Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đã thôi thúc nhiều thanh niên Trung Quốc đổ xô về các thành phố lớn với mong muốn tìm được công việc tốt với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, những áp lực của cuộc sống và guồng quay gắt gao của công việc khiến một bộ phận không nhỏ người trẻ ở quốc gia này cảm thấy chán nản và mệt mỏi. Thay vì "nằm yên, mặc kệ sự đời", giới trẻ Trung Quốc rủ nhau vào các đạo quán dịp cuối tuần để "chữa lành" bằng cách luyện võ.
Ngay tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nhiều bạn trẻ tham gia học võ ở Bạch Vân Quán, một đạo quán nằm ở phía ngoài cửa tây của thành phố, đồng thời chính là tổ đình của Toàn Chân phái. Kể từ năm 2017, Bạch Vân Quán đã bắt đầu tổ chức các lớp học võ miễn phí. Sau thời gian phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19, các lớp học võ này được mở trở lại và đang hình thành một làn sóng mới. Đó là nhiều người trẻ chiếm đa số trong các lớp học. Họ là những người lao động nhập cư, sinh viên đại học và cả những thanh niên thất nghiệp.
Nhiều đạo quán khác ở Trung Quốc cũng mở các lớp học võ. Giữa bộn bề của cuộc sống, tập võ ở các đạo quán giờ đây đang trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ ở Trung Quốc. Nhiều đạo quan ghi nhận "cháy suất" chỉ sau khoảng 1 giờ mở cổng đăng ký.
Nhiều bạn trẻ Trung Quốc tham gia các lớp học võ miễn phí tại Bạch Vân Quán. Ảnh: Zhuanlan
Thầy Tư Cơ, hậu duệ đời thứ của phái Võ Đang, đang dạy võ tại Bạch Vân Quán, chia sẻ: "Trước dịch Covid-19, hầu hết những người đến học võ đều là trung niên và người già. Sau dịch thì có xu hướng trẻ hơn".
Thầy Đặng Gia Nghệ, một giáo viên khác tại Bạch Vân Quán cho biết, ông đã chứng kiến có nhiều dân văn phòng đến đây vì bị chứng đau cứng cổ vai gáy, mệt mỏi và chán nản kéo dài. Sau một thời gian luyện tập, các vấn đề của cơ thể dần được cải thiện, tinh thần tốt và họ trở nên lạc quan hơn.
Nhiều người trẻ ở Trung Quốc thừa nhận, do áp lực với công việc và học tập nên họ coi việc lên núi luyện võ giống như một cách để sạc năng lượng và để trở lại đam mê hơn.
Nhiều người trẻ không cố bám trụ trên thành phố
Học võ và rèn luyện võ thuật vào dịp cuối tuần là chưa đủ để giải tỏa áp lực. Cường độ làm việc quá căng thẳng, áp lực cơm áo gạo tiền và chạy theo những tiêu chuẩn thành công khuôn mẫu khiến nhiều người trẻ ở Trung Quốc cảm thấy chán nản với cuộc sống ở những thành phố phồn hoa. Họ chọn cách thay đổi và tìm về quê hay những thành phố nhỏ khác để lập nghiệp.
Nhiều người trẻ ở Trung Quốc quyết định về quê lập nghiệp để rời xa cuộc sống áp lực trên các thành phố lớn. Ảnh: Xinhua
Hiện nay, thay vì cố bám trụ tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, nhiều người trẻ ở Trung Quốc, nhất là các bạn sinh viên mới tốt nghiệp, lại lựa chọn tìm việc tại các thành phố nhỏ hơn.
Theo báo cáo nghiên cứu số liệu về sinh viên ĐH từ các khóa từ 2018 – 2022 của công ty tư vấn giáo dục Trung Quốc My COS, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng ở những địa phương cấp huyện tăng từ 20% (khóa 2018) lên 25% (khóa 2022). Ngoài ra, có gần 60% sinh viên tốt nghiệp năm 2016 và 2017 quay trở về những thành phố nhỏ để làm việc và lưu trú ở đó liên tục trong 5 năm.
Trên thực tế, mức thu nhập tại các thành phố nhỏ và sự hài lòng về công việc được coi là hai trong những yếu tố khiến nhu cầu trở về địa phương làm việc tăng.
Báo cáo của MyCOS cũng chỉ ra rằng, mức lương trung bình hàng tháng của sinh viên đại học làm việc tại các thành phố nhỏ ở Trung Quốc đã tăng từ hơn 4.600 NDT (hơn 16 triệu đồng) vào năm 2018 lên gần 5.499 NDT (gần 19 triệu đồng) năm 2022.
Tuy nhiên, thông tin này gây tranh cãi trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc. Không ít người bày tỏ nghi ngờ về mức lương trên tại các thành phố nhỏ ở Trung Quốc.
Nhung thu nhập lại không phải là lý do duy nhất khiến những người trẻ ở Trung Quốc quyết định rời bỏ các thành phố lớn. Theo Sixth Tone, báo cáo của MyCOS chỉ ra rằng, xu hướng về quê lập nghiệp có liên quan đến việc giới trẻ muốn thoát khỏi những áp lực khi sống và làm việc tại thành phố lớn.
Trên thực tế, văn hóa làm việc "996" (tức là làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và 6 ngày một tuần) tại các thành phố lớn lại hầu như không tồn tại ở những địa phương khác. Do đó, người lao động không phải chịu áp lực về lương hoặc lo lắng về cắt giảm nhân sự.
Mặt khác, những chính sách mới được thiết kế như được trợ cấp mua nhà, trợ cấp sinh hoạt hàng năm… cũng có vai trò quan trọng trong xu hướng nhiều người trẻ Trung Quốc về quê lập nghiệp.
Trong tháng 3/2024, ông Yao Jinbo, Giám đốc điều hành của 58.com, một trang web được phân loại hàng đầu tại Trung Quốc, khuyên sinh viên đại học nên chú ý nhiều hơn đến những công việc ở bên ngoài các thành phố hạng nhất. Bởi các thành phố khác cũng đang phát triển và có nhiều cơ hội việc làm.
Nguồn: CNA, The paper, Sixth Tone