Nạn đào mộ từ “cơn sốt người ngoài hành tinh” ở Peru

Dù đã lên tiếng xóa bỏ các lời đồn đoán về người ngoài hành tinh xuất hiện tại các di tích cổ đại, Peru vẫn đang đối mặt với nạn đào trộm mộ để bán cổ vật.

Cao nguyên này nổi tiếng với những đường vẽ Nazca trên nền cát của sa mạc, tạo thành hình thù các loài chim và động vật khác khi nhìn từ trên không. Các hình vẽ cổ xưa này từ lâu đã thu hút sự tò mò của các nhà nhân chủng học và cả những người tin rằng người ngoài hành tinh là có thật.

Nazca còn được biết đến với các bãi muối có khả năng khử nước và bảo quản hài cốt, khiến nơi đây trở thành địa điểm có những phát hiện khảo cổ quan trọng giúp mở mang hiểu biết về các nền văn hóa cổ đại. Và đây cũng là điểm đến của những băng đào trộm mộ.

Leandro Rivera bị kết án vào năm 2022 về tội xâm phạm các di tích công cộng vì khai quật hiện vật. Anh ta nhận bản án 4 năm tù treo và bị phạt khoảng 5.200 USD Mỹ. Rivera đã trở thành tâm điểm chú ý khi người này buôn lậu hai vật thể đến Mexico và gọi đó là xác ướp người ngoài hành tinh. Ông ta thậm chí còn tuyên bố rằng vẫn còn nhiều xác ướp như vậy tại Peru .

Một số chuyên gia cho rằng chính những thông tin lan truyền chưa rõ tính xác thực về dấu vết của người ngoài hành tinh đã thổi bùng vấn nạn đào trộm mộ. Nhiều nhà khảo cổ học do đó đã lên tiếng kêu gọi giới chức Peru tăng cường hình phạt đối với hành vi cướp bóc hiện vật văn hóa.

Nạn đào mộ từ “cơn sốt người ngoài hành tinh” ở Peru - Ảnh 1.

Ông Rolando Mallaupoma - nhà khảo cổ học - cho biết: "Đã có một số trường hợp bị trừng phạt về mặt pháp lý với những kẻ buôn lậu, những kẻ khai quật mộ bí mật tại các địa điểm khảo cổ, nhưng chưa có ai bị bỏ tù vì hành vi này cả".

Ông Flavio Estrada - Chuyên gia khảo cổ học pháp y - cho biết: "Nền văn hóa cổ đại của chúng ta đã làm nên di tích Machu Picchu, những đường vẽ Nazca mà không cần sự giúp đỡ từ người ngoài hành tinh. Thế nên bất kỳ ai thêu dệt nên ý tưởng đó đều là có mục đích vụ lợi nào đó. Khoa học đã giúp chứng minh điều này".

Theo UNESCO và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), kể từ đại dịch COVID-19, hoạt động buôn bán các cổ vật văn hóa đã bùng nổ trên khắp thế giới.

Theo WCO, việc ngăn chặn cổ vật bị đưa khỏi Peru bất hợp pháp là một thách thức, bởi quốc gia này có chung biên giới với 5 quốc gia và có 27 cửa khẩu biên giới.

Theo Bộ văn hóa Peru, họ đã thu giữ nhiều hiện vật bằng các biện pháp soi chiếu qua máy quét an ninh ngay tại sân bay, phần lớn các vụ việc đều liên quan đến khách du lịch.