Nghị lực phi thường của người mẹ từ chối điều trị ung thư để sinh con

Điều kỳ diệu đã đến với bà mẹ Nguyễn Thị Liên, ung thư giai đoạn cuối từ chối điều trị ung thư để sinh con. Những tưởng chị đã dồn hết sự sống của đời mình cho khoảng khắc sinh nở nhưng sau 7 tháng nỗ lực điều trị, sức khỏe của chị lại cải thiện không ngờ.

PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K T.Ư chia sẻ, đến thăm bệnh nhân Nguyễn Thị Liên ngày 7/1, ông vô cùng cảm động vì sự hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân. 

"7 tháng trước, khi bệnh nhân trải qua cơn mổ đẻ, mê man trên bàn phẫu thuật, ít ai có thể lạc quan về sự phục hồi của chị. Nhưng giờ đây, điều kỳ diệu đã xảy ra" - GS Thuấn cho biết. 

Nghị lực phi thường của người mẹ từ chối điều trị ung thư để sinh con - 1

Giờ đây người mẹ ung thư vú giai đoạn cuối quyết tâm sinh con Nguyễn Thị Liên đã dần hồi phục sức khỏe, đạt cân nặng 51 kg, làn da không còn xanh xao, mai mái nữa mà đã hồng hào trở lại. Đều đặn mỗi tháng, chị Liên sẽ trở lại Bệnh viện K để tái khám và điều trị.

Hành trình chiến đấu với căn bệnh này của chị Liên còn dài nhưng với tinh thần lạc quan, sự mong ngóng của cậu con trai bé bỏng và cô con gái hơn 3 tuổi lớn khôn, chị lại càng phải cố gắng để trở về.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Liên (29 tuổi, Lý Nhân, Hà Nam) là sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối quyết tâm sinh con. Đầu năm 2019, khi mang thai được 8 tuần, chị Liên thấy ngực xuất hiện u cục nhưng chỉ nghĩ là bị viêm tuyến sữa. Nào ngờ u vú ngày càng to hơn, xuất hiện thêm nhiều hạch ở vai, tức ngực, ho nhiều, hai chân phù đau nhức, cơ thể mệt mỏi thì chị Liên mới đi khám. Lúc đó, cái thai đã được 15 tuần.

Kết quả chiếu chụp khiến chị và chồng như sét đánh ngang tai: “ung thư vú giai đoạn 4 – giai đoạn rất khó điều trị khi tổ chức ung thư đã di căn sang nhiều bộ phận khác.

Nghị lực phi thường của người mẹ từ chối điều trị ung thư để sinh con - 2

Sau 20 ngày sinh, chị Liên mới được bế đứa con bé bỏng trên tay.

Lúc này, nếu điều trị thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Còn không điều trị thì sức khỏe của cả mẹ và bé đều nguy hiểm. Chị Liên đã không hề đắn đo khi quyết định giữ lại đứa con. Chị chỉ tha thiết mong các bác sĩ tìm được một phác đồ điều trị an toàn cho bé và kéo dài sự sống cho chị, để đợi đứa con lớn lên và có thể chào đời.

Tuy nhiên, sau 6 tuần hóa trị, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu khó thở, bác sĩ đánh giá tổn thương tràn dịch màng phổi tiến triển, bệnh nhân Liên ngay lập tức chuyển khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị triệu chứng, thở oxy, hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt, tiêm truyền… Dù được hóa trị nhưng vì bệnh quá nặng, di căn sang xương, phổi nên các u hạch xuất hiện ngày càng dày đặc vùng ngực, khiến bệnh nhân càng ngày càng khó thở.

Nằm xuống là không thở được, vì vậy, để duy trì sự sống cho mình, nỗ lực vì sự sống của đứa con, chị Liên đã phải ngồi suốt 24/24h, mỗi ngày chỉ ngủ được 1-2h tiếng đồng hồ. Nhưng chị không sợ mệt, sợ đau mà lúc nào cũng đau đáu về sức khỏe của đứa con trong bụng. 

Ngày 22/5, khi thai nhi ở tuần 31, thấy sức khỏe của người mẹ đã quá sức chịu đựng, các bác sĩ BV K T.Ư với sự phối hợp của các các sĩ BV Phụ sản T.Ư đã quyết định mổ sinh. Vì bệnh nhân nằm sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên các bác sĩ đã để bệnh nhân ngồi để thực hiện ca mổ sinh. Đây là tư thế khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ, lại phải mổ thật nhanh và suốt quá trình phải lo cho sức khỏe của người mẹ. Hình ảnh người mẹ bị "mổ ngồi" đã khiến nhiều bác sĩ xúc động. 

Nghị lực phi thường của người mẹ từ chối điều trị ung thư để sinh con - 3

Bình An cứng cáp bên chị gái - hai nguồn động viên kỳ diệu nhất của chị Liên. Ảnh Hà Trần 

Còn bé Bình An - cái tên mà mẹ Liên đã chọn để hy vọng con mình cả đời được Bình Bình, An An đã lớn lên khỏe mạnh. Hiện Bình An đã được hơn 7 tháng tuổi, nặng 8kg, tăng 5,6kg so với thời điểm được xuất viện về nhà. Anh Hùng - chồng chị Liên cho biết, bé An rất ngoan ngoãn, chịu khó chơi với ông bà và các để mẹ đi chữa bệnh dài ngày.  Thế nhưng, mỗi khi thấy mẹ trở về là Bình An lại không chịu theo ai nữa, cứ bám riết lấy mẹ, hai mẹ con quấn quýt bên nhau chẳng rời. 

Về tình hình điều trị của bệnh nhân liên, TS.BS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội 5 chia sẻ: “Sau khi sinh, bệnh nhân Liên được điều trị bằng hóa trị và thuốc kháng thể đơn dòng. Trải qua 9 đợt điều trị, sau đánh giá ban đầu thì tổn thương vú đáp ứng hoàn toàn, tổn thương phổi, gan đáp ứng 1 phần. Bệnh nhân dung nạp thuốc tốt. Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ và hội chẩn để đưa ra hướng điều trị tiếp theo, có thể bệnh nhân sẽ được duy trì điều trị bằng thuốc kháng thể đơn dòng và thuốc nội tiết”. 

Ngày 8/1, tại Bệnh viện K T.Ư, ông Girish Mulye, Trưởng Văn phòng đại diện  Công ty Hoffmann-La Roche tại Việt Nam cho biết, công ty sẽ tài trợ thuốc điều trị đích ung thư vú cho bệnh nhân Nguyễn Thị Liên để chị tiếp tục được điều trị tốt nhất, sớm phục hồi sức khỏe. 

Nghị lực phi thường của người mẹ từ chối điều trị ung thư để sinh con - 4

Chiều 8/1, Thủy Tiên đã cùng với lãnh đạo Bệnh viện và Công ty Roche trao quà cho các bệnh nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện K và động viên mọi người cùng nỗ lực chống lại bệnh ung thư. Ảnh Hà Trần 

Ngoài ra, Công ty Hoffmann-La Roche còn tài trợ toàn bộ số thuốc điều trị đích điều trị ung thư vú cho em Đặng Trần Thủy Tiên (19 tuổi, quê Hải Phòng) – nữ sinh Trường Đại học Ngoại thương vừa đạt danh hiệu “Hoa khôi truyền cảm hứng”. Tổng chi phí hỗ trợ điều trị cho Thủy Tiên là hơn 615 triệu đồng.

GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết: “Em Đặng Trần Thủy Tiên không may mắc căn bệnh vú khi còn rất trẻ, nhưng bằng tinh thần lạc quan, không chịu khuất phục số mệnh, Đặng Trần Thủy Tiên đã kiên cường đứng lên, chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Em còn tự tin tham gia cuộc thi Hoa khôi Đại học Ngoại thương, đạt Giải “Hoa khôi truyền cảm hứng”.

Tôi tin tưởng rằng câu chuyện về căn bệnh mà em mắc phải và cách Đặng Trần Thủy Tiên đối diện với bệnh tật sẽ trở thành một niềm cảm hứng, truyền tới cho những người bệnh ung thư một niềm tin, nghị lực và sự lạc quan trong cuộc sống, hướng đến những điều tốt đẹp hơn”.