Suốt 30 năm buôn bán nhưng quán bánh mì hấp Sài Gòn của cặp đôi U80 này lúc nào cũng nườm nượp khách.
Nhiều thế hệ thực khách gắn bó với tiệm bánh mì hấp giữa chợ Bàn Cờ, không chỉ bởi món ăn thơm ngon, mà còn vì quý tình yêu "vượt thời gian" của ông Tám bà Út, vẫn bình dị giữa thị thành tấp nập.
Bánh mì hấp bán 30 năm ở chợ Bàn Cờ
2 giờ sáng, ông Út lục đục dậy, rồi gọi bà Tám dậy cùng. Cứ thế, bà hấp bánh, lặt rau, ông đốt than, nướng thịt, thủ thỉ cho đến tờ mờ sáng thì dọn ra bán.
Ông 81 tuổi, tuổi bà cũng đã 75. 60 năm, tình yêu ông bà vẫn bình dị ở đoạn cuối con dốc cuộc đời. Hơn 30 năm, món bánh mì hấp ở chợ Bàn Cờ (Q.3) vẫn lấy lòng nhiều thế hệ. Những con số cho người ta cảm giác về những điều gì đó cũ xưa, chậm rãi, giữa lòng thị thành hiện đại và chưa bao giờ thôi vội vã.
Tiệm bánh mì hấp nằm giữa chợ Bàn Cờ (Q.3) tấp nập khách mỗi sáng
Nồi bánh bốc khói nghi ngút. Bánh được hấp ngay trước giờ bán và giữ nóng liên tục
Nguyên liệu chính có mỡ hành, củ sắn, thịt xay, đậu phộng
Muốn nghe chuyện về tiệm bánh mì hấp “thâm niên” giữa chợ, chẳng cần hỏi ông bà. Bởi ở tiệm gần như lúc nào cũng có thực khách lâu năm ngồi, hào hứng kể về câu chuyện ông bà U.80 vẫn vui vẻ yêu đời, nói năng rổn rảng, làm bánh mì ngon mê ly!
“Bánh mì hấp ở Sài Gòn hiếm à nghen, mà ngon rẻ như vầy lại càng khó kiếm nữa. Bán lâu tới nỗi, tôi ăn đâu từ hồi theo chồng về đây, giờ dắt tới cháu ra ăn rồi nè. Khoái nhất là cái bánh mì mềm vừa phải, không cứng cũng không bở. Thêm cái nước mắm bà Tám pha nữa, thơm ngon tròn vị luôn”, bà Nguyễn Ngọc Bích (50 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM), một thực khách quen thuộc nói, trong lúc đợi dĩa bánh mì được ông Út bưng ra.
Ông Út kể, hồi xưa, một người chị trong gia đình làm lò bánh mì vẫn hay đem cho ông bà bánh mì… ế, bởi cuộc sống bấy giờ vẫn còn nhiều chật vật. “Mà bánh mì cũ khô cứng ăn thì ngán, vậy là bà ấy mới mang đi hấp, rồi thêm ít thịt bằm, củ sắn, đậu phộng, mỡ hành lên. Ăn trong nhà ngon quá, tụi nhỏ kêu hay ba má ra bán đi.
Vậy là cũng ì ạch dọn ra bán thử, ai ngờ mọi người mê ăn quá nên bán tới giờ luôn”, ông Út từ tốn kể.
Cũng nhiêu đó nguyên liệu, mà bà Tám làm món bánh mì hấp ngày càng khéo, càng ngon. Bà nói: “Ban đầu chỉ làm bánh mì cũ, nhưng do bột bánh và cách nướng ngày xưa cho ra ổ bánh mì chất lượng. Còn bây giờ chất này chất kia nên nhiều chỗ bánh mì không ngon, không an toàn nữa khi để quá lâu. Vậy nên tôi dùng bánh mì mới luôn. Nhưng bánh mì mới thì phải biết cách nhúng nước trước khi hấp, nếu không bánh mì cứng còng hà".
Rau sống ăn kèm được ông Út chuẩn bị rất nhiều, khách ăn bao nhiêu cũng có
Món bánh mì hấp "mê hoặc" nhiều thế hệ
Khách hàng từ xa, thậm chí đi nước ngoài có dịp về lại Việt Nam vẫn tìm tới tiệm bánh mì
Từ cái thời mỗi đĩa bánh chỉ có 50 xu, ông bà phải tăng dần theo thời giá, nhưng đến nay cũng chỉ có 25 nghìn đồng/dĩa. Mà nếu so ra, khách nay đã vắng hơn khách xưa nhiều, bởi người ta có nhiều lựa chọn cho những món ăn mới hơn.
Nhưng mà, vẫn có khách ở tận Củ Chi, Bình Dương, Long An,… tìm đến ăn, vì quý cái chân tình, cái sự vui vẻ thích kể chuyện của ông Út, bà Tám.
Tình yêu 'vượt thời gian'
Chuyện ông bà bán lâu năm thì ai cũng biết, nhưng chuyện tình yêu của ông bà thì chắc ít ai được nghe hơn. Tại vì nhắc chuyện yêu đương hồi xưa, là ông Út “ngại ngùng”, khoát tay cười khà khà: “Già muốn xuống lỗ rồi còn yêu đương cái gì”.
2 giờ sáng, ông Út bà Tám đã gọi nhau dậy, lục đục chuẩn bị làm bánh mì
Mắt mờ tay run, ông bà luôn đỡ đần nhau mỗi ngày
Đúng như thời “ông bà anh”, tình yêu ông Út bà Tám giản dị lắm, chẳng có hẹn ước gì nhiều nhặn. Bà Tám quê Tiền Giang, còn ông Út ở Biên Hòa, đều là dân tỉnh lẻ nhưng mà đi làm rồi gặp nhau ở TP.HCM. Sau 2 năm hò hẹn thì ông bà đám cưới, cứ vậy mà sống với nhau cho đến tận bây giờ vẫn còn… thương!
Vợ chồng mà, ăn đời ở kiếp cũng có mâu thuẫn, cự cãi chứ, nhất là lúc về già sinh tật nữa. Nhưng quan trọng là biết nhường nhịn nhau, biết nghĩ cho cảm xúc người kia một chút. Mà ông ấy chăm tôi kĩ lắm cơ! Hơn tám chục tuổi rồi mà vẫn chạy xe máy để chở tôi đi bệnh viện, đi về quê. Ổng không cho ai chở hết, nói là đi với người ta là khi dễ ổng. Ổng đùa ấy mà! Chỉ là hai vợ chồng không muốn phiền con cháu nhiều”, bà Tám hàn huyên.
Ông bà có 4 người con rồi, có cả cháu lẫn chắt. Nhưng biết con cái cũng cần lo lắng cuộc sống riêng, ông bà còn làm được thì sẽ tự làm tự ăn. Chỉ cần thỉnh thoảng sum vầy là ông bà vui rồi!
Cái hàng bánh mì hấp ra đời, tiếp tục nối dài câu chuyện đời bên nhau của ông Út bà Tám. Đều đặn mỗi sáng, tiệm mở cửa lúc 5 giờ đến tầm 9 giờ thì hết. Thế là ông bà lại cùng nhau dọn dẹp, thủ thỉ chuyện bán buôn một ngày. Đỡ đần nhau đi qua năm tháng, cái tình son trẻ, nồng nhiệt có thể không còn, nhưng cái nghĩa vợ chồng lại đáng trân quý biết bao nhiêu.
Tình yêu hơn nửa thế kỉ của ông bà vẫn bình dị bên hàng bánh mì hơn 30 năm
Theo: Thanhnien