Sinh năm 1991, tại Ân Thi - Hưng Yên trong một gia đình không ai theo nghệ thuật, Nguyễn Văn Bốn đến với nghệ thuật múa rối nước một cách tình cờ. Yêu thích nghệ thuật truyền thống từ nhỏ, học xong lớp 12, anh có ý định nộp hồ sơ thi vào lớp hát chèo hoặc đi học nhạc công. Tuy nhiên, khi biết tin có lớp học múa rối, Nguyễn Văn Bốn đã nộp hồ sơ thi vào Nhà hát Múa rối Thăng Long và bén duyên với múa rối nước từ đó.
Sau khi được tuyển vào Nhà hát Múa rối Thăng Long, được tiếp xúc với múa rối nước, Nguyễn văn Bốn càng thêm tin tưởng vào con đường nghệ thuật mà anh lựa chọn. Anh đã thực sự yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Bởi, múa rối nước là môn nghệ thuật độc đáo, chỉ có duy nhất của Việt Nam. Đó là sự kết tinh từ sự tìm tòi, óc sáng tạo của cha ông ta trước cuộc sống bình dị, gắn liền với nghề nông nghiệp trồng lúa nước.
Nguyễn Văn Bốn bị cuốn hút bởi sự mộc mạc, hồn nhiên trong sáng của những con rối tưởng như vô tri ấy, lại được thổi hồn thành những nhân vật sống, có tiếng nói, hát múa rất linh hoạt. Ở nhà hát, anh được cử đi học về múa rối tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Sau hai năm miệt mài trên ghế nhà trường, trở lại Nguyễn Văn Bốn nhà hát vừa học, vừa tập luyện, biểu diễn vào các buổi tối. Đến năm thứ ba, nhà hát đã tạo điều kiện cho những diễn viên trẻ như anh được đi biểu diễn rối cạn ở các trường mầm non, tiểu học.
Hơn 10 năm bén duyên cùng múa rối nước với bao khó khăn, nhưng niềm đam mê nghệ thuật truyền thống là sợi dây giữ anh lại với nghề. Anh chia sẻ: “Vào mùa đông rất vất vả. Có những hôm lạnh dưới 10 độ, mà số buổi biểu diễn lại nhiều, mỗi lần xuống nước là cả một vấn đề. Nhưng cái duyên với nghề thì mình phải say, phải cống hiến để biểu diễn cho khán giả. Có những lúc tưởng chừng tiết mục rất hay và thành công nhưng chỉ vì yếu tố sức khỏe hay tâm lý không tốt là hỏng hết”.
Chứng kiến anh chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, từng động tác cho mỗi nhân vật rối, hẳn ai cũng cảm nhận được lòng yêu nghề và đam mê nghề múa rối của anh. Dường như, với anh những con rối không còn là những vật dụng, công cụ do con người điều khiển nữa mà anh coi đó như những người bạn, người đồng nghiệp có tâm tư, tình cảm, có thể chia sẻ với anh cả khi thất bại hay thành công.
Năm 2015, anh đoạt Huy chương vàng cá nhân cho vai Roberto trong vở “Hào quang từ quá khứ” tại Liên hoan Múa rối quốc tế. Đó là thành quả của sự đam mê không mệt mỏi. Khi được hỏi về dự định trong những năm tiếp theo trên con đường nghệ thuật, Long bày tỏ: “Tôi mong muốn được đi học thêm nữa về múa rối. Mỗi năm, tôi phấn đấu sẽ có một tiết mục mới của mình để phục vụ khán giả, bởi hiện tại nhà hát vẫn thiếu những vở diễn hay, hấp dẫn”.
Cũng như những nghệ sĩ, nghệ nhân theo đuổi nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật dân gian,Nguyễn Văn Bốn mong muốn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam sẽ mãi có vị trí vững chắc trong lòng khán giả.