Phát triển “nóng”, quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ đã khiến căn bệnh “ngập lụt nghiêm trọng” lan rất nhanh tới gần 800 đô thị lớn nhỏ trên cả nước.
Tuần qua, câu chuyện người dân cao nguyên Lâm Đồng, rồi tới dân “đảo ngọc” Phú Quốc khổ sở chống chọi với ngật lụt do mưa lũ khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng, biến đổi khí hậu đã tác động tới mọi vùng miền của đất nước, với những biểu hiện ngày càng cực đoan, hay chính con người đã tác động tiêu cực vào môi trường sống, để rồi đến lúc phải gánh chịu hậu quả?
Khu vực cầu Bến Tràm bị ngập sâu, hai bên bị chia cắt, cô lập. |
Những năm qua, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản.
Nguyên nhân lũ quét, ngập lut ngày càng trở nên nghiêm trọng, hậu quả tàn khốc đã được chỉ ra, là do rừng đầu nguồn bị tàn phá, rồi thủy điện xả nước trong khi mưa lớn, càng làm cho lũ lụt nghiêm trọng hơn.
Đến giờ, thì “nhân tai” đã lan rộng ra nhiều khu vực. Tại nhiều tỉnh đồng bằng, ngập lụt sau mưa không chỉ dừng ở những khu vực “chiêm trũng”, như cách phân loại địa lý theo kinh nghiệm trong dân gian bấy lâu nay, mà đã xảy ra ở nhiều nơi.
Điều đáng nói, với các đô thị, tình trạng những điểm “chiêm trũng” xuất hiện ngày càng nhiều, danh sách những đô thị chịu hậu quả nghiêm trọng sau mưa ngày càng được nối dài: Từ những thành phố ở vùng đồng bằng, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, tới cao nguyên Đà Lạt và ra tận đảo- với hình ảnh thị trấn Dương Đông, Phú Quốc có nơi ngập sâu tới 2m.
“Chưa bao giờ thấy ngập lụt như thế này”, là câu cảm thán xuất hiện ở nhiều nơi! Với người dân đảo Phú Quốc, “Đảo Ngọc” có nhiều công trình, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, có nhiều khách du lịch tới thăm, nhiều người đổi đời nhờ đó, và đảo cũng có thêm nhiều … rác, và giờ thì có cả ngập lụt.
Ở Lâm Đồng, nơi có lũ nặng nhất là những nơi các vạt rừng bị phá để làm nhà kính trồng rau và hoa. Còn ở Phú Quốc, nơi bốn bề là biển, rừng đầu nguồn còn giữ được khá tốt, thì nguyên nhân chính gây ngập lụt nghiêm trọng lại do ao hồ tự nhiên bị san lấp, hệ thống thoát nước đô thị đã nhanh chóng xuống cấp, quá tải vì không theo kịp với tốc độ phát triển dân cư và các cơ sở kinh doanh, du lịch.
Phát triển “nóng” ở nhiều nơi, dẫn đến quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và cũng là tất yếu ở một quốc gia đang phát triển như nước ta, có thể nhìn thấy ngay căn bệnh “ngập lụt nghiêm trọng” sẽ lan rất nhanh tới gần 800 đô thị lớn nhỏ các loại trong cả nước, từ miền núi tới đồng bằng, từ cao nguyên tới đảo xa.
Nhận diện được những tác động tiêu cực của con người tới môi trường, thì việc trước mắt, là xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, như lấp ao, hồ, lấn sông, biển trái phép, phá rừng, lấp suối xây dựng sai quy hoạch… Việc lớn hơn, đòi hỏi tập trung trí tuệ, nguồn lực và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của các lãnh đạo ngành, địa phương, là xem xét tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, có hướng điều chỉnh phù hợp.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, với những tác động đã nhìn thấy ngay, thì việc “thuận thiên” để tồn tại, để phát triển là yêu cầu sống còn, chứ không phải là việc “nên làm” nữa. Điều này cần phải được đưa vào chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, địa phương. Nếu cứ kiểu phát triển “nóng”, vô tình hay hữu ý đánh đổi môi trường lấy những lợi ích kinh tế, thì khó mà thực hiện yêu cầu phát triển bền vững./.