Do các con thích uống sữa đậu nành nên người phụ nữ ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình đặt theo tháng, yêu cầu giao trước 7h sáng. Cuối ngày, người bán đi thu lại vỏ chai.
Cách mua bán này khiến chị Mai liên tưởng đến mô hình giao sữa tươi ở nước ngoài, người bán - người mua ít khi chạm mặt nhau, "đơn đặt hàng" là số lượng vỏ chai đặt ngoài cửa cuối ngày hôm trước.
Người Hà Nội gọi đây là hình thức "đổi chai lấy sữa", có truyền thống hơn 30 năm, phổ biến nhất ở khu phố cổ và lân cận thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.
"Tất cả các chai sữa đều nóng hổi, giá đắt hơn ngoài chợ chút ít", chị Mai nói. Chị thích mua sữa đậu nành đựng trong chai thủy tinh bởi thấy sạch sẽ, có thể tái sử dụng vỏ lại an toàn hơn đựng trong túi nilon, lọ nhựa.
Tất cả các hộ trong ngõ nhà chị Mai đều đặt sữa kiểu này. Giá mỗi chai 750 ml là 10.000 đồng, trả vỏ sẽ được trả lại một phần tiền.
Gần 30 năm nay, ngày nào chị Nguyễn Thanh ở phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm cũng uống sữa đậu nành đựng trong chai thủy tinh nút bằng lõi bấc. Nếu ở nhà, chị sẽ nhận trực tiếp và đổi vỏ chai, còn không người bán chỉ cần đặt sữa ngoài cửa.
"Mọi người trong phố quá quen với những chai sữa đậu tự động xuất hiện trước cửa, nhà nào cũng mua nên không bao giờ lo bị mất trộm", chị Thanh nói.
Không đặt mua hàng ngày như các hộ khác, bà Nguyễn Hạnh, 70 tuổi, ở phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm chọn cách gọi điện thoại đặt sữa đậu nành, tuần vài lần.
Bà nói sữa đậu ngoài chợ cũng bán nhiều nhưng gia đình quen uống sữa đựng trong chai thủy tinh, hương vị quen thuộc nên không muốn đổi. Đặc biệt, sữa giao đến tận nhà vẫn ấm nóng, thơm mùi đậu nành, lúc uống có độ béo ngậy, ngọt ở hậu vị nên không cần bỏ đường.
Sữa đậu nành đựng trong chai thủy tinh nút bằng lõi bấc được nhiều người dân phố cổ Hà Nội chuộng dùng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Người bán sữa đậu nành đóng chai thủy tinh cho nhà chị Thanh, bà Hạnh là ông Phạm Văn Tiến, 60 tuổi, nhà ở quận Hai Bà Trưng. Ông cho biết gia đình làm nghề nấu và bán sữa đậu nành từ năm 1992. Thời đó sữa thường đựng trong vỏ chai bia màu xanh, dung tích 650 ml, nút bằng lõi cây bấc và giao tận nhà.
"Ngày ấy hễ thấy ai đi xe đạp, xung quanh xe treo giỏ lớn đựng chai thủy tinh là biết làm nghề bán sữa đậu. Mỗi sáng đạp xe lên phố cổ lại nghe thấy tiếng rao hàng, tiếng trả vỏ chai rộn ràng khắp các ngõ ngách", ông Tiến kể.
Hơn chục năm trở lại đây, sữa đậu nành đựng trong túi nilon, chai nhựa phổ biến, không phải trả vỏ chai khiến lượng khách của ông giảm dần. Giờ trên phố cổ, ông Tiến là một trong những người hiếm hoi còn giữ cách buôn bán này. Khách của ông chủ yếu là nhà hàng, quán ăn và các gia đình đã đặt mua 20-30 năm.
Vợ chồng ông Tiến thường dậy sớm, nấu sữa từ 2h sáng. Đến 5h sáng ông bắt đầu đi giao, ngày đi bốn chuyến. Chuyến sáng giao khoảng 300 chai, ba buổi còn lại dao động 120-150 chai. Nhiều thời điểm số người mua dọc đường nhiều quá buộc ông phải gọi về nhà báo vợ nấu thêm để đủ số lượng giao cho khách đặt theo tháng. Mỗi chai sữa của ông có giá 14.000 đồng, trả vỏ chai sẽ được gửi lại 7.000 đồng.
Giải thích lý do vẫn duy trì bán sữa đậu kiểu truyền thống, ông Tiến nói cách thức này đảm bảo vệ sinh, chai thủy tinh giữ nhiệt lâu hơn, sản phẩm đến tay người dùng đảm bảo chất lượng. Đặc biệt vẫn còn khách hàng tín nhiệm, lượng khách ổn định nên ông vẫn giữ nghề.
"Còn khách thích uống sữa đậu kiểu truyền thống là tôi còn làm. Cái nghề gắn bó hơn 30 năm sao mà bỏ được", người đàn ông 60 tuổi nói.
Anh Phạm Văn Tiến, 60 tuổi, bán sữa đậu nành đựng trong chai thủy tinh nút bằng lõi bấc cho khách trên phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, chiều 18/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Ngoài khách mua quen, không ít người trẻ Hà Nội gần đây bắt đầu tìm hiểu và tỏ ra thích thú với nét văn hóa này của Thủ đô. Họ không đặt cố định mà đi tìm chiếc xe chở hàng trăm chai thủy tinh để mua.
Chiều 18/9, Thanh Uyên, 20 tuổi, ở quận Cầu Giấy tìm đến "gánh" sữa đậu đựng trong chai thủy tinh của ông Tiến. So với sữa đậu nành bán ngoài chợ, cô gái nói giá nhỉnh hơn nhưng bù lại sữa vẫn ấm nóng, thơm, vị béo ngậy và được thêm nước đường nấu sẵn.
"Tôi khá thích cách mua sữa theo kiểu đổi chai này, không chỉ vì lạ mà còn rất sạch sẽ lại thân thiện với môi trường. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều người bán hơn", Uyên nói.