Các nhà khoa học tại Viện Leibniz về sinh thái nước ngọt và ngư nghiệp nội địa ở Berlin - Đức vừa phát hiện nhiều chủng nấm ăn nhựa, mang lại hy vọng trong việc xử lý hàng triệu tấn rác thải ô nhiễm trên thế giới mỗi năm, nhất là trong các đại dương.
Nghiên cứu trên được thực hiện tại hồ Stechlin ở phía Đông Bắc nước Đức, tìm hiểu về cách vi nấm phát triển trên một số loại nhựa mà không có nguồn carbon nào khác để sinh trưởng. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Hans-Peter Grossart, kết quả cho thấy rõ một số loại vi nấm có khả năng phân hủy vài polymer tổng hợp nhất định. Đặc biệt, khả năng sử dụng nhựa làm nguồn thức ăn duy nhất giúp nấm Stechlin phân hủy nhựa hiệu quả hơn các sinh vật khác - vốn cần thêm chất dinh dưỡng hoặc nguồn carbon bổ sung.
Ông Grossart nói với Reuters rằng khả năng "ăn nhựa" của nấm có thể là sự thích nghi với lượng carbon nhựa khổng lồ ngoài môi trường. Tuy nhiên, hoạt động của chúng phụ thuộc nhiều vào các điều kiện bên ngoài, chẳng hạn nhiệt độ hoặc vi chất dinh dưỡng. Vì vậy, chúng phù hợp với những môi trường được kiểm soát như nhà máy xử lý nước thải hơn là môi trường tự nhiên.
Dù phát hiện trên hứa hẹn là một đột phá song các nhà khoa học nhận định nó không phải là "viên đạn bạc" giúp giải quyết triệt để nạn rác thải nhựa đang tràn lan từ những đại dương sâu nhất đến nguồn thực phẩm và cả trong nội tạng chúng ta. "Nhựa được làm từ carbon hóa thạch và việc nấm phân hủy nó không khác gì chúng ta đốt dầu hoặc khí đốt rồi thải CO2 vào bầu khí quyển" - ông Grossart lưu ý.
Theo Công ty dữ liệu Statista (Đức), con người thải ra 400 triệu tấn rác nhựa vào năm 2022, tăng vọt so với 1,7 triệu tấn hồi năm 1950. Statista dự đoán nếu không có sự thay đổi trong các chính sách hiện tại, con số 400 triệu tấn nói trên có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2060. Dù tỉ lệ tái chế đã tăng lên những năm gần đây nhưng hiện chỉ có 9% lượng rác thải nhựa được tái chế trên toàn cầu.
Các sinh vật phân hủy nhựa đã được nghiên cứu trong nhiều năm qua, với hơn 400 loài nấm và vi khuẩn được phát hiện có khả năng này, tính đến nay. Một ví dụ nổi tiếng là vi khuẩn Ideonella sakaiensis, được phát hiện ở Nhật Bản vào năm 2016, có khả năng "tiêu hóa" polyethylene terephthalate, thường được dùng trong chai nhựa và khó tái chế bằng các phương pháp truyền thống.
Ngoài sinh vật "ăn nhựa", các nhà khoa học cũng tìm cách phát triển "nhựa tự phân hủy" bằng cách đưa bào tử vi khuẩn "ăn nhựa" vào vật liệu polyurethane. Dù mang lại hy vọng nhưng việc ứng dụng các sinh vật này vẫn bị hạn chế bởi các điều kiện cần thiết để chúng phát triển và tốc độ phân hủy nhựa chậm.