50 năm cuộc đời của Duy Mạnh cũng là 50 năm anh được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước. Từ một đứa trẻ háo hức trước chiếc tivi đen trắng của thời bao cấp, cho đến một người đàn ông tâm đắc với sự xuất hiện của đường cao tốc trải dài khắp đất nước. Từ một nhạc công với cát xê chỉ 60 nghìn/ buổi đang tập tành sáng tác những bài hát đầu tiên, cho đến một người nghệ sĩ nổi danh có con gái cưng theo gót cha bước chân vào làng nhạc. 50 tuổi, Duy Mạnh không chỉ là một ca sĩ, nhạc sĩ, mà còn là một nghệ sĩ đã ở đó cùng những bước ngoặt của âm nhạc, và là một con người đã thật sự lớn lên cùng đất nước, thấy Việt Nam trong cả những ngày gian khó trước khi có được sự rực rỡ hôm nay.
Nghe Duy Mạnh kể chuyện 50 năm
Em được biết là anh Duy Mạnh sinh năm 1975 nên năm nay cũng sắp 50 tuổi rồi. Cảm giác của anh thế nào khi sắp chạm vào một cột mốc tuổi tác cũng khá quan trọng của đời người?
Tôi thấy mỗi ngày trôi qua đều vui. Đặc biệt tuổi 50 năm nay cũng đúng vào dịp tròn 50 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi sinh ngày 22/05/1975, chỉ ngay sau khi đất nước thống nhất thôi. Vậy nên với tôi thì đó cũng là một năm mà tôi cảm thấy nhiều niềm vui và may mắn. Để có được ngày hôm nay thì chúng ta hãy nhìn lại hàng nghìn năm lịch sử, biết bao nhiêu thời kỳ - và 50 năm vừa qua chính là một giai đoạn mà cả đất nước được sống trong nền độc lập và hòa bình trọn vẹn. Mấy ngày hôm nay tôi thường quay lại đọc tất cả những sách vở lịch sử thì nhận ra: Đây là thời kỳ thịnh vượng nhất của đất nước chúng ta từ trước đến nay.
Bố tôi là người Nam tập kết ở miền Bắc, tôi vào Tp.HCM từ những ngày còn nhỏ lắm, mới 4-5 tuổi thôi. Hồi đấy ngoài Bắc có xích lô đạp nhưng trong này đã có xích lô máy, ngoài Bắc chưa có taxi thì trong này đã có taxi ở đường Hàm Nghi rồi. Cũng từ những ngày ấy mà tôi cảm nhận được hết nhịp sống, ngay cả kiến trúc, nhà ở ngoài kia và trong này cũng khác hẳn nhau. Sau này khi đi hát và bắt đầu có chút thành công - tạm gọi là nổi tiếng đi - tôi lại được đi thêm nhiều nơi trên khắp đất nước mình. Điều đó giúp tôi cảm nhận sâu sắc sự thay đổi rõ rệt và phát triển mạnh mẽ của đất nước mình. Ngày trước, chỉ riêng văn hóa nghe nhạc, chơi nhạc thôi mà từ bên này sông với bên kia sông đã khác nhau rồi. Cùng là Hải Phòng thôi nhưng bên kia là Thủy Nguyên cũng có những thứ khác biệt lớn, trai làng này đến mà ghẹo con gái làng khác là không cẩn thận bị… ăn đòn. Nhưng từ khoảng 10 năm trước, khi bắt đầu có đường cao tốc nối liền tất cả lại thì văn hóa và âm nhạc có cơ hội xích lại gần nhau.

Trong những năm đầu tiên được sinh ra và lớn lên trong nền hòa bình, điều gì khiến anh cảm nhận được sâu sắc tình yêu nước của người Việt mình ạ?
Ngày còn học ở ngoài Bắc, tôi thấy tình yêu nước của người Việt mình thể hiện qua sự gắn kết trong gia đình, trong tình làng nghĩa xóm. Nói gì thì nói, người Việt mình có thể tranh cãi, có thể bất đồng quan điểm với nhau - nhưng ai mà bị tổn thương là sẵn sàng cùng nhau đứng lên. Bởi thế mà sau này, những đợt bão lũ, chỉ cần bà con gặp khó khăn là cả nước lại đồng lòng hướng đến. Cãi nhau chí chóe đấy nhưng đụng đến tự hào dân tộc thì tự nhìn về một phía. Đặc biệt là khi tôi đi xem mấy trận bóng đá, từ những ông mà nói chuyện có vẻ gấu mèo lớp ba lớp bớp thế nào, đến lúc chào cờ nghe Quốc ca là tất cả im phăng phắc ngay. Tôi nghĩ, đó là một điều rất thiêng liêng.

Trong suốt 50 năm lớn lên và chứng kiến đất nước chuyển mình, sự thay đổi nào khiến anh tự hào nhất ạ?
Tôi vốn là người thích xem những bộ phim lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam. Xem lại những bộ phim ngày xưa, đặc biệt là những phim có bối cảnh thời bao cấp, tôi đều thấy đồng điệu vì ngày bé đã từng được xem những bộ phim đó ở bãi chiếu bóng rồi. Người Việt Nam mình đã trải qua biết bao nhiêu thời kỳ khó khăn lẫn chiến tranh như thế, vậy mà vẫn vô tư lạc quan để có được ngày hôm nay.
Với âm nhạc, sự chuyển mình có thể nhìn thấy được là từ những năm 97, 98, chúng ta mới biết khái niệm “fan” là thế nào, trước đó mới là “khán giả” thôi. Các ca sĩ như Lam Trường, Phương Thanh bắt đầu hào hứng bước chân vào âm nhạc, và từ đó Vpop bắt đầu phát triển rất mạnh.
Khoảng hơn chục năm trở lại đây thì đất nước mình thật sự đã phát triển rất mạnh mẽ rồi. Và để có được tốc độ phát triển đấy, chúng ta phải nhắc đến yếu tố con người. Có một ví dụ rất dễ thấy như này: Khoảng 20 - 30 năm trước, các bạn du học sinh khi sang nước ngoài du học đều có tư tưởng muốn ở lại. Mình đã đóng tiền học cho họ, mình thu nạp chất xám rồi lại dành cho họ, thuế mình cũng nộp cho họ nữa. Nhưng khoảng 10 năm gần đây, các bạn trẻ đều cảm thấy thôi thúc muốn quay trở lại Việt Nam sáng tạo và nắm bắt cơ hội, dùng những gì mình học hỏi được để phát triển ở chính quê hương mình. Thứ hai nữa là từ ngày có đường cao tốc, di chuyển khắp nơi trên đất nước mình đều rất nhanh và gần. Gần đây nữa lại có nghị định mới là sáp nhập các tỉnh thành với nhau, tôi rất ủng hộ. Ngày xưa vì vẫn còn lạc hậu, chưa có đủ máy móc và quy trình, thế nên mới phải dùng con người và chia ra huyện, xã, tỉnh… để quản lý. Bây giờ, đường cao tốc đã nối liền rồi nên việc hợp nhất một số vùng miền với nhau để quản lý là cực kỳ hợp lý. Thế hệ con cháu tôi sau này sẽ không còn có khái niệm phân biệt vùng miền nữa, con người như nhau, văn hóa gần gũi nhau. Sự sáp nhập đó sẽ giúp chúng ta đoàn kết, gắn bó và quản lý con người một cách thấu đáo hơn.

Anh có nhớ ký ức về thời bao cấp không ạ?
Có chứ! Tôi nhớ hồi nhỏ, lúc còn học ngoài Bắc thì sáng đi mua rau cũng phải cầm tem phiếu xếp hàng, ăn phở cũng dùng tem phiếu. Nhưng thật ra ngày đó tôi cũng có cuộc sống khá đầy đủ, vì gia đình tôi làm nghề chụp hình. Tôi vẫn nhớ ngày đó bộ đội ở vùng tôi, trước khi đi chiến tranh biên giới thường đến nhà tôi chụp một tấm hình kỷ niệm. Ngày ấy chụp ảnh giống như một hình thức giải trí vậy. Nhà tôi cũng đông khách và có điều kiện nên bố tôi cho mấy anh em đi học nhạc. Lâu lâu lại có đoàn ca nhạc từ miền Nam ra đi diễn ở ngoài Bắc, nên mấy anh em chúng tôi hay rủ nhau đi xem. Thời bao cấp thì cũng khó khăn đấy, nhưng âm nhạc thì lại rất vui tươi. Ví dụ như các bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến, “ngoài kia có chú bé trèo cây me” - đúng là dù cuộc sống có vất vả nhưng con người ta vẫn luôn hướng đến cái gì đó thật lạc quan.
Ký ức đầu tiên của anh với âm nhạc trong thời kỳ đó là gì ạ?
Tôi có 3 người anh trai chơi nhạc. Một anh đi nghĩa vụ chơi kèn trong Quân khu 3 ở Hải Phòng. Còn 2 anh trai thì theo đoàn ca múa nhạc Long An biểu diễn. Thời đó 2 anh trai tôi còn đi theo đoàn ca múa qua tận Campuchia để đánh nhạc. Nhìn các anh chơi nhạc tôi đã rất thích. Thời đó cũng bắt đầu du nhập một chút âm nhạc của nước ngoài: Modern Talking rồi ABBA chẳng hạn. Ngày ấy chỉ có tivi đen trắng thôi, tôi vẫn nhớ World Cup năm 1986 vẫn đang xem trên tivi đen trắng mà. Điện thì chỉ có 1 ngày/tuần, về sau thì lên được 2 ngày nhưng cũng phải 6h chiều mới có.

Và rồi từ đâu, cái duyên nào đưa đẩy khiến âm nhạc trở thành sự nghiệp của anh?
14 tuổi, tôi bắt đầu chơi nhạc. 15 tuổi, tôi vào miền Nam đánh đàn organ. Ngày ấy, bố Huỳnh Hiếu là một người đánh piano ở nhà hàng Continental. Bố đánh từ 6h tối cho đến 12h đêm, và cứ mỗi lúc bố nghỉ giải lao thì tôi lại vào đánh thay. Sau này thì tôi cũng đi học nhạc, có thêm chút tiền lại đi học piano của anh Nguyễn Quang, con bố Nguyễn Ánh 9. Lúc đó tôi xin vào một nhà hàng Hàn Quốc đánh. Tôi vẫn nhớ có 1 nghệ sĩ khác đánh được 50-60 nghìn cho 6 tiếng, nhưng vì tôi mới vào nghề nên chỉ được có 30 nghìn thôi. Rồi tôi vào Nhạc viện học một thời gian thì ra ngoài đánh trong các quán bar rất nhiều, vừa đàn vừa hát. Anh trai tôi dạo ấy mở một quán tại Hải Phòng nên tôi cũng ra đàn hát cho anh một thời gian, sau đó trở lại làm album. Album đầu tiên đó không thành công lắm vì không có tiền để phát hành, tôi lại… về Hải Phòng. May sao lúc đó một vài nghệ sĩ bắt đầu mua lại các bài hát của tôi, và từ đó mọi người dần biết tôi với vai trò viết nhạc.
Tại sao anh lại quyết định làm một album ở thời điểm đấy ạ? Dường như, đó là một quyết định rất lớn với một nghệ sĩ của những năm rất mới mẻ với âm nhạc ấy.
Ngày xưa tôi chỉ đánh đàn thôi, nhưng khi đi đánh đàn và hát rồi thì tôi mới biết là mình có một chất giọng rất đặc biệt. Chính cái giọng đặc biệt này đã gây không ít khó khăn cho tôi bởi các nhạc sĩ không thích giọng của tôi và họ muốn khi tôi hát bài của họ thì phải hát kiểu họ muốn. Tôi thì lại hơi tự do. Sau này khi quyết định làm album, tôi nghĩ mình nên tự viết nhạc. Tôi nghe các nghệ sĩ tầm tuổi mình lấy nhạc Hoa và viết lời Việt và biết rằng mình có thể làm được tương đồng hoặc tốt hơn thế. Nhưng ngày đó có tiền thu thì lại không có tiền để phát hành, tôi không biết đường đi nước bước như thế nào để cho ra mắt một CD - thế nên lại bỏ dở. Thời kỳ đầu vào Tp.HCM, tôi đi hát một tối được khoảng 80-100 nghìn. 1 tuần hát 5 tối, một tháng kiếm được hơn 2 triệu, đủ thuê một căn phòng 500 nghìn và chi tiêu. Ngày ấy tôi quyết tâm làm album vì ca sĩ hồi đó chỉ cần trúng 1 bài thôi là người ta biết đến, chứ không cần dùng nhiều chiến lược truyền thông như bây giờ. Tôi dồn rất nhiều cảm xúc và ước mơ, hy vọng vào album đấy - bởi tôi vốn là một người sống rất cảm xúc. Đùng một cái, ra Bắc thì tôi lại quen vợ tôi bây giờ. Tôi… lấy vợ và có em bé, thế nên lại phải quay ra vì sợ không đủ chi phí cho gia đình. Đến lúc ra lại Hà Nội rồi thì cái album dở dang ấy được nhiều ca sĩ biết và hỏi mua, tôi bán bài hát độc quyền cho họ cũng được khoảng 3 triệu/ bài. Và thế là tôi cứ viết nhạc bán cho ca sĩ, rồi lấy tiền đấy quay lại làm album.
Từ trải nghiệm của một người nghệ sĩ đã đi lên trong giai đoạn non trẻ nhất của Vpop, cho đến góc nhìn của một người cha có con gái cũng đang trải nghiệm những bước chân đầu tiên với tư cách một ca sĩ - anh thấy làm nghệ sĩ ngày xưa và làm nghệ sĩ bây giờ có điều gì khó khăn và thuận lợi?
Mỗi thời sẽ có những khó và cái dễ riêng. Thời của tôi có cái dễ là chỉ cần làm nhạc, làm hay và cảm xúc là được. Nhưng khó ở chỗ muốn phát triển về mặt thương mại cần có tư duy, nhiều người có thể học hành và chơi nhạc rất giỏi nhưng họ bị gò bó trong một cái công thức chung. Ngày trước, muốn nổi tiếng thì ca sĩ phải vào trong Tp.HCM này mới có thị trường để tiếp cận những người bầu show, được quay những show lớn như Giai Điệu Tình Yêu hay Quà Tặng Trái Tim. Thời ấy mà chơi nhạc thì đôi khi cũng cần phải có những mối quan hệ để nhạc sĩ đưa bài cho mình, mình mua được bài, rồi có ekip đưa mình lên những chương trình lớn.
Bây giờ thì thị trường của các bạn trẻ đã mở rộng hơn rất nhiều, nhưng nếu ngày xưa chỉ cần giọng hát và bài hát hay thôi, thì bây giờ các bạn có sự cạnh tranh khủng khiếp. Hát hay chưa hẳn là yếu tố quan trọng nhất mà các bạn phải có một kế hoạch truyền thông và cả chiến lược xây dựng hình ảnh bài bản. Khái niệm nghệ thuật của tôi vốn là: Dùng âm thanh và hình ảnh để làm người khác mê mẩn, khiến họ thích thú. Ngày xưa bọn tôi chỉ mới dùng âm thanh để khiến khán giả phải ngồi xuống nghe và thưởng thức thôi, nhưng bây giờ các bạn trẻ phải dùng hình ảnh để người ta thích mình nữa. Ngày xưa nghệ sĩ bắt buộc phải hát hay, nhưng các bạn trẻ bây giờ ngoài việc hát còn phải giao tiếp, xây dựng và giữ gìn hình ảnh nữa. Thời chúng tôi ngày xưa đôi khi nghệ sĩ có thể ngồi vỉa hè hút điếu cày hay hút thuốc lá trông thì ngầu đấy, bây giờ nghệ sĩ mà cầm điếu thuốc hút thôi là mất quảng cáo như chơi. Áp lực lắm.

Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ… bỏ nghề chưa ạ?
Bỏ nghề thì chưa. Tôi nghĩ là nếu mình còn sức khỏe thì cứ đi hát thôi. Nhưng cũng có thời gian, tôi cảm thấy không vui khi đi hát trên sân khấu, thật sự bị stress . Tôi đi hát phòng trà, lại còn hát nhạc buồn nữa, mà hát phòng trà thì phải hát gần hai chục bài, rồi phải nói chuyện để giao lưu cho vui, nhiều khi phải… bịa ra chuyện để nói với khán giả. Thế là tôi chuyển qua đi hát nhạc vũ trường nhiều thì phải làm nhạc remix. Thấy cũng vui. Nhưng cũng được 6-7 năm thôi thì tôi lại thấy chán, bởi vì nó không phải nghệ thuật. Thị trường âm nhạc vào thời của tôi không có nhạc vui mà phải lấy nhạc buồn ra remix, nên những bài như Kiếp Đỏ Đen nghe buồn như vậy nhưng lại mang ra làm nhạc giật đùng đùng khiến tôi thấy mình giống cỗ máy đi hát. Nhưng gần đây thì tôi lại viết ra được những bài nhạc giật đúng nghĩa như bài Thích Phông Bạt hay Ăn Táo Tàu - tôi lại thấy vui. Nói chung là cũng tùy thời điểm.
Vậy với những vai trò như nhạc sĩ, ca sĩ thì anh tận hưởng vai trò nào hơn ạ?
Thật ra mỗi vai trò chỉ khác nhau về mặt hình thức thôi. Lên sân khấu thì tôi phải làm đủ vai trò để mang lại niềm vui cho khán giả, còn khi sáng tác thì tôi phải tận hưởng sự cô đơn khiến tôi phải hơi stress một tí, suy nghĩ nhiều một tí - thì lúc đấy tôi lại muốn tìm đến âm nhạc để hòa mình vào nó. Đúng nghĩa thì tôi thích vai trò một người viết nhạc hơn. Viết ra được một bài hát tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì mình tìm được cái mới, và những bài hát hay sẽ để lại dấu ấn cho cuộc đời tôi lâu nhất.
Thế còn vai trò của một người cha thì sao ạ?
Khi dạy con, tôi có một khái niệm thế này: Con người có cái tính khiến họ phát triển nhưng cũng có thể khiến họ xấu xa - đó là tính tham. Tôi dạy con mình không nên tham quá. Thấy đồ của ai rớt thì mặc kệ, tốt nhất đừng đụng vào, thấy rồi chụp ảnh đăng lên mạng mà tìm - đấy là nguyên tắc. Trong cuộc sống, tôi dạy con tôi cái quan trọng nhất là sức khỏe, cái thứ hai là thời gian và cái thứ ba mới đến kiếm tiền. Tôi cũng chỉ mong con mình cố gắng có sức khỏe tốt, đi ra cuộc sống đừng nghĩ tới chuyện kiếm tiền mà hãy nghĩ kiếm việc gì mà làm. Nói thật là tôi chỉ sợ không có việc làm thôi, vì không có việc làm mà tự dưng có cục tiền rơi vào đầu cũng hỏng.
Thế đâm ra là chính tôi cũng luôn luôn tìm một công việc để làm hay một động lực để theo đuổi. Ví dụ gần đây tôi theo đuổi một dòng nhạc mới, tôi biết có nhiều người không thích nhưng một số bạn trẻ lại thích. Tôi lấy cái đó làm động lực để tập nhảy và sẽ cố gắng nhiều hơn. Tôi thấy vui vì điều đó, chứ nếu không có mấy bài hát vui đó thì tôi đâu tập nhảy và đâu thể giảm cân được.

Anh có từng cho Cầm lời khuyên nào khi ban mới vào nghề không?
Tôi có nói với Cầm rằng: Trước khi đến với âm nhạc thì mình phải chơi với nó đã. Chơi với nó mình thấy vui thì con đường phía trước đi đến đâu mình mới trải nghiệm tiếp. Nếu thấy đi cùng nó được thì mình sẽ chơi tiếp, còn nếu không được thì dừng lại thôi. Cuộc sống mà, sinh ra là chúng ta sẽ phải lựa chọn nhiều thứ để chơi. Âm nhạc hay thể thao, ngay cả công việc cũng là thứ mà mình phải học cách chơi.
Tôi khuyên Cầm và các bạn của Cầm rằng: Thời của các bạn bây giờ tất nhiên phải học hỏi, nhưng ngoài học hỏi trên sách vở và kiến thức, thì với vai trò của một người viết nhạc - mình phải nhìn ra cuộc sống xung quanh bằng một đôi mắt có chiều sâu, chú tâm vào chi tiết - như vậy mới viết được nhạc. Cố gắng để vượt qua những cám dỗ của thời này cũng là điều khó. Xung quanh có biết bao nhiêu thứ khiến chúng ta có thể xao lãng, từ Facebook cho đến Youtube - toàn những thứ thú vị nhưng cũng có đôi phần xấu xa. Vậy nên phải biết phân tích và phải có cả sự logic. Ngay cả tôi cũng vậy, chơi Facebook mà thấy cái gì không tích cực là… block luôn.

Là một nghệ sĩ đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi của nền âm nhạc Việt Nam, anh thấy những bước tiến của Vpop trong thời gian gần đây phản ánh điều gì về sự thay đổi của đất nước?
Thời của tôi để tìm đươc một nghệ sĩ, một người làm kỹ thuật phòng thu, làm âm thanh - đều không có người làm chuyên môn, hoặc nếu có thì kiến thức của họ không được như bây giờ. Các bạn trẻ hiện đại được tiếp cận với công nghệ từ sớm nên các bạn rất giỏi.
Cái nữa là ở thời của tôi, việc để sản phẩm có cơ hội lan tỏa sang thị trường nước ngoài cũng là rất khó. Rào cản ngôn ngữ là một, phong cách âm nhạc cũng không tiệm cận với thế giới. Các bạn trẻ bây giờ không chỉ hát, sáng tác, mà còn nhảy và có hình ảnh rất trẻ trung và bắt kịp những xu hướng mới nhất. Tôi nghĩ, âm nhạc Việt Nam cũng có tốc độ phát triển như cách mà đất nước mình đang phát triển. Âm nhạc Việt Nam cũng ngày càng đa dạng với tất cả các dòng nhạc. Ngày xưa làm gì có chuyện đó, mọi người chỉ nghe ballad là nhiều thôi.
Câu hỏi cuối cùng ạ: Anh cảm thấy thế nào khi nghe câu “Hòa bình đẹp lắm”?
Câu đấy ngắn gọn mà chính xác nhất. Vừa rồi khi xem những hình ảnh diễn tập diễu binh kỷ niệm 50 năm thôi mà tôi cảm thấy tình yêu nước của mình được trỗi dậy, được ôn lại, được nhìn lại những bộ quân phục của các bác cựu chiến binh. Những ký ức ngày nhỏ ùa về, tôi đã từng được xem những bộ phim về kháng chiến trong suốt thời thơ ấu, và nhìn lại những hình ảnh ấy khiến tôi nhớ lại những ký ức thật đẹp. Cộng hưởng với sự hào hứng, tự hào của các bạn trẻ bây giờ khiến tôi cảm thấy thời khắc này rất tuyệt vời.

Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện này!