Nắng nóng đỉnh điểm gây sốc ở Mỹ: Nhiều người bị bỏng nặng vì ngã xuống đường, thậm chí tử vong

Nhiều thành phố ở Mỹ đang trải qua những tháng mùa hè nóng nhất trong lịch sử.

Các thành phố Tây Nam nước Mỹ như Phoenix vừa ghi nhận tháng 6 nóng nhất trong lịch sử. Theo thống kê, nhiệt độ cao trung bình vào ban ngày là 43 độ C và không có nhiệt độ cao nào trong 24 giờ dưới 37,7 độ C.

Người đàn ông 62 tuổi Ron Falk đã bị mất chân phải vì nắng nóng và không thể ngờ cái nóng ở thành phố Phoenix lại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như vậy. Ông Falk đã bị sốc nhiệt và ngã xuống đường sau khi mua đồ uống lạnh ở một cửa hàng tiện lợi. Vụ việc khiến ông bị bỏng nặng, phải cắt bỏ chân phải và ghép da phần lớn chân trái. Hiện tại, ông Falk vẫn đang phải ngồi xe lăn và chờ hồi phục.

Ông chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể bị sốc nhiệt khi đang đi ngoài đường ở Phoenix. Nhưng nếu bạn không tìm một nơi nào đó mát mẻ, cái nóng sẽ ảnh hưởng đến bạn, và sau đó bạn sẽ không biết chuyện gì xảy ra, giống như tôi vậy".

Nắng nóng đỉnh điểm gây sốc ở Mỹ: Nhiều người bị bỏng nặng vì ngã xuống đường, thậm chí tử vong - Ảnh 1.

Ông Ron Falk

Trung tâm Y tế Valleywise ở Phoenix, trung tâm điều trị bỏng lớn nhất ở vùng Tây Nam nước Mỹ, cho biết đã tiếp nhận 50 trường hợp bỏng do tiếp xúc với mặt đường nóng kể từ đầu tháng 6 đến nay, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Nạn nhân thường là trẻ em đi chân trần trên vỉa hè, người lớn say rượu nằm trên đường phố hoặc người già bị ngã do các vấn đề sức khỏe.

Bên cạnh thành phố Phoenix, thành phố Las Vegas (bang Nevada, Mỹ) cũng ghi nhận mức nhiệt tương tự. Mặt đường nhựa, bê tông, tay nắm cửa kim loại, xích đu, xà đơn,... đều có thể gây bỏng cho con người nếu tiếp xúc trong vài giây. Theo các chuyên gia, chỉ cần nhiệt độ bề mặt từ 28 độ C trở lên là đã có thể gây bỏng da.

Nắng nóng đỉnh điểm gây sốc ở Mỹ: Nhiều người bị bỏng nặng vì ngã xuống đường, thậm chí tử vong - Ảnh 2.

Trẻ em là đối tượng dễ bị bỏng nhất vì chúng chưa nhận thức được sự nguy hiểm từ những bề mặt nóng như tay nắm cửa kim loại hay vỉa hè. Việc điều trị bỏng do nhiệt cũng rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Bệnh nhân có thể phải trải qua nhiều lần ghép da và phẫu thuật khác.

Năm ngoái, hạt Maricopa, nơi có thành phố Phoenix, đã ghi nhận 645 trường hợp tử vong do nắng nóng, phần lớn là do sốc nhiệt. Một trong số đó là trường hợp của một phụ nữ 82 tuổi mắc bệnh tim và sa sút trí tuệ, được phát hiện nằm trên vỉa hè trong tình trạng bất tỉnh khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 41,1 độ C. Bà được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bỏng độ 2 ở lưng và bên phải cơ thể, nhưng đã qua đời sau đó 3 ngày.

Nguồn: Washington Post