Ngay sau đám cưới của tôi và vợ, mẹ vợ gọi hai đứa đến nói chuyện. Bà tuyên bố bây giờ bà già rồi, không kiếm ra tiền, cả cuộc đời đã vất vả nuôi nấng con gái trưởng thành. (Bố vợ mất rồi, ông bà chỉ sinh được vợ tôi). Từ giờ bà muốn con gái phải chu cấp cho mẹ 7 triệu/tháng để bà chi tiêu, ăn uống.
Lúc đó lương của tôi được 13 triệu, lương của vợ 9 triệu. Chúng tôi phải trả tiền thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt của hai vợ chồng, ngoài ra còn đủ khoản tiền phát sinh. Chu cấp cho mẹ vợ 7 triệu/tháng, vậy thì chúng tôi chỉ còn 15 triệu. Từng đó tiền chi tiêu đã là khó khăn chứ đừng nói đến tiết kiệm. Sinh thêm một đứa con thì chắc chắn là không bao giờ đủ được.
Tôi bảo vợ nói với mẹ cô ấy mỗi tháng chúng tôi gửi khoảng 2 triệu biếu bà, 7 triệu thì quá sức. Bà còn sức khỏe, chịu khó làm thêm việc gì đỡ đần con gái. Tôi thấy như vậy là hợp lý, đến bố mẹ tôi còn chẳng cần chu cấp đấy thôi.
Nhưng mẹ vợ không chịu, bà khăng khăng 7 triệu mới đủ cho bà ăn uống sinh hoạt. Vợ tôi thì thương mẹ, là người con gái có hiếu, cô ấy bảo sẽ trích lương của mình đưa cho bà, tôi không cần bận tâm. Khổ nỗi lương vợ 9 triệu, chu cấp cho mẹ 7 triệu thì cô ấy còn chẳng đủ ăn, nói gì tới đóng góp cho gia đình. Thế khác gì đặt mọi gánh nặng còn lại lên vai tôi.
Nhưng mẹ vợ không chịu, cuối cùng tôi đành phải nhượng bộ. Chung quy cũng chỉ vì yêu vợ, không muốn cô ấy buồn, lại càng không muốn vợ chồng cãi vã ly hôn. Để có đủ tiền trang trải mọi khoản, tôi phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trong công việc. Sau một năm tôi đã được thăng chức tăng lương, thu nhập đến 17 triệu. Lúc đó chúng tôi mới quyết định sinh con. Thú thật trong một năm ấy, có mấy lần tôi nghĩ đến quyết định ly hôn vì áp lực quá. Nhưng may mắn là tôi vẫn vượt qua, vợ chồng vẫn còn ở bên nhau.
5 năm đã qua rồi, lương của tôi bây giờ đã 30 triệu, lương vợ 15 - 17 triệu, cuộc sống hai vợ chồng có thể nói là không phải thiếu thốn. Chúng tôi sinh được hai đứa con, chăm lo cho các con đầy đủ, mỗi tháng vẫn đều đặn gửi cho mẹ vợ 7 triệu. Những năm qua vợ tôi luôn chu toàn việc nhà, con cái, cũng rất quan tâm đến bố mẹ chồng, vì vậy tôi thấy khoản tiền báo hiếu mẹ vợ mỗi tháng kia cũng hoàn toàn xứng đáng.
Cách đây nửa năm, mẹ vợ tôi ốm nặng, sau nửa năm điều trị thì bà không qua khỏi. Sau tang lễ của mẹ vợ, chúng tôi cùng nhau thu dọn những kỷ vật bà để lại. Đến khi mở ngăn kéo chiếc tủ trong phòng ngủ của mẹ vợ, chúng tôi bần thần khi nhìn thấy một thứ, đó là cuốn sổ đỏ một mảnh đất có vị trí rất đẹp mà giá thị trường hiện nay chắc phải tới 4, 5 tỷ đồng. Sổ đỏ mảnh đất ấy mang tên mẹ vợ nhưng đi kèm với đó là một lá thư và tờ di chúc bà đã lập sẵn.
Tôi ôm vợ, hai vợ chồng cùng khóc vì cảm kích và vì thương mẹ vợ. (Ảnh minh họa)
Đọc xong lá thư mẹ vợ viết gửi cho các con, tôi cũng không kìm được nước mắt. Lúc đó chúng tôi mới biết 7 triệu mỗi tháng gửi cho bà, mẹ vợ không hề tiêu đến xu nào. Bà vẫn làm thêm kiếm thu nhập, tự chi tiêu. Tiền chúng tôi gửi, bà dành dụm rồi mua trả góp một mảnh đất từ mấy năm trước. Mục đích của bà sau cùng chỉ là muốn con cái biết tiết kiệm tiền, biết nỗ lực hơn trong cuộc sống, sợ chúng tôi tuổi trẻ có được đồng nào tiêu hết bấy nhiêu, không biết dành dụm cho tương lai.
Nghĩ lại nếu mẹ vợ không đặt ra áp lực đó thì có lẽ tôi cũng không có được ngày hôm nay. Tôi sẽ không cố gắng nỗ lực nhiều đến thế trong công việc để có được thành công như hiện tại. Và chắc chắn là chúng tôi cũng không thể dành dụm được một mảnh đất trị giá lớn đến thế này. Tất cả là nhờ có mẹ vợ. Bà không chỉ giữ tiền cho các con mà còn biết đầu tư sinh lời.
Tôi ôm vợ, hai vợ chồng cùng khóc vì cảm kích và vì thương mẹ vợ. Bà đã dành hết những gì mình có cho con cái, chấp nhận mang tiếng xấu khi đòi hỏi con cái chu cấp mỗi tháng. Thật may mắn vì tôi đã không bất mãn mà ly hôn, kiên trì cho đến bây giờ, cũng là lúc hiểu ra mọi chuyện, hái được trái ngọt.