Mẹ đưa con trai đến đồn cảnh sát tự thú, ai nấy giật mình rồi bật cười khi biết nguyên nhân

Nhiều người dành lời khen cho cách dạy con của bà mẹ, dù vậy cảnh sát cũng nhắc nhở một việc mà phụ huynh nào cũng nên lưu tâm.

Sự việc “dở khóc dở cười” xảy ra tại một đồn cảnh sát ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Cụ thể, gần 23h hôm 11/8 vừa qua, một bé trai khoảng 5 tuổi mặc quần áo thể thao cùng mẹ đi tới đồn cảnh sát. Cậu bé lúc đó trông vô cùng hoang mang, mồ hôi túa ra như tắm.

Cảnh sát ban đầu tưởng rằng cậu bé đi lạc nên mới được đưa đến đồn. Chẳng ngờ, bé trai 5 tuổi này lại bị mẹ đưa đến đồn cảnh sát đề “tự thú” về hành động nghịch ngợm trước đó.

Cậu bé sợ tái xanh mặt, hai tay chắp sau lưng, gần như bật khóc khi cảnh sát hỏi nguyên nhân bị mẹ đưa đến đồn cảnh sát. "Cháu đã cào trầy xe của người khác", cậu bé lí nhí trả lời.

Nghe cậu bé nói vậy, anh cảnh sát nghiêm mặt nói tiếp: “Bây giờ cháu khai thật đi. Băng nhóm của cháu có bao nhiều người. Nói thật thì sẽ được giảm hình phạt”.

Bé trai nhỏ giọng bảo đó là lần đầu tiên phạm lỗi và chỉ làm một mình. Cảnh sát lập tức nói vì là lần đầu nên cậu bé sẽ được tha thứ nhưng nếu tái phạm thì hình phạt chắc chắn không nhẹ.

Cậu bé sau đó được yêu cầu giao tiền lì xì cho mẹ coi như tiền đền bù. Vừa nghe xong, bé trai bối rối đưa hai tay vào túi, lộn ngược túi quần ra rồi cho biết: “Năm mới cháu không có tiền lì xì”.

Cảnh sát không khỏi bật cười khi thấy phản ứng của cậu bé. Anh nói: "Nếu vậy từ giờ cháu phải giúp mẹ rửa bát. Mỗi chiếc bát rửa sạch được 50 xu. Rửa đến khi nào đủ 4.000 tệ thì mới đủ".

Đoạn video ghi lại toàn bộ cảnh “tự thú” của bé trai tại đồn cảnh sát sau đó đã được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng, nhận về tới hơn 1,5 triệu lượt thích. Đa số mọi người đều tán thưởng cách làm của người mẹ, thẳng tay dạy dỗ để con nhận ra sai lầm thay vì bênh vực và bao che một cách mù quáng.

Những đứa trẻ ngỗ nghịch cần có sự giáo dục cứng rắn và biện pháp kỷ luật nghiêm khắc ngay từ đầu. Điều quan trọng nhất cha mẹ cần làm được khi giáo dục con cái là giúp trẻ phân biệt đúng sai, biết việc gì nên làm và không nên làm. Những đứa trẻ biết được giới hạn, có tính tự giác kỷ luật thì mới không dễ phạm sai lầm khi trưởng thành.

Trong khi đó, cảnh sát đề nghị người mẹ không nên tiếp tục mang cảnh sát ra để dọa con. Nếu mang tâm lý sợ hãi cảnh sát, trẻ sẽ lo sợ và không dám tìm đến cảnh sát nhờ giúp đỡ khi gặp khó khăn hoặc rơi vào tình huống nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tránh những sai lầm dưới đây khi dạy con:

Chê bai con quá nhiều

Trẻ con là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Việc thường xuyên bị cha mẹ chê bai, chỉ trích sẽ khiến bé trở nên tự ti và chán nản, cảm thấy bản thân không làm được điều gì đúng đắn.

Không làm tấm gương tốt cho con

Các bé sẽ học theo những hành vi, cử chỉ của cha mẹ. Do đó, cha mẹ nên chú ý tới hành vi, lời nói của mình.

Ra lệnh cho con nhưng không giải thích

Nhiều cha mẹ nuôi con như những “chú lính nhỏ”, có nghĩa các bé sẽ làm theo những gì cha mẹ bảo mà không hiều lý do tại sao. Những đứa trẻ như vậy rất dễ nổi loạn vì cảm thấy mình bị đối xử bất công. Cha mẹ tốt nhất nên giải thích cho con hiểu lý do tại sao trẻ phải làm những việc như vậy, từ đó dạy trẻ tự điều chỉnh hành vi.

Nói thay con

Việc được đưa vào các tình huống giao tiếp với mọi người bên ngoài sẽ giúp trẻ học cách cư xử. Trẻ nên tự mình nói những điều đơn giản như giới thiệu bản thân, “cảm ơn”, hay “xin lỗi”. Thông qua đó, trẻ học được phép lịch sự và cách giao tiếp với người khác. Cha mẹ luôn nói thay con sẽ dẫn đến việc trẻ thiếu kỹ năng xã hội, hình thành cách nói thô lỗ.