Học phí cao ngất vẫn hút sinh viên
Răng Hàm Mặt (RHM) là được xem là ngành hot trong những năm gần đây, thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký học. Song song với nhu cầu chăm sóc sức khỏe răng miệng, thẩm mỹ ngày càng cao, cơ hội việc làm của sinh viên ngành này sau khi tốt nghiệp cũng rộng mở.
Đáng nói, học phí của ngành RHM khá cao, có thể lên tới hàng tỷ đồng cho 6 năm học nhưng vẫn thu hút sinh viên dự tuyển. Theo đó, ngành RHM của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) là 55,2 triệu đồng/năm, trường Đại học Y Hà Nội là 27,6 triệu đồng/năm, trường Đại học Y Dược TP.HCM là 77 triệu đồng/năm, Đại học Y Dược Cần Thơ là 44,1 triệu đồng/năm… Cao nhất là học phí ngành RHM của trường Đại học Văn Lang dự kiến từ 85 – 98 triệu đồng/học kỳ.
Dẫu vậy, ngành RHM vẫn là lựa chọn của nhiều sinh viên. Nguyễn Đức Thăng (sinh viên năm thứ 5 ngành RHM của trường Đại học Y Hà Nội) cho hay, tổng học phí cho 6 năm học của anh dự kiến khoảng gần 100 triệu đồng, bao gồm cả chi phí giáo trình, dụng cụ học tập. Theo lời Thăng, để đào tạo ra một bác sỹ răng hàm mặt thì mức học phí này hoàn toàn có thể chấp nhận được.
“Tôi được biết, ở các nước khác ngành này chỉ dành cho nhà giàu vì học phí rất cao. Chúng tôi thi thoảng còn đùa nhau đây là “ngành học hoàng gia” vì học phí cao, nhiều cơ hội công việc, mức lương ổn và môi trường làm việc chất lượng”, Đức Thăng chia sẻ.
Bảo Hân - sinh viên ngành RHM trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM
Trịnh Hồng Bảo Hân (sinh viên năm thứ 5 ngành RHM của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cũng có cùng ý kiến. Cô cho rằng, học phí đi đôi với chất lượng đào tạo. RHM là ngành cần đầu tư rất nhiều trang thiết bị hiện đại để sinh viên học và thực hành, bên cạnh đó còn mời đội ngũ giảng viên là những bác sĩ giỏi, thâm niên nên mức học phí đó hoàn toàn xứng đáng.
“Tất nhiên, để theo học ngành RHM thì chúng mình cũng cần một “hầu bao” vừa phải vì ngoài học phí thì chi phí mua dụng cụ cần thiết để học và thực hành cũng tốn kha khá”, Hân nói.
Chương trình đào tạo của ngành RHM cũng có nhiều đặc thù. Đức Thăng cho hay, anh đã có nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi được học tại trường y hàng đầu cả nước, ngay từ năm thứ 2 đã được thực hành trên mô hình và bệnh nhân.
“Học ngành này, chúng tôi được đi thực hành thường xuyên. Năm nhất đi viện quan sát, cuối năm 2 thực hành thăm khám, năm 3, 4 đã có thể phụ mổ. Theo tôi, sinh viên RHM có một số cái khó như thi vào trường khó, quá trình học cũng rất khó nhưng xét chung thì vẫn “dễ thở” hơn học Y khoa”, Đức Thăng nói.
Ở trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), Bảo Hân được học nền tảng kiến thức cơ sở trong 3 năm đầu. Từ năm thứ 4 trở đi, cô và các bạn được tập trung hoàn toàn vào chuyên ngành RHM với các môn nha khoa cơ sở, thực hành lâm sàng và tiền lâm sàng tại khoa cũng như các bệnh viện lớn như Bệnh viện RHM Trung ương, Bệnh viện RHM TP.HCM…
“Chúng mình được thực hành các kỹ năng liên quan đến chuyên ngành tại viện. Điểm đặc biệt nhất khi học ngành này là mình được học và thực hành rất nhiều, được rèn luyện sự tỉ mỉ, chỉn chu trong từng thao tác nhỏ. Kỹ năng đó rất cần thiết cho mỗi bác sĩ RHM khi làm việc thực tiễn”, Bảo Hân chia sẻ.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe răng miệng và thẩm mỹ ngày càng cao nên RHM được xem là ngành có nhiều cơ hội. Đức Thăng chia sẻ: “Tôi vào ngành RMH là cơ duyên nhưng càng học thì càng thấy có nhiều cơ hội. Nhiều người nói, ngành RHM giờ bão hòa rồi, đi đâu cũng thấy phòng khám nha khoa nhưng xét theo dân số nước ta, tỷ lệ bác sĩ nha khoa vẫn ít. Đây là là ngành có môi trường làm việc chất lượng, ít cạnh tranh và với một sinh viên Y5 như tôi, có nhiều cơ hội đang chờ đón”.
Sinh viên ngành RHM có nhiều cơ hội xin việc sau khi ra trường (ảnh: Bảo Hân)
Hà Phương (Nghệ An) sau khi tốt nghiệp ngành RHM của trường Đại học Y Dược Huế đã vào làm tại một bệnh viện tư ở thành phố Vinh, Nghệ An, thu nhập dao động từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng. Phương cho hay, so với các ngành khác trong khối Y dược, công việc của bác sĩ RHM khá nhẹ nhàng, ít khi phải trực đêm, nếu làm việc trong các phòng khám tư nhân thì hầu như không phải trực. Bên cạnh đó, môi trường làm việc thoải mái cũng là điều Hà Phương đề cao ở ngành này.
“Theo tôi thấy, ngành RHM những năm gần đây khá hot, điểm đầu vào của ngành này ở một số trường có khi cao hơn cả Y đa khoa. Sinh viên RHM sau khi tốt nghiệp có thể đi làm luôn, không cần học thêm một chuyên khoa nào khác giống như Y đa khoa. Đó cũng là lý do tôi chọn ngành này”, Hà Phương chia sẻ.
Lê T. (cựu sinh viên ngành RHM của trường Đại học Y Hà Nội) sau 6 năm ra trường chưa từng biết đến cảm giác đi xin việc. Sau khi tốt nghiệp, T. được mời vào làm việc tại một bệnh viện thẩm mỹ, trong nhiều năm liền vừa làm, vừa học các lớp nâng cao. Hiện tại, T. là bác sĩ phẫu thuật của một bệnh viện thẩm mỹ lớn ở Hà Nội, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/tháng.
“So với những người bạn tôi biết, đó vẫn chỉ là mức lương trung bình. Ngành RHM ngày càng phát triển, cùng với trình độ chuyên môn, sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội sẽ đem đến nguồn thu nhập cao”, T. nói.
Đặng Văn Cường (sinh năm 1988, Vĩnh Phúc), tốt nghiệp ngành RHM của trường Đại học Y Hà Nội năm 2012. Anh có 10 năm làm việc ở các phòng khám tư nhân tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Hải Dương, mức lương dao động từ 15- 20 triệu đồng/tháng.
Sau khi tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm, anh mở một phòng khám răng hàm mặt tại quê nhà. Chi phí mở phòng khám từ thuê mặt bằng đến trang bị máy móc rơi vào khoảng gần 1 tỷ đồng. Đổi lại, nguồn thu nhập của anh tăng đáng kể.
“Tôi cũng chưa từng trải qua cảm giác chật vật xin việc, chỉ là chọn nơi làm việc thế nào thôi. Riêng tôi không muốn gò bó nên chọn làm việc ở các phòng khám tư nhân và hiện tại mở phòng khám riêng. Ngành này mang lại rất nhiều cơ hội tuy nhiên, còn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và mong muốn của mỗi người”, anh Cường chia sẻ.