng bọn khủng bố chỉ nhắm vào những người Mỹ. Vì vậy, cô lén giấu đi tất cả các hộ chiếu Mỹ và ra tín hiệu cho các đồng nghiệp của mình làm theo. Họ vứt vào thùng rác hoặc giấu trong nhà vệ sinh.
Bhanot mạnh dạn tuyên bố không có người Mỹ nào trên máy bay. Cô còn cẩn thận chăm sóc hành khách bằng cách phục vụ bánh mì và đồ uống để giúp họ giữ bình tĩnh.
Cuối cùng, sau 17 giờ chìm trong căng thẳng, nguồn điện trên máy bay đột ngột bị cắt. Không kích hoạt được đai thuốc nổ, nhóm khủng bố nổi điên liên tục nã đạn vào khu vực lối đi. Neerja Bhanot vội vàng mở một trong những lối thoát hiểm của máy bay và giúp hành khách xuống bằng cầu trượt. Cô bị bắn chết khi cố gắng che chắn cho 3 đứa trẻ khỏi làn đạn.
Hành khách bị thương được sơ tán đến bệnh viện quân đội Mỹ ở Đức.
Theo lời kể của một người sống sót, Bhanot không chỉ vô tình trúng đạn, cô rõ ràng đã bị giết chết một cách cố ý. Khi một trong những tên không tặc nhận ra rằng Bhanot đang bảo vệ hành khách, hắn đã túm tóc đuôi ngựa của Bhanot một cách tàn nhẫn và bắn vào đầu cô.
Mãi mãi không quên
Sau vụ không tặc, những kẻ khủng bố đều bị bắt và buộc tội ở Pakistan. Một trong những tên không tặc đã bị cầm tù ở Mỹ, trong khi những tên còn lại được giao cho các quan chức Palestine.
2 ngày trước sinh nhật lần thứ 23, Bhanot trở thành một trong 20 người thiệt mạng trong chuyến bay định mệnh hôm đó. Ngoài ra, hơn 100 trong số 360 hành khách bị thương.
Bhanot đã trở thành một anh hùng được các nhà chức trách Ấn Độ truy tặng và được trao giải thưởng cao quý nhất trong thời bình vì sự dũng cảm của cô. Bhanot được chính phủ Ấn Độ trao tặng huân chương anh hùng Ashok Chakra – Huân chương cấp cao nhất để ghi danh những anh hùng chiến đấu bảo vệ hòa bình của Ấn Độ. Bhanot là người phụ nữ đầu tiên nhận được huy chương này. Mỹ và Pakistan cũng trao tặng cho Bhanot những huy chương danh dự khác.
Mẹ của Neerja thay mặt con gái nhận huân chương Ashok Chakra.
Năm 2004, Bưu điện Ấn Độ đã phát hành một con tem tưởng nhớ cô. Năm 2016, một bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời của Bhanot, do nữ diễn viên Bollywood Sonam Kapoor, đóng vai chính, đã ra mắt khán giả khắp thế giới.
Đối với những người trên máy bay ngày hôm đó, hành động anh hùng của Bhanot đã mang lại cho họ cuộc sống mới, và một trong những đứa trẻ được cô cứu sau này đã trở thành phi công.
Cho đến tận bây giờ, câu chuyện về sự hy sinh cao cả của nữ tiếp viên hàng không trẻ vẫn khiến nhiều người xúc động.
Nguồn: All That's Interesting