Chỉ là vứt rác thôi mà cũng khiến bạn nam này hoang mang "đứng hình mất 5 giây". Vì sao lại thế? Tại vì sao lại thế?
Việc bảo vệ môi trường không phải chỉ là phong trào, thực hiện theo đợt mà là ý thức, là việc tự giác của mỗi người để bảo vệ chính môi trường, chính cuộc sống của mình. Vấn đề này được triển khai rộng khắp và thường xuyên từ các hộ gia đình, các cơ quan, đoàn thể tới các trường học.
Sinh viên, học sinh luôn là đối tượng được tuyên truyền, tác động rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, nhất là đối với việc vứt rác đúng nơi quy định. Tại các trường học, các cuộc phát động, phong trào, những cuộc thi, tuyên truyền, dọn dẹp vệ sinh về vấn đề gìn giữ môi trường sống, môi trường công cộng liên tục được thực hiện, nhất là khi phong trào #ChallengeForChange - Thử thách dọn rác đang rầm rộ khắp nơi.
Không ít trường học đã áp dụng mạnh mẽ việc phân loại rác từ nguồn để học sinh có ý thức hơn ngay từ những hành động nhỏ. Có thể thấy việc phân loại rác thải chỉ cần bớt một vài giây trước khi vứt rác nhưng mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa có thể tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên và hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
Thế nhưng tại nhiều trường học, khi xuất hiện 3 loại thùng rác để học sinh tự phân loại thì lại khiến không ít học sinh hoang mang bởi chẳng biết vứt rác loại nào vào thùng nào. Mới đây, trong một group diễn đàn học đường, bài viết chia sẻ hình ảnh một bạn nam sinh “đứng hình mất 5 giây” trước các loại thùng rác được cư dân mạng hết sức quan tâm. Bài viết sau khi chia sẻ đã nhanh chóng nhận được sự chú ý với 14.000 lượt like và gần 600 lượt chia sẻ.
Bài viết nhanh chóng được các bạn trẻ quan tâm.
Chỉ là vứt rác thôi mà cũng hoang mang vậy đấy!
Phía dưới bài viết nhiều người vào bình luận hài hước: “Cái này chắc cả ngày chứ 5s là chưa đủ”; “Vứt rác còn hơn đi làm toán nữa”; “T thấy mệt quá nên bỏ vào bọc đem về nhà vứt”; “Trường t hai thùng là muốn chớt rồi... Mỗi lần muốn bỏ rác t cũng phải suy nghĩ”...
Cũng không quá lạ khi vứt rác lại trở thành một vấn đề nan giải và tốn nhiều thời gian như vậy bởi các bạn học sinh chưa phân biệt được các loại rác. Theo quy định, rác hữu cơ là những loại như thức ăn thừa, thịt cá, rau, củ, trái cây, bã trà, bã cà phê, giấy ăn... Rác tái chế là những loại như giấy carton, chai nhựa, túi nhựa, sách, báo, đồ nhựa, các loại vải, quần, áo cũ cần được tách riêng, đựng trong túi ny-lon hoặc túi vải...
Những loại rác còn lại là rác không có khả năng tự phân hủy trong điều kiện tự nhiên hoặc phân hủy trong thời gian rất dài như thủy tinh, sành sứ, thiết bị điện tử... Ghi nhớ lại một số điều này chắc chắn bạn sẽ không còn phải “đứng hình” khi vứt rác nữa rồi!/.