Mới đây, tài khoản Facebook của điều dưỡng Mai Tuyên Huấn (SN 1977, khoa Điều dưỡng tự nguyện, bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa) nhận được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng bởi anh chia sẻ những dòng thơ viết vội sau trong giờ nghỉ giải lao. Những vần thơ ấy như trang nhật ký ghi lại hoạt động, cảm xúc, tâm trạng, câu chuyện mà anh và các đồng nghiệp đã trải qua.
Bất cứ ai đọc dòng thơ trên facebook của nam điều dưỡng cũng rưng rưng nghẹn ngào bởi nỗi vất vả, nhọc nhằn mà đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, đội tình nguyện viên đang phải trải qua.
Có rất nhiều bài thơ nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi như: Mãi trọn niềm tin, Cùng nhau ta đi, Chia sẻ, Hẹn ngày mới, Chào ngày mai, Hẹn ngày về… Và bài thơ “Chia sẻ” mới nhất do anh sáng tác đã tái hiện nỗi vất vả, nhọc nhằn khôn nguôi của đội ngũ y tế:
CHIA SẺ
Đôi mắt thất thần như chẳng có tương lai
Không bóng người qua lại
Tiếng sục oxy, tiếng ho dài uể oải
Chắc họ đang cần đâu đó một bờ vai
Người vào trong nhà này biết cậy nhờ ai
Chỉ có chúng tôi – những nhân viên y tế
Nên không thể làm qua loa lấy lệ
Mà phải chăm lo, coi tựa thể người nhà
Chuyên môn hằng ngày, ngoài việc phải làm ra
Còn sắp xếp thay ga, thay quần áo
Ngày ba buổi: Nước, cơm rồi sữa, cháo
Dọn vệ sinh, đổ rác thải dư thừa
Đến đầu giường hỏi họ đỡ hay chưa
Cần giúp đỡ những điều chi thêm nữa
Chia sẻ, động viên như truyền thêm chất lửa
Mong họ mau về lại với gia đình
Vì trong lòng luôn nhắc nhủ đinh ninh
Họ mong khỏi giống như mình mong đợi
Ngày ấy nhanh thôi không xa vời vợi
Dập COVID nhanh thắng lợi trở về
Thỏa chân tình thương nhớ buổi xa quê
Thỏa ước vọng lời thề ra chiến tuyến
Đáp tình cảm ngày chia tay lưu luyến
Đón người về trong hạnh phúc ca vang.
Anh từng viết trên trang cá nhân của mình: "Gặp nhau trong lúc giao ca/Mà anh chẳng biết đó là em đâu/Kín bưng từ dưới lên đầu/Kính che giọt bắn ngập bầu sương rơi"...
Bài thơ được anh Tuyên Huấn sáng tác sau khi kết thúc ca làm việc giữa bộn bề mệt mỏi, lo toan. Không giấy bút, không thi cảnh, anh chọn cách ghi lại dòng cảm xúc nghẹn ngào lên chiếc điện điện thoại của mình. Lời thơ giản dị, mộc mạc, thân thương là lời trải lòng của anh cùng các đồng nghiệp và cũng là lời động viên, an ủi gửi tới các bệnh nhân đang điều trị: “Chúng ta nhất định rồi sẽ chiến thắng dịch bệnh COVID-19”.
Nam điều dưỡng Mai Tuyên Huấn chia sẻ: “Các bài thơ đều được tôi sáng tác ngẫu hứng vào giờ nghỉ giải lao hoặc sau khi kết thúc ca làm. Thời gian sáng tác trong khoảng 20-30 phút thôi nên lời thơ giản dị, không trau chuốt. Mỗi bài thơ là một câu chuyện xúc động khó quên bởi những người bệnh tại đây đều bị nhiễm virus khá nặng. Bệnh nhân trong trạng thái thất thần, chán chường, không có gia đình bên cạnh, họ phải thở bằng máy… Chúng tôi như người thân của họ vậy, phải luôn túc trực và động viên để họ lấy lại tinh thần. Nhiều ca chuyển biến tích cực được chuyển sang phòng tự chăm sóc khác là động lực giúp chúng tôi cố gắng hơn nữa”.
“Khu điều trị có ba khoa, trong một ca của khoa có 4-5 điều dưỡng chăm sóc 60 bệnh nhân nên khối lượng công việc rất nhiều. Ngoài công việc điều trị chuyên môn, chúng tôi còn phải làm nhiều công việc khác như: Chăm sóc vệ sinh, phục vụ bệnh nhân ăn uống, thu gom rác thải…Công việc áp lực vậy nên sau giờ làm việc, tôi sáng tác thơ để quên đi mệt mỏi. Và đó cũng là lời động viên đồng nghiệp bình tâm, gan dạ chiến đấu chống dịch bệnh”, anh Tuyên Huấn nói.
Sau buổi làm việc, anh cũng tranh thủ gọi điện về cho gia đình yên tâm, nhắc nhở vợ con giữ gìn sức khỏe, yên tâm chống dịch, hẹn ngày gặp lại. Gạt đi nỗi nhớ quê, nhớ nhà, các anh nỗ lực hết mình trong cuộc chiến chung của toàn dân tộc: “Mai đây nhiệm vụ hoàn thành/Trăm hoa tươi thắm kết vành vinh quang”.
Bàn tay anh nhăn nheo, chai sần, bong tróc da bởi khối lượng công việc mỗi ngày quá nhiều.
Điều anh Tuyên Huấn mong muốn nhất bây giờ là sớm kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh.
Theo anh Tuyên Huấn chia sẻ, ngày 13/7 vừa qua, anh cùng đoàn cán bộ y tế Thanh Hóa lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19, trong đó, bệnh viện Nhi Thanh Hóa có 22 cán bộ. Hiện tại, anh cùng các đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện điều trị COVID-19 cơ sở 2, quận Thủ Đức.
“Đến đây, chúng tôi được đón nhận tình cảm của ban, ngành, đoàn thể tại địa phương và tình cảm các của bệnh nhân nên cảm thấy rất hạnh phúc, vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Sự động viên không chỉ về vật chất mà về cả tinh thần giúp tôi và đồng nghiệp thêm yên tâm công tác”, nam điều dưỡng chia sẻ.