Rùng mình những vụ cha dượng bạo hành con vợ
Mới đây, sự việc cha dượng ở thị xã Tràng Bảng (Tây Ninh) dí tay bé gái 4 tuổi vào bô xe khiến bé bị bỏng nhiều chỗ gây xôn xao dư luận. Sự việc chỉ được phát hiện sau khi bé bị sốt và được mẹ đưa đến Trung tâm Y tế điều trị. Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra cho thấy, trong khoảng thời gian chung sống, cha dượng đã nhiều lần chửi bới, đánh đập con riêng của vợ khi người vợ đi làm.
Còn nhớ, dư luận đã vô cùng bức xúc trước sự việc cha dượng hành hung con vợ đến chết ở Bình Phước. Chỉ vì cháu bé không chịu ăn, người cha dượng đã đấm mạnh vào ngực và đá vào hông khiến cháu bé ngã xuống bất tỉnh. Khi đưa đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ cho biết cháu đã tử vong trước đó.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, việc mẹ kế, cha dượng đánh con riêng vẫn tồn tại từ lâu nay. Chính bởi quan niệm về con riêng, con đẻ, do hiểu biết pháp luật còn yếu và quan trọng hơn cả là thiếu kỹ năng làm vợ, làm chồng mà trong các gia đình có thêm cha dượng hay dì ghẻ luôn phức tạp.
Những người cha dượng, mẹ kế này luôn có nhìn nhận rằng đứa con riêng đó là hiện thân của người vợ/người chồng của đối phương khi đã ly hôn. Không phải giọt máu cha dượng hay dì ghẻ sinh ra nên dễ chịu cảnh "ngứa mắt".
Nói vậy không có nghĩa xã hội này người cha dượng nào, dì ghẻ nào cũng ghét con riêng của người kia. Cũng có rất nhiều những người cha dượng, mẹ kế yêu thương con riêng của vợ/chồng. Nhưng sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người lớn, thiếu kĩ năng sống trong xã hội hiện đại khiến con người ta không kiểm soát được bản thân.
Hiện nay, một số người có thói quen sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Những áp lực của đời sống, đứa con riêng của chồng/vợ sẽ là nơi để họ giải tỏa vì sự thù ghét. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều những vụ bạo hành con riêng dã man.
Đau lòng hơn cả, có rất nhiều trường hợp, chính cha ruột, mẹ đẻ không có tiếng nói và thậm chí cùng tham gia bạo hành con ruột của mình. Đôi khi họ muốn thể hiện sự tin cậy của mình với "người mới" bằng cách trút sự hằn học đó lên người của đứa con. Và như nói ở trên, đứa con giống như hiện thân của "người cũ" nếu trong mối quan hệ với người đã li dị mà sự bực tức, hận thù sau ly hôn chưa được giải quyết hết càng khiến họ dồn nén tất cả vào đứa trẻ.
Bình tĩnh tìm hiểu thật kỹ lưỡng
Theo các chuyên gia tâm lý, kết thúc một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, đi bước nữa là nhu cầu chính đáng của những người "đứt gánh giữa đường". Với những người làm mẹ đơn thân sau ly hôn, khi đi thêm bước nữa cần phải không ảnh hưởng đến con cái, cuộc sống gia đình sau này.
Dù là ai, người lớn hay trẻ nhỏ, khi bị bạo hành sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy. Những sang chấn tâm lý, đời sống, nhất là với những đứa trẻ càng dễ gặp. Trẻ có thể trở nên lì lợm với các mối quan hệ xã hội, ứng xử với chính bố mẹ dượng/kế dẫn tới chống đối. Nhiều đứa trẻ trở nên "bất trị", có hành vi vi phạm pháp luật bởi điều này như trả thù lại người lớn.
Có những đứa trẻ sống trong một gia đình có cha dượng, mẹ kế không chỉ đối diện với việc bị bạo hành mà còn bị xâm hại. Báo chí đã từng đưa rất nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại đau lòng từ chính người cha dượng. Thật xót xa cho số phận của những đứa trẻ bất hạnh phải sống trong một mái ấm không trọn vẹn.
Để khắc phục vấn nạn xảy ra trong gia đình mới, trước tiên trong mối quan hệ mới, người mẹ cần cân nhắc và tránh việc đốt cháy giai đoạn. Đôi khi những lời bàn tán xung quanh làm mẹ chao lòng "đừng kén chọn nữa", nhưng hãy bình tĩnh tìm hiểu đối phương cho thật kỹ lưỡng.
Khi về sống với "người mới", cần có những quy định thống nhất với nhau trong việc nuôi dạy con cái, cũng như những kế hoạch dành cho con. Việc ngồi lại với nhau nói chuyện, chia sẻ thẳng thắn là điều cần thiết để các thành viên trong ngôi nhà mới hiểu nhau hơn. Điều này đòi hỏi cả hai người trong cuộc phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những người trải qua hôn nhân bình thường.
Ở một khía cạnh khác, bà mẹ đơn thân khi muốn đi bước nữa cần "phòng từ xa" các nguy cơ để con mình không rơi vào bi kịch. Có biện pháp can thiệp sớm, cách ly trẻ xa các đối tượng có nguy cơ cao như người say rượu, chất kích thích… Khi phát hiện hành vi bạo lực với trẻ em cần khuyên can kịp thời, nếu vượt quá khả năng hãy báo ngay cho cơ quan hữu trách can thiệp sớm để tránh hậu quả đáng tiếc. Những người làm cha, làm mẹ ruột cũng nên hướng dẫn trẻ gặp phải trường hợp như vậy cần tránh đi đâu, báo cho ai.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, có không ít những vụ bạo hành con riêng mà chính những người thân sinh không hề hay biết. Cũng có những trường hợp biết nhưng vẫn để im. Khi người trong cuộc không nói khó can thiệp được kịp thời. Sự im lặng trong các gia đình có bạo lực trên thực tế chẳng bao giờ có kết quả tốt đẹp. Pháp luật chúng ta có nhưng sẽ chỉ lên tiếng khi có sự việc xảy ra, điều quan trọng vẫn nằm ở ý thức đạo đức và tình yêu thương của mỗi người.
Hơn nữa, việc chọn bạn đời mới đừng chỉ đặt tình cảm của mình lên trên hết mà hãy nghĩ đến con nếu có "rổ giá cạp lại" để tìm hiểu thật kĩ người làm cha/mẹ mới của con. Quan trọng vẫn là cha mẹ dù có sau ly hôn vẫn cần phải có trách nhiệm với con cái.