Mỗi ngày chi 30.000 đồng nuôi lợn tiết kiệm, quý cô công sở tuổi 26 năm nào cũng có một khoản thảnh thơi ăn Tết

Rút 3 triệu đồng về đưa mẹ

Theo cô gái công sở này tiết lộ, muốn nuôi lợn tiết kiệm thì phải chăm nhặt nhạnh và cho lợn ăn hàng tháng. Chính điều giúp cô mỗi năm có một số tiền kha khá.

Nhiều người cứ nghĩ với lương tháng chỉ 9 triệu đồng như Ngân (26 tuổi) - nhân viên một công ty truyền thông ở Duy Tân, Hà Nội thì làm sao có thể tiết kiệm được. Nhưng mọi điều đều có thể, chỉ là do bạn muốn hay không.

Ra trường mấy năm nay, Ngân hàng ngày vẫn sống cùng với bố mẹ. Hiện lương tháng của Ngân đang là 9 triệu đồng/tháng. Công ty Ngân làm là một công ty nước ngoài, trả lương vào ngày 28 hàng tháng. Mỗi khi nhận lương, Ngân sẽ làm một số việc theo kế hoạch tiết kiệm của mình.

Dù nhà Ngân bố mẹ dư sức nuôi con nhưng cô bạn vẫn cố gắng đưa thêm mỗi tháng để đỡ đần mẹ tiền điện nước, internet, tiền ăn... Mẹ Ngân không tiêu đến thì có thể cất đi hoặc thích tiêu gì thì tiêu.

Dù lương tháng 9 triệu đồng nhưng Ngân vẫn tiết kiệm được. (Ảnh minh hoạ)

Mỗi cuối tuần, Ngân hay cùng mẹ đi chợ để mua thực phẩm về chế biến bỏ tủ sẵn. Trong tuần khi đi làm, Ngân mang cơm hộp đi ăn trưa nên không tốn kém khoản tiền ăn.

Gửi vào tài khoản tiết kiệm 5 triệu đồng

Ngân sử dụng thẻ ATM và một tài khoản tiết kiệm online. Mỗi tháng lấy lương, cô nàng công sở này gạt ngay 5 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm online. Số tiền này Ngân tính để phòng thân hoặc làm vốn đầu tư mua nhà hay để đầu tư học tập...

Với lãi suất của tài khoản tiết kiệm là 6%, sau 1 năm gửi, Ngân có một số tiền lãi đáng kể. Số tiền lãi này Ngân không tiêu đến mà vẫn gửi đó để tích lũy thêm.

Tiền chi tiêu cá nhân 2 triệu đồng

Để có tiền trang trải cho bản thân, mỗi tháng Ngân vẫn tích cực làm thêm. Số tiền làm thêm này được khoảng 2 triệu đồng/tháng, cũng đủ để Ngân chi tiêu cho cá nhân như xăng xe, phấn son, quần áo, đám cưới, sinh nhật... "Mấy khoản này không có tháng nào cố định nên còn bao nhiêu thì mình mới dành ra để mua sắm quần áo, giày dép, sách, xem phim, du lịch.", Ngân nói.

Tiền nhét lợn tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng

Cứ lấy lương về là Ngân sẽ nhét lợn 1 triệu đồng/tháng. Tính ra mỗi ngày cô bạn chỉ phải nhét lợn 30.000 - 33.000 đồng. Số tiền nhét lợn này cuối năm Ngân đập ra để lấy tiền đóng bảo hiểm nhân thọ cho chính mình. Gói bảo hiểm này có giá trị 12,5 triệu đồng/năm.

"Mang tiếng nhét lợn mỗi tháng 1 triệu nhưng tháng nào mình cũng nhét được hơn. Chẳng hạn như thỉnh thoảng công ty mình thưởng quý 3 tháng một lần, mình lại có 1 khoảng 1 - 2 triệu nhét vào lợn. Hoặc tháng nào chi tiêu còn dư, mình cũng dồn hết vào chú lợn tiết kiệm kia. Cuối năm thưởng Tết, mình cũng nhét hết vào. Vì thế không năm nào chú lợn mình nuôi lại không được khoảng 30 triệu đồng.", Ngân chia sẻ.

Kinh nghiệm của cô gái công sở này là nuôi lợn tiết kiệm phải chăm nhặt nhạnh, "cho ăn" hàng tháng.

Ngân cũng thành thật tiết lộ: "Nhờ nuôi lợn hàng tháng mà cuối năm mình có khoảng 30 triệu. Số tiền này đủ để mình đóng bảo hiểm, đưa ba mẹ tiêu Tết mà cuộc sống vẫn chẳng hề bị xáo trộn. Mình không phải quá dè xẻn, chắt bóp, hà tiện như nhiều người khác cho dù không có lương quá cao".

Ngân khẳng định, mỗi năm số tiền nhét lợn tiết kiệm có thể có những con số khác nhau, nhưng nếu cứ nhất quán phương châm tiết kiệm từ đầu năm thì năm nào Ngân cũng sẽ đạt kế hoạch. Đó là chưa kể số tiền tiết kiệm trong ngân hàng của cô gái trẻ mỗi năm một lớn hơn.

"Riêng số tiền tiết kiệm trong ngân hàng kia từ tiền lương mỗi tháng mình để đầu tư cho kế hoạch dài hơi hơn như mua nhà chung cư hoặc đầu tư kinh doanh. Số tiền này thì bất di bất dịch, chưa cần thì mình chưa đụng tới.", Ngân cho biết.

Theo Afamily.vn


* Nội dung liên quan: