Cơn lũ đã đi qua gần 1 năm nhưng con đường vào trung tâm xã Mường Ải (Kỳ Sơn) vẫn còn đó những khó khăn, vất vả. Dọc đường đi, chúng tôi liên tiếp bắt gặp những biển “cảnh báo sạt lở, nguy hiểm” và phải mất gần 3 tiếng đồng hồ mới vào được Trường Tiểu học Mường Ải.
Đây cũng là ngôi trường bị thiệt hại nặng nề nhất sau 2 cơn lũ quét liên tiếp xảy ra vào tháng 8/2018. Trong đó, nặng nề nhất là dãy nhà công vụ dành cho giáo viên của trường bị lũ cuốn hoàn toàn. Khu vực phòng học bị bùn, đất sạt lở tràn vào làm hư hỏng nhiều thiết bị dạy và học.
Để dựng lại nhà công vụ cho giáo viên không dễ dàng khi giá thành để xây dựng và mua sắm vật liệu đội lên gấp 3, gấp 4 so với giá thị trường. Chính vì lẽ đó, khi Công đoàn Giáo dục Việt Nam quyết định chọn Trường Tiểu học Mường Ải để hỗ trợ xây dựng nhà công vụ mới thì không những thầy, cô mà phụ huynh, học sinh ở đây cũng rất đỗi vui mừng. Sau gần 3 tháng thi công, công trình với giá trị hơn 700 triệu đồng cũng đã kịp hoàn thành trước thềm năm học mới.
Nhà công vụ cho giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải hoàn thành trước năm học mới 2019-2020. Ảnh: Mỹ Hà
Tuy vậy, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, hiện đang còn hơn 40 phòng học tạm, phòng học mượn và hàng trăm phòng học khác đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó nhiều công trình đang hư hỏng nặng như dãy phòng học của Trường Mầm non Mường Típ, khu nhà nội trú và bán trú của học sinh Trường THCS Nậm Típ và khu nhà bán trú cho học sinh và nhà nội trú cho giáo viên ở Trường THCS Mỹ Lý 2.
Ông Phan Văn Thiết - Phó Phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: “Tất cả những phòng học, phòng ở của các trường vùng lũ hiện đã xuống cấp trầm trọng và gần như đã không thể sử dụng được. Tuy nhiên, vì chưa được đầu tư xây mới nên chúng tôi đang phải tận dụng và “hư chỗ nào, vá chỗ ấy” để không làm gián đoạn việc dạy và học của giáo viên và học sinh...”.
Giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải (Kỳ Sơn) sửa soạn chuẩn bị cho năm học mới.Ảnh: Mỹ Hà
Được biết, trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục cũng đã hỗ trợ huyện Kỳ Sơn 14 tỷ đồng để tu sửa cơ sở vật chất. Tuy nhiên, vì nguồn kinh phí ít, địa bàn lại trải dài, điều kiện vận chuyển khó khăn nên không có trường nào được xây mới mà chủ yếu vẫn là sửa chữa nhỏ.
Bài toán lớp tạm, học nhờ, học mượn cũng diễn ra tại nhiều địa phương vùng cao khác. Tại huyện Quế Phong, trong năm nay đã có 40 phòng học được tu sửa, xây dựng mới, trong đó có 19 phòng đang hoàn thiện với tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đáp ứng đủ khi toàn huyện vẫn còn hơn 41 phòng học tạm bợ, phòng học mượn và chủ yếu tập trung ở vùng đặc biệt khó khăn.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 1.000 phòng học tạm. Ảnh: Tiến Hùng
Những phòng học mượn ở thành phố, thị xã
Trên toàn tỉnh, hiện qua thống kê đang còn gần 1.000 phòng học tạm, mượn và hơn 5.000 phòng học bán kiên cố, trong đó nhiều phòng học đã hư hỏng, xuống cấp cần được đầu tư mới để thay thế.
Tại xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), bước vào năm học 2019 – 2020, xã đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng dãy nhà 18 phòng học mới cho Trường Tiểu học Quỳnh Lập A, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học nơi đây. Vì thế, năm học này, chỉ mới hơn một nửa học sinh được chuyển về địa điểm mới. Còn lại, các em vẫn đang học địa điểm cũ trong tình trạng xuống cấp và dự kiến sẽ học chung với học sinh mầm non.
Trường Tiểu học Quỳnh Lập A đang được được xây dựng để chuẩn bị cho năm học mới.Ảnh: Mỹ Hà
Học sinh ở Trường Tiểu học Quỳnh Lập B vẫn phải học trong ngôi trường cũ đã xuống cấp. Riêng bậc mầm non thì thiệt thòi hơn vì toàn xã đang còn 14 phòng học phải học tạm ở nhà văn hóa.
“Nhiều năm nay ở đây “trường không ra trường, lớp không ra lớp”. Các cháu mầm non đến 3 tuổi vẫn phải ở nhà vì trường chỉ ưu tiên cho học sinh 4 - 5 tuổi, học sinh không được học bán trú” - ông Nguyễn Ngọc Hà – Bí thư chi bộ - Xóm trưởng xóm Đồng Thanh.
Ngay tại địa bàn thành phố Vinh, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã xây dựng thêm 367 phòng học mới, phòng học chức năng, mở rộng thêm nhiều khuôn viên các trường nhưng vẫn thiếu phòng học.
Tại Trường Tiểu học Trường Thi, cô Lê Thị Hồng Lam - Hiệu trưởng nhà trường lo lắng nói: “Mấy năm nay các chung cư trên địa bàn đưa vào sử dụng ngày càng nhiều nên số học sinh ở bậc tiểu học và mầm non tăng đột biến. Riêng trường chúng tôi, năm học này thiếu 13 phòng học và trước mắt học sinh khối 5 phải mượn phòng học của trường THCS, 4 khối còn lại thì phải học luân phiên, không được nghỉ thứ Bảy”.
Trước những bất cập này, mới đây vào cuối tháng 5, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, 5 năm tới, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới 3.285 phòng học, 5.730 phòng chức năng, thực hành thí nghiệm và 1.528 phòng học cho các lớp tăng thêm với tổng kinh phí hơn 8.000 tỷ đồng.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: “Đầu tư cơ sở vật chất là việc cần thiết hiện nay. Điều đó, không chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về học tập của các nhà trường mà còn để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh”.
baonghean