Có ai đó đã nói rằng: “Một cuộc hôn nhân sẽ quyết định số phận của 3 thế hệ” - điều này có nghĩa chuyện kết hôn của hai người sẽ tác động đến thế hệ bố mẹ, bản thân và thế hệ con cái sau này, vì vậy, khi chọn chồng bạn cần chọn luôn cả gia đình chồng. Nếu sau khi kết hôn buộc phải sống chung với gia đình chồng, sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh từ đây.
Nếu là phụ nữ, bạn hãy cân nhắc việc kết hôn nếu nhận thấy anh ta thuộc 3 kiểu gia đình sau đây:
1. Gia đình quá gia trưởng, keo kiệt, sống hà khắc
Trên Google không hiếm thấy những tin tức như phụ nữ ôm con tự tử vì quá bất mãn với gia đình chồng. Bi kịch đau thương này có lẽ người trong cuộc mới thấy chua xót và ân hận nhất. Cách đây không lâu, một người mẹ 27 tuổi ở Trung Quốc ôm đứa con 4 tuổi gieo mình từ tầng 15 xuống, không may cả hai mẹ con đều qua đời.
Có không ít cư dân mạng cho rằng, người mẹ này thật độc ác, đã muốn tự tử còn kéo theo cả con mình, đứa trẻ làm gì có tội. Nhưng khi họ biết được hoàn cảnh sống của người mẹ này, có lẽ sẽ phần nào hiểu được nguyên nhân.
Vì đứa con gái 4 tuổi bị tai biến, cô buộc phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Cũng chính từ đây mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu ngày càng tăng cao. Không có tài chính, cô buộc phải ngửa tay xin tiền chồng tất cả mọi thứ, mẹ chồng vì thế cảm thấy rất “ngứa mắt”. Trong mắt gia đình chồng, cô chỉ biết đòi tiền, người chồng cũng chưa bao giờ nói lời nào bênh vực vợ mình.
Mẹ chồng còn đay nghiến: “5 năm nay cô lười biếng, chỉ biết ăn không ngồi rồi, tiêu xài hết tiền của con trai tôi”.
Có những lúc cần tiền mua thứ này thứ khác cho con nhưng chồng viện cớ không đưa, còn buông những lời nói khó nghe. Không còn cách nào khác, cô chỉ biết gọi điện vay tiền mẹ đẻ. Chỉ trong vài năm, số tiền vay mẹ đẻ đã nhiều đáng kể. Dẫu vậy, cô nghĩ rằng chỉ cần con lớn một chút, mình sẽ đi làm kiếm tiền và trả dần cho mẹ. Tuy nhiên, điều khiến cô căm hận nhất có lẽ chính là thái độ của chồng và gia đình chồng.
Mặc dù cô tiêu tiền của mẹ đẻ nhưng họ luôn tỏ thái độ coi thường, xem cô như kẻ ăn người ở và "đồ vô dụng" trong nhà. Không một ai trong gia đình chồng cảm thông và thấu hiểu những gì cô đang chịu đựng. Một mình cô "chiến đấu" hết chồng tới bố mẹ chồng, uất hận ngày càng tăng khiến cô nghĩ đến việc ly hôn như một cách giải thoát tốt nhất.
Vì muốn nhanh chóng cắt đứt cuộc hôn nhân này, cô đồng ý rời khỏi nhà không cần tài sản nhưng quyền nuôi hai đứa con nhất định phải thuộc về mình.
Tuy nhiên, việc ly hôn không phải cứ đến cục dân chính ký vào tờ giấy là xong. Theo luật tại Trung Quốc, có 30 ngày để hai vợ chồng hòa giải trước khi các thủ tục được tiến hành. Và rồi chỉ sau một trận cãi vã, thảm kịch đã xảy ra chỉ 4 ngày sau đó.
Trong gia đình gia trưởng và cổ hủ, giá trị của người vợ sẽ rất thấp trong nhà. Họ có xu hướng "trọng nam khinh nữ", nếu sinh con gái phụ nữ càng khổ trăm bề. Khi nhận thấy người mình yêu có dấu hiệu gia trưởng, phụ nữ nên cân nhắc việc kết hôn.
2. Gia đình có con cái hư hỏng
Nỗi buồn lớn nhất của một gia đình không phải nghèo đói mà là con cháu hư hỏng. Bố mẹ nào chẳng yêu thương con cái nhưng sự chăm sóc và chiều chuộng quá mức sẽ khiến những đứa trẻ trở nên hư hỏng.
Những người con lớn lên trong môi trường như vậy thường không biết yêu thương bố mẹ mình và có xu hướng không biết hiếu thảo.
Anh là con một trong gia đình nên từ nhỏ đã được bố mẹ đặc biệt yêu thương và chiều chuộng mọi thứ. Bất cứ thứ gì anh muốn bố mẹ cũng tìm mọi cách có được.
Trong một lần thấy chiếc xe ô tô mình thích nhưng vì quá đắt tiền nên bố mẹ anh không mua được, họ nói rằng sẽ cố gắng mua cho anh vào lần sau. Không có được chiếc xe mình muốn, anh tức giận và buông những lời thóa mạ bố mẹ. Khi trở về nhà, anh còn bực tức ném đồ đạc khắp nơi.
Sau khi kết hôn, anh muốn hùn vốn với bạn bè để mở công ty nên nịnh bợ lấy sạch tiền dưỡng già của bố mẹ. Việc làm ăn không suôn sẻ khiến anh nợ ngập đầu, khiến cho bố mẹ già vẫn phải còng lưng đi làm kiếm tiền sống qua ngày.
Những bố mẹ thích chiều chuộng con cái về cơ bản không biết cách giáo dục con đúng đắn mà chỉ thỏa mãn tình yêu của mình dành cho con.
Trước khi kết hôn, phụ nữ hãy xem xét gia đình chồng. Nếu đó là một gia đình quen chiều chuộng con cái, tình cảm vợ chồng sau này sẽ gặp không ít rắc rối. Đặc biệt, gia đình chồng luôn xem con trai họ như “cục cưng”, dù đã lớn và có vợ nhưng trong mắt họ vẫn chỉ là đứa trẻ và ra sức chiều chuộng. Sống với bố mẹ chồng như vậy chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
3. Gia đình sống bừa bộn, không nguyên tắc
Trong một gia đình, nếu có bố mẹ là người siêng năng, gọn gàng, dù diện tích nhà nhỏ như thế nào cũng thấy thoải mái. Thậm chí họ còn bày trí và chăm chút nhà mình một cách chỉn chu.
Với một gia đình như vậy, chắc chắn họ cũng sẽ rất quan tâm tới việc giáo dục con cái sống có nguyên tắc và kỷ luật. Khi con cái ngoan ngoãn, tự lập sống có ý thức và trách nhiệm bố mẹ càng đỡ vất vã. Bố mẹ và con cái thúc đẩy lẫn nhau, mọi thứ đương nhiên sẽ phát triển theo chiều hướng tốt.
Ngược lại, nếu đó là một căn nhà bừa bộn, điều này cho thấy gia đình họ rất lười biếng, bằng lòng với hiện trạng, không dám nghĩ dám làm cũng chẳng biết phấn đấu cải thiện cuộc sống.
Những người lười biếng sẽ chỉ biết phàn nàn về mọi thứ, không nghĩ cách thay đổi. Bố mẹ sống bừa bộn đương nhiên con cái cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí bắt chước theo và thấy điều đó bình thường. Bố mẹ lười biếng cũng không đặt tâm trí vào việc giáo dục con cái.
Trong một cuộc khảo sát của trường Đại học Harvard cho thấy, những sinh viên dọn dẹp bàn học ngăn nắp thường là người có điểm số cao, sống lạc quan và vui vẻ. Bởi ngăn nắp cho phép họ học cách lập kế hoạch, rèn luyện tính kiên nhẫn.
Con cái thường bắt chước bố mẹ, nếu giữ nhà cửa sạch sẽ cũng giúp trẻ sẽ hình thành thói quen tốt. Ngược lại, nếu gia đình bừa bộn, tâm trạng của trẻ cũng hỗn loạn, kết quả học tập không tốt, cuộc sống sau này cũng bị tác động tiêu cực nhiều.
Từ việc sạch sẽ của một người, chúng ta có thể nhìn thấy được phần nào tương lai của họ sau này. Phụ nữ muốn có cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhất định phải quan tâm nhiều hơn tới tính cách của đối phương và cả gia đình nhà chồng.