Các nhà điều tra tin rằng trong quãng thời gian từ 1955-2009, Jimmy Savile đã lạm dụng tình dục hàng trăm người, ở đủ mọi độ tuổi, giới tính. Con số này có thể lên đến hơn 1000 người, dựa vào những nạn nhân đã lên tiếng, những tố cáo nặc danh và cả phỏng đoán từ lời kể của các nhân chứng gián tiếp. Khoảng 80% nạn nhân là nữ giới, cũng khoảng 80% nạn nhân bị hại khi ở độ tuổi vị thành niên hoặc trẻ em, nhiều người là bệnh nhân trong các bệnh viện.
Vào năm 2014, tờ Guardian đưa tin báo cáo một cuộc điều tra độc lập của Bệnh viện đa khoa thành phố Leeds, nơi Savile làm tình nguyện một thời gian dài. Theo đó, chỉ riêng tại đây, số nạn nhân đã lên tới 60 người, trong đó có 33 người là bệnh nhân, gồm 19 trẻ em và 14 người trưởng thành trong độ tuổi từ 5-75 tuổi.
Dame Janet Smith, một cựu thẩm phán tòa dân sự Anh đã thực hiện cuộc điều tra cho phép nạn nhân giữ kín danh tính. Bà cho biết số nạn nhân thực sự có thể không bao giờ được tiết lộ, có điều những hành vi tội ác của Savile chắc chắn đã bị các quan chức BBC phát giác, nhưng không có bất cứ hành động nào tố cáo hay ngăn cản. The Observer (tuần báo Chủ nhật tại Anh) dẫn lời một nguồn tin thân cận cho hay, dựa vào cuộc điều tra trên, có thể có tới hơn 1000 nạn nhân.
Jimmy Savile là người dẫn chương trình tài năng và lập dị nổi tiếng nhất của đài BBC (Anh) giai đoạn thập niên 60s đến 90s thế kỷ trước. Savile nhận tước hiệp sĩ năm 1990 cho những đóng góp to lớn cho xã hội, cụ thể là việc quyên góp gây quỹ cho trẻ em. Suốt cuộc đời mình, Savile đã gây quỹ được 45 triệu bảng (bao gồm 5 triệu bảng ông ta để lại trước khi qua đời), tham gia nhiều công việc thiện nguyện, thường xuyên đến thăm các trường học, bệnh viện… Ông được mô tả là một người hào hiệp, khéo léo trong giao tiếp, có sức quyến rũ mê hoặc đối với tất cả mọi lứa tuổi, tầng lớp. Ông quen biết hầu hết những người nổi tiếng, điển hình là The Beatles và thậm chí cả thái tử Charles, công nương Diana. Sự ra đi năm 2011 của Savile đã để lại sự thương tiếc của cả nước Anh, thái tử Charles cũng đến dự đám tang.
Tuy nhiên chỉ sau đó ít lâu, những bí mật bị che giấu bấy lâu bắt đầu nổi lên, biến thành cơn ác mộng và nỗi hổ thẹn lớn nhất mà truyền thông nước này phải đối mặt.
Jimmy Savile bắt đầu sự nghiệp với vai trò người dẫn chương trình radio ở độ tuổi ngoài 30. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã chủ trì 6 chương trình radio khác nhau, trong đó có chương trình thu hút tới hơn sáu triệu thính giả. Tên tuổi Savile được cả nước biết đến khi bắt đầu xuất hiện trên các chương trình truyền hình của đài BBC, nổi tiếng nhất trong số đó là Top of the Pops, một chương trình ca nhạc giới thiệu các bài hát nổi tiếng mỗi tuần.
Trong phim tài liệu vừa lên sóng Netflix nói về tội ác của Jimmy Savile, một nhân chứng kể lại rằng Top of the Pops là giấc mơ của mọi thanh thiếu niên thời đó. Bất cứ ai cũng muốn được xuất hiện như khán giả trên trường quay của chương trình. Và đặc biệt, rất nhiều người đã gửi yêu cầu được đến chương trình khi Jimmy Savile ở đó.
Đây cũng là thời kỳ bùng nổ cho tội ác của Savile khi ông ta dễ dàng tiếp cận các nạn nhân trẻ tuổi. Báo cáo của cảnh sát chỉ ra rằng, Savile đã lợi dụng sự tín nhiệm của các nạn nhân để thực hiện hành vi đồi bại. Ông ta thường dụ dỗ các thanh thiếu niên vào phòng thay đồ, xe riêng, các căn phòng trống trong đài BBC, phòng bệnh… Với lời hứa hẹn sẽ cho họ và bạn bè xuất hiện trên các chương trình truyền hình, Jimmy Savile dễ dàng khiến nạn nhân ngây thơ rơi vào bẫy.
Ông ta cũng đã nhiều lần sử dụng bạo lực để ép buộc, nhưng do sợ hãi trước quyền lực của Savile, không một nạn nhân nào dám hé lộ với nhà chức trách sau khi bị tấn công. Một trong những vụ gây phẫn nộ nhất diễn ra vào năm 1960. Theo cảnh sát, một cậu bé 10 tuổi đã đến xin chữ ký Savile. Ông ta được cho là đã “đưa cậu bé vào trong một phòng trống và có những hành vi xâm hại rất nghiêm trọng.”
Theo NSPCC (Tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em ở Anh), nạn nhân nhỏ tuổi nhất của Savile chỉ mới 2 tuổi.
Những cống hiến thông qua việc gây quỹ, tài năng và sự hóm hỉnh trên các chương trình truyền hình đã tạo nên uy tín khổng lồ cho Savile, khiến ông trở thành một cái tên không thể xâm phạm. Tước hiệp sĩ từ hoàng gia Anh và nhiều danh hiệu khác càng củng cố “quyền lực mềm” tuyệt đối của Savile. Người dân, truyền thông, các nhà chức trách đều yêu mến ông ta.
Từ 2007-2009, có ít nhất 4 phụ nữ cố gắng tố cáo tội ác của Savile nhưng bị ông phủ nhận mọi cáo buộc. Công tố viên khép lại vụ án chỉ sau 4 tuần gọi Savile ra đối chất. Không ai dám lên tiếng thêm cho đến khi ông qua đời vì bệnh viêm phổi năm 2011, khiến công chúng hoàn toàn tin rằng MC yêu thích của mình thực sự vô tội.
Năm 2011, một nạn nhân là Karin Ward đã viết về hành vi lạm dụng của Savile trên Friends reunited, một trang web mở dành cho mọi người chia sẻ câu chuyện của mình. Cô từng xuất hiện trên một chương trình TV vào những năm 1970 do Savile chủ trì. Lẽ ra câu chuyện này đã được công bố, nhưng giám đốc điều hành BBC đã yêu cầu đạo diễn không phát sóng nó, theo lời kể của cựu phóng viên BBC Meirion Jones.
Công chúng vẫn không thể tưởng tượng nổi tại sao Jimmy Savile có thể thực hiện hàng trăm vụ lạm dụng tình dục trong suốt hàng chục năm mà không bị phanh phui. Mặt tối đáng sợ phía sau hình tượng người nổi tiếng được cả nước yêu quý khiến tất cả phải đặt câu hỏi: Những ai đã bao che dung túng cho tội ác khủng khiếp này?
Phim tài liệu Jimmy Savile: Câu chuyện kinh dị Anh quốc (Jimmy Savile: A Bristish horror story) của Netflix (2022) một lần nữa khơi lại những câu hỏi chưa có lời giải đáp cuối cùng.