Nghi thức trao vương miện và xức dầu được cho là thời điểm thiêng liêng nhất trong buổi lễ đăng quang. Trong khoảnh khắc đó, Vua Charles III sẽ ngự trên một chiếc ghế đặc biệt có tuổi đời bảy thế kỷ.
Ngai vàng được chế tác theo lệnh của Vua Edward I trong khoảng năm 1300 và 1301. Kể từ đó, chiếc ghế này luôn trở thành tâm điểm trong các buổi lễ đăng quang của nước Anh. Ngai vàng đăng quang được đặt tại Tu viện Westminster và được coi là một trong những bảo vật nội thất nổi tiếng và quý giá nhất trên thế giới.
Trải qua hàng trăm năm, Ngai vàng đã dần hao mòn và hiện đang được bảo quản kỹ lưỡng để chuẩn bị cho dịp lễ đăng quang của Vua Charles sắp tới.
Nguồn gốc của Ngai vàng
Ngai vàng được chế tác theo lệnh của Vua Edward I. Chiếc ghế này cũng được gắn với khối đá sa thạch màu đỏ Stone of Scone (hay còn được gọi là “Đá định mệnh”) mà Vua Edward I đã mang từ Scotland đến Tu viện Westminster vào năm 1296.
Ngai vàng được làm từ gỗ sồi với mục đích chứa đựng Đá định mệnh. Ban đầu, viên đá được gắn ở bên dưới mặt ghế, nhưng phần trang trí họa tiết bằng gỗ ở phía trước đã bong ra theo thời gian và lộ hòn đá.
Hòn đá Stone of Scone, hay còn gọi là Đá định mệnh (Stone of Destiny), là một khối sa thạch màu đỏ. Trước đây hòn đá được lưu giữ tại Tu viện Scone ở Scotland (nay tu viện chỉ còn là tàn tích). Sau đó, Vua Edward I đã chiếm giữ hòn đá trong cuộc chiến với Scotland trong quá khứ.
Năm 1996, cựu Thủ tướng John Major tuyên bố sẽ trả hòn đá lại cho Scotland, nhưng nếu đến lễ đăng quang của Vương thất, thì hòn đá phải được mang trở lại Tu viện Westminster. Hiện giờ hòn đá đang được trưng bày trong Lâu đài Edinburgh.
Ngai vàng đăng quang lần đầu xuất hiện trong lễ đăng quang vào năm 1308, khi Vua Edward II lên ngôi. Tu viện Westminster đã tổ chức 38 lễ đăng quang cho những vị vua tại vị cũng như 15 lễ đăng quang riêng cho các Vương hậu.
Mọi nét chạm khắc đều ấn tượng
Họa tiết trang trí nguyên bản của Ngai vàng đăng quang là hình ảnh những chú chim, lá cây và động vật. Họa tiết này được vẽ bởi Master Walter, họa sĩ bậc thầy của Vua Edward II. Ngai vàng đã từng được bao phủ bởi một lớp lá vàng, nhưng về sau bị phai màu.
Mặt sau của Ngai vàng được khắc hình ảnh một vị vua gác chân lên một con sư tử, mà theo Tu viện, vị vua này có thể là Edward - Người tuyên xưng đức tin (Edward The Confessor) hoặc Edward I.
Phần dưới của Ngai vàng là 4 con sư tử được chạm khắc vào năm 1727. Được biết, nguyên bản của chiếc Ngai trước đó không được chạm trổ những con sư tử.
Krista Blessey, người bảo quản các bức tranh tại Tu viện, hiện phụ trách công việc lau chùi và bảo quản chiếc chế. Mới đây, cô đã phát hiện ra nhiều chi tiết bị bỏ qua trong các họa tiết của chiếc ghế. Cô nói: “Tôi nghĩ tôi đã thấy hình những ngón chân ở trong tấm màn trướng phủ đằng sau Ngai vàng. Có thể chỗ đó trước đây là hình của một người nào đó. Có thể là những vị vua, hoặc các vị thánh. Bởi vì nhiều chi tiết đã bị mất đi nên chúng tôi không thể xác định được vào lúc này nhưng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu thêm”.
Phần sau của Ngai vàng có những nét chạm khắc và hình vẽ do các nam sinh và du khách ở Westminster vẽ lên từ thế kỷ 18 và 19. Thậm chí, một số người còn lấy đi những mảnh gỗ từ Ngai vàng để làm quà lưu niệm. Một góc nhỏ của chiếc ghế đã bị văng ra trong một trận đánh bom vào năm 1914 của những người biểu tình. Hiện tại, Ngai vàng đang trải qua một số khâu trùng tu trước buổi lễ đăng quang.