Một số chuyên gia cho rằng khi thuế giá trị gia tăng ở mức 5%, văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng đã phát triển rất "èo uột". Vì vậy, việc đánh thuế cao gấp đôi không khác gì vùi dập thị trường vừa nổi lên.
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tiếp tục là chủ đề bàn thảo của nhiều chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia về văn hóa. Phần lớn giới chuyên gia không đồng tình việc tăng thuế giá trị gia tăng từ mức 5% lên 10% với lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Theo tờ trình dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ban soạn thảo đề nghị bỏ quy định "Hoạt động văn hóa, triển lãm , thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật ; sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim" thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% sang áp dụng mức thuế suất 10%.
Nhà nghiên cứu độc lập về không gian sáng tạo Trương Uyên Ly cho rằng khi nhìn vào mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 19-25% của một số nước trên thế giới, có thể thấy mức thuế của Việt Nam là khá thấp.
Tuy nhiên, khi so sánh với mức thuế VAT của các ngành khác với ngành văn hóa sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt.
"Mặt bằng chung thuế VAT ở các nước Châu Âu dao động từ 19-25% nhưng với các ngành văn hóa , xuất bản, triển lãm, biểu diễn, thuế giá trị gia tăng thường dao động ở mức 7-8% hoặc 11-12%. Có thể nói, mức thuế cho ngành văn hóa chỉ bằng khoảng 1/3 mức thuế áp dụng cho các ngành hàng khác", chuyên gia Trương Uyên Ly nhận định.
Nếu con số 1/3 ấy cũng áp dụng lên mức thuế Việt Nam thì sẽ thế nào? Hiện tại Việt Nam đang áp dụng 3 mức thuế là 0%, 5% và 10%. Vậy nếu giảm 1/3 so với mức hiện tại, ngành văn hóa sẽ có mức thuế VAT cao không quá 4%.
Bà Trương Uyên Ly khẳng định khi nghiên cứu về các chính sách phát triển của các quốc gia khác, văn hóa luôn là ngành được ưu tiên. Theo đó nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển văn hóa luôn được ấn định trong chính sách, đặc biệt, giảm thuế luôn là một phần cố định trong chính sách này.
Chính sách đầu tư cho văn hóa ở Việt Nam còn chưa rõ ràng.
"Sự đầu tư, hỗ trợ ban đầu thường kéo dài 5-10 năm sau đó sẽ kiểm nghiệm quá trình đầu tư để quyết định mở rộng hoặc nhân rộng. Tuy nhiên, dù nhân rộng hay giữ nguyên quy mô, các nhà đầu tư luôn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước", chuyên gia Trương Uyên Ly nêu.
Ở nước ngoài, việc đầu tư cho văn hóa đang được thực hiện rất tốt từ chính sách đến thực tiễn. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc đầu tư cho văn hóa vẫn bị coi là "nằm trên giấy".
"Đảng và Nhà nước có nhiều văn bản nhấn mạnh cần ưu tiên, đề ra các nhiệm vụ nhằm hoàn thiện chính sách để tạo sự ưu đãi cho ngành văn hóa, công nghiệp văn hóa. Trong khi những chính sách này còn chưa rõ ràng, thuế VAT lại tăng lên 10%, ngang bằng với các ngành khác. Điều này liệu có đang đi ngược với định hướng trước đó", bà Trương Uyên Ly cho biết.
Có nên đánh thuế theo lộ trình?
Thuế VAT đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Khi thuế tăng người tiêu dùng muốn thụ hưởng các sản phẩm văn hóa buộc phải trả số tiền cao hơn. Điều này khiến số người quan tâm đến văn hóa nghệ thuật ít dần đi.
PGS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - sốc khi biết đề xuất tăng tăng thuế lên gấp đôi với lĩnh vực văn hóa, thể thao. Bà cho biết khi thuế giá trị gia tăng ở mức 5%, văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng đã phát triển rất "èo uột". Ngành văn hóa sẽ chống đỡ ra sao nếu tăng lên 10%.
Công nghiệp điện ảnh và công nghiệp biểu diễn có thành quả đáng mừng không có nghĩa văn hóa trở thành "con gà đẻ trứng vàng".
"Trong khi chủ trương trước đó luôn nhấn mạnh phải hỗ trợ, đặt văn hóa phát triển ngang hàng với các ngành kinh tế xã hội khác mà lại có cơ chế về thuế như vậy là không nhất quán. Công nghiệp văn hóa của chúng ta mới manh nha phát triển, một số ngành ghi nhận thành quả đáng mừng ở một số phim điện ảnh và biểu diễn, không nên áp mức thuế chung cho cả ngành", PGS.TS Từ Thị Loan nhận định.
PGS.TS Từ Thị Loan đề xuất việc tăng thuế VAT nên được làm theo lộ trình hoặc phân loại theo từng lĩnh vực. Theo đó, không nên nâng mức thuế từ 5% lên 10% mà cần xây dựng lộ trình tăng dần qua các năm.
Sân khấu gặp khó trong cơ chế thị trường.
"Sân khấu hiện đại hay truyền thống đều khó khăn trong cơ chế thị trường. Các loại hình nghệ thuật này đang rất cần sự ưu tiên từ Nhà nước. Việc đánh thuế cần xem xét về doanh thu của loại hình đó để đưa ra mức thuế phù hợp. Hiện tại đề xuất tăng thuế đang mang tính cơ học, máy móc cho toàn ngành", PGS.TS Từ Thị Loan nêu.
Vị chuyên gia này nhận định từng có thời điểm Việt Nam nở rộ hiện tượng xem chùa, dùng chùa, thậm chí là livestream phim trên không gian mạng. Hiện nay, tình trạng này đã giảm xuống người dân kêu gọi nhau ra rạp để ủng hộ phim Việt. Điện ảnh Việt vì vậy cũng dần có sức hút và kéo khán giả trở lại rạp.
"Người dân cũng bắt đầu có thói quen đến nhà hát xem kịch, vậy mà lại giáng một đòn thuế xuống, khác nào vùi dập thị trường vừa nổi lên. Nếu tăng thuế nhàm mục đích kích thích thị trường, ban soạn thảo luật cần nghiên cứu kỹ càng hơn. Việc tăng thuế với ngành văn hóa có nên áp dụng với những hoạt động đang thu hút được sự chú ý của công chúng hay không?", PGS.TS Từ Thị Loan đề xuất.
Khi cơ chế thị trường lên ngôi, các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống cần sự sáng tạo để hòa hợp với dòng chảy đương đại. Tuy nhiên, sức sáng tạo của con người cũng có giới hạn. Vì vậy để bảo tồn các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống cần nhiều hơn sự chung tay giúp sức từ Nhà nước.
Việc tăng thuế VAT khi nhập khẩu phim phần nào phù hợp ở thời điểm hiện tại bởi Việt Nam đang cần thúc đầy thị trường phim nội địa. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả tốt nhất trong phát triển điện ảnh cần xem xét thực hiện đồng thời việc giảm thuế cho các nhà sản xuất phim và tăng thuế nhập khẩu phim.