Cứ đều đặn vào 9 rưỡi mỗi sáng chủ nhật, tại sân trượt ván cạnh công viên Bách Thảo lại nhộn nhịp hơn. Nơi đây diễn ra một lớp học đặc biệt, đó là lớp học trượt ván miễn phí. Ai cũng có thể đến và tham gia lớp học, cùng nhau tập luyện và trò chuyện về trượt ván. Mỗi người với chiếc ván trượt riêng, bắt đầu thỏa sức với từng động tác.
Đây là một trong những lớp học trượt ván miễn phí đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội do Đan Nguyễn (23 tuổi) và những người bạn mở ra, với mục đích dạy trượt ván cho những người mới bắt đầu và cũng là nơi để mọi người giao lưu và thảo luận về trượt ván.
Mọi thành viên được hướng dẫn sử dụng ván cho đến những kỹ năng cơ bản.
Lớp học được chia thành 2 nhóm, nhóm đầu tiên là những người mới bắt đầu tập trượt. Những thành viên trong nhóm sẽ được hướng dẫn từng bước làm quen và sử dụng ván trượt. Mọi người đều thoải mái học hỏi và được hướng dẫn rất tận tình.
Những thành viên đã thành tạo kỹ năng, tự tin phô diễn kỹ thuật.
Nhóm còn lại là những bạn đã biết trượt ván và có khả năng biểu diễn được những động tác khó, yêu cầu nhiều kĩ năng. Mọi người đến với nhau tại lớp học này để thảo luận và giao lưu với nhau những kỹ năng mới và chia sẻ cho nhau về những câu chuyện xung quanh trượt ván.
Có khá nhiều bạn nhỏ được phụ huynh cho tham gia lớp học để vui chơi và rèn luyện.
Nhận thấy trượt ván là một bộ môn khó và việc tạo không gian cũng như động lực cho cách bạn trẻ yêu thích trượt ván bắt đầu theo đuổi bộ môn là điều hết sức quan trọng, vì vậy Đan Nguyễn tạo ra lớp học với mong muốn đây như một không gian giao lưu thoải mái giữa những người yêu thích trượt ván. Trượt ván là môn thể thao cá nhân nhưng đồng thời lại có tính cộng đồng cao, lớp học như một phương tiện để kết nối những người yêu trượt ván lại với nhau.
Đan Nguyễn (23 tuổi) - “chủ nhiệm” lớp học.
Không chỉ đơn thuần là đam mê bộ môn trượt ván, Đan Nguyễn còn yêu thích với việc tìm hiểu văn hóa. Sau khi tìm hiểu sâu, chàng trai lại càng muốn làn tỏa những văn hóa thú vị và nhân văn của bộ môn trượt ván đến mọi người.
“Là một người rất thích văn hóa trượt ván, sau khi đi nhiều nơi, quan sát khám phá và gặp nhiều người, thấy có những hình ảnh đẹp, nhân văn mang tính văn hóa ở Việt Nam đặc biệt là ở Hà Nội mình muốn đưa những hình ảnh đẹp của trượt ván lên cho mọi người biết. Theo tìm hiểu thì khi đó chưa có một tổ chức nào làm việc này nên mình đã khởi động dự án cá nhân đó là phát triển một kênh thông tin của trượt ván để mang những hình ảnh đẹp và văn hóa đến với mọi người” – Đan Nguyễn chia sẻ.
Trượt ván là môn thể thao khó và mạo hiểm
Đan Nguyễn ghi lại những hình ảnh về trượt ván để phát triển kênh thông tin.
Trượt ván không chỉ là một môn thể thao, đối với Đan Nguyễn nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Là một môn thể thao yêu cầu kĩ thuật cao, việc thường xuyên tập luyện đem lại cho người chơi sức khỏe và giải phóng tinh thần rất tốt.
Trượt ván còn là bộ môn thể thao có tính nhân văn. Nó vốn là môn thể thao mạo hiểm nên khi chơi đương nhiên chúng ta sẽ phải ngã và cái ngã này là một phần tất yếu của trượt ván. Chúng ta phải sẵn sằng đối mặt với việc ngã và phải học cách ngã sao cho an toàn.
Ý nghĩa sâu xa việc ngã ở đây có nghĩa là thất bại. Khi chơi trượt ván giúp bản thân không sợ ngã hay sợ thất bại. Nó như một bộ môn hướng dẫn cách mình đối mặt với thất bại và sau đó mình sẽ đứng dậy đi tiếp, giúp người chơi đẩy cao tinh thần quyết tâm không khuất phục trước thất bại. Trượt ván dạy chúng ta những tố chất nhất định để đối mặt với chính mình và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Nó giúp cho lối sống của mình lành mạnh hơn.
Ngoài ra trượt ván là môn mang tính cộng đồng cao mặc dù nó là thể thao cá nhân. Bộ môn này mang cho người chơi trạng thái phải đối mặt với chính bản thân, đó là tinh thần chung mà tất cả người trượt ván đều hiểu. Vì vậy khi mọi người trong cộng đồng trượt ván đến với nhau mọi người sẽ ủng hộ, giúp đỡ nhau vì họ đều hiểu mỗi người đến đây đều có hành trình riêng của mình.