Đến ngày 9/8, trên địa bàn Nghệ An đã có 100 xã của 18 huyện, thị, thành phố đã được công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, với sự nỗ lực phòng chống dịch của địa phương, đến ngày 9/8, đã có 100 xã (của 18 huyện, thành phố, thị xã) được công bố hết dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên có 6 xã tái dịch.
Sự vào cuộc của người chăn nuôi góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng
Hiện còn 13 huyện có dịch chưa qua 30 ngày: Quỳnh Lưu (6 xã), Tân Kỳ (1 xã), TX Hoàng Mai (2 phường), Nam Đàn (1 xã), Đô Lương (7 xã), Diễn Châu (6 xã), Hưng Nguyên (2 xã), Kỳ Sơn (10 xã), Yên Thành (17 xã), TP Vinh (2 phường, xã), Con Cuông (1 xã), Tương Dương (4 xã), Quế Phong (6 xã).
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện nay, diễn biến của dịch chủ yếu lây lan từ hộ này sang hộ khác trong thôn, xóm, xã đang có dịch. Trong đó "nóng" nhất là các địa phương: Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu); Nhân Thành, Phúc Thành, Hậu Thành, Đồng Thành (Yên Thành), Tri Lễ, Quang Phong, Cắm Muộn (Quế Phong), Quang Sơn (Đô Lương).
Thực hiện tốt giải pháp chốt kiểm soát dịch, sẽ khống chế được dịch trong diện hẹp. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Quỳnh khuyến cáo, dù lợn thịt đang có chiều hướng tăng giá, nhưng bà con chưa nên vội tái đàn lúc này, bởi dịch còn diễn biến phức tạp. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền bà con tăng cường công tác vệ sinh môi trường chuồng trại; khi khống chế được dịch, bà con nên đầu tư chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, là chìa khóa duy nhất để đẩy lùi dịch bệnh, trong bối cảnh vẫn chưa có vắc xin điều trị bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 huyện, thị chưa có dịch (Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa và Cửa Lò); có 5 huyện hết dịch: Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghi lộc.